1. Khen ngợi hành vi có tác dụng hơn là khen ngợi cá nhân
Ví dụ, nếu đối phương là một đầu bếp, đừng nói: “Anh đúng là một đầu bếp tuyệt vời!”
Ai cũng nhận ra đây chỉ là một câu khách sáo, chẳng để trong lòng.
Tuy nhiên, nếu bạn nói: “Món ăn hôm nay quả thực rất ngon!”, giá trị lời khen dễ dàng tiếp cận với chủ thể hơn, thể hiện sự tôn trọng hiệu quả hơn.
2. Truyền đạt lời khen thông qua bên thứ ba
Nếu đối phương nghe được lời khen gián tiếp thông qua người khác thì sẽ vui vẻ hơn so với việc được nghe trực tiếp. Ngược lại, nếu bạn chỉ trích đối phương, đừng nói với bên thứ ba để tránh đổ thêm dầu vào lửa.
3. Trước những lời khen, hãy biết nói “Cảm ơn”
Nhận được sự ngợi khen cũng tương đương với sự chấp thuận từ đối phương, hãy vui vẻ tiếp nhận bằng một lời cảm ơn. Nếu bạn liên tục tỏ ra khiêm tốn, “chối đây đẩy” mọi chuyện thì vô tình biến cuộc nói chuyện trở nên khách sáo và mất tự nhiên hơn.
Ví dụ: Khi ai đó khen trang phục của bạn thật xinh đẹp, nếu bạn trả lời “Ôi hàng rẻ tiền ấy mà, có gì đâu”, đối phương nhất định sẽ cảm thấy xấu hổ.
4. Rộng lượng với đối thủ hoặc người mình không ưa
Trước mặt mọi người, đừng nên tỏ thái độ khó chịu khi đối thủ hoặc những người mình không ưa khi họ đạt được thành tựu, có chuyện vui. Cho dù trong lòng nghĩ thế nào, bạn vẫn phải thể hiện sự rộng lượng, phóng khoáng và tôn trọng đối thủ của mình.
5. Phê bình phụ thuộc vào mối quan hệ
Có rất nhiều cách nhận xét hay phê bình một vấn đề, không nhất thiết phải chọn cách khó nghe nhất, đay nghiến hay càm ràm, khiến đối phương tức giận hoặc hiểu lầm ý tốt của bản thân. Càng là những mối quan hệ thân thiết thì càng phải cẩn trọng trong ngôn từ, tránh gây tổn thương và rạn nứt tình cảm đôi bên.
Có thể tham khảo cách nói, “Về vấn đề này, tôi có ý kiến thế này, có lẽ cậu nên nghe thử xem sao…”
6. Thời điểm phê bình cũng vô cùng quan trọng
Đừng chỉ trích một người trước mặt đám đông. Dù là bạn bè hay đồng nghiệp thân thiết thì cũng nên gọi họ vào phòng nói chuyện riêng, trong quá trình phê bình cũng nên góp ý để họ cải thiện, giúp cuộc giao tiếp thêm phần thuyết phục hơn.
7. Hạn chế những từ “đệm” vô nghĩa
Một số người quen với việc thêm "À" hoặc “Ừm”... và nhiều loại từ “đệm” vô nghĩa trong câu nói của mình. Với những trường hợp trang trọng, hoặc khi gặp khách hàng khó tính, chúng sẽ là nguyên nhân khiến lời nói của bạn bị suy giảm đáng kể về độ tin cậy.
8. Đừng nghĩ rằng mọi người đều biết bạn
Khi đối diện với những người đã từng gặp, nhưng không quen biết sâu xa, đừng bao giờ nói: “Bạn có nhớ tôi không?” Nếu lỡ đối phương không thể nhớ ra thì tình huống sẽ rất ngại ngùng.
Cách tốt nhất là bạn nên giới thiệu bản thân mình: “Xin chào, tôi là ×××, rất vui được gặp lại anh."
9. Từ chối cũng có lễ độ
Trong bữa cơm, nếu người chủ trì giới thiệu bạn một món ăn nào đó mà bạn không thích, bạn có thể đáp lại rằng: "Xin lỗi, tôi không thể ăn món này được vì món ××× đã chiếm trọn tâm trí tôi rồi đây này."
Gia chủ sẽ không thấy mất mặt khi bị từ chối, đồng thời cảm nhận được sự nhiệt tình và vui vẻ của bạn trong bữa cơm này.
Nếu đã no, bạn có thể thốt lên rằng: “Mấy món này ngon quá, nếu không phải do quá no thì tôi rất muốn ăn thêm.”
Hoặc trong các buổi xã giao, nhậu nhẹt, đừng chỉ nói “Tôi không uống rượu”, hãy dí dỏm bảo rằng, “Tôi rót rượu cho mọi người thôi đã đủ say rồi đây này”.
10. Đừng bao giờ tỏ ra mình giỏi hơn người khác
Khi giao tiếp, nếu ai đó đang kể về chuyến du lịch biển ở quốc nội, đừng khoe khoang bạn đã tới Maldives hào nhoáng ra sau. Nếu ai đó cho bạn xem đôi giày 1 triệu họ mới mua, đừng thể hiện rằng mình đang có cả chục đôi hàng hiệu khác.
Tốt nhất, hãy lắng nghe chăm chú và chia sẻ sở thích về du lịch hoặc giày dép tương đồng với họ mà thôi.
11. Bắt lỗi người khác quá nhiều sẽ trở thành bất lịch sự
Đừng biến mình thành gà mái mẹ, coi mọi người xung quanh như đàn con thơ, cả ngày đi sau lưng để bắt lỗi và đòi sửa đúng cho họ. Vạch trần những lỗi nhỏ của người khác, ví dụ như phát âm sai, nói sai ngữ pháp… chỉ khiến họ xấu hổ, phản cảm với bạn.
12. Không hiểu thì đừng giả vờ hiểu
Nếu bạn không hiểu chủ đề của cuộc trò chuyện, chỉ cần yên lặng lắng nghe. Trong trường hợp bắt buộc phải lên tiếng, cứ nói thẳng: “Tôi không rõ câu hỏi này cho lắm.” Đừng giấu dốt, cố thể hiện rằng mình hiểu, trong khi thực chất đang nói hươu nói vượn, khiến người khác đánh mất lòng tôn trọng và tin tưởng.
13. Nắm rõ nguyên tắc 1 giây
Sau khi nghe cuộc trò chuyện của ai đó, hãy tạm dừng 1 giây trước khi đáp lời, điều đó có nghĩa là bạn vừa mới lắng nghe và suy nghĩ một cách cẩn thận. Nếu bạn nói quá sớm sẽ khiến mọi người có cảm giác như bạn đang vội vã ngắt lời.
14. Nở nụ cười từ chối khi không muốn trả lời những câu hỏi riêng tư
Nếu bạn bị hỏi một câu mang tính cá nhân mà bản thân không muốn trả lời hoặc cảm thấy không thoải mái, hãy mỉm cười và nói với đối phương: “Điều này là bí mật, tôi không thể trả lời được đâu.”
Cách nói này giảm được sự lúng túng giữa đôi bên mà vẫn khẳng định giới hạn và nguyên tắc của bạn, không đánh mất sự tôn trọng.
15. Hãy giới thiệu bản thân trước
Nếu bạn quên tên của một người, hãy coi đó như một cơ hội để chính thức giới thiệu lại bản thân mình và gửi danh thiếp cho họ. Đối phương nhất định sẽ lịch sự đáp trả tương đương.
16. Biết cách “tiễn khách” ở thời điểm thích hợp
Nếu bạn nghĩ rằng đã gần đến lúc kết thúc cuộc trò chuyện hoặc tiễn khách, nhưng đối phương không hề có ý chủ động dừng lại và rời đi, có thể nói rằng: "Xin lỗi, tôi phải gọi một cuộc điện thoại, có lẽ sẽ mất thời gian lâu đấy..."
hoặc là: "Hôm nay thực sự cảm ơn cậu đã đến, còn ở lại đến tận giờ này... "
17. Khiến đối phương biết tầm quan trọng của họ
Nếu bạn nhờ sự giúp đỡ của một người, bạn có thể nói: "Vì tôi rất tin tưởng anh nên tôi mới cùng anh thảo luận điều này..."
Một câu nói đơn giản cũng làm cho người đối diện cảm thấy được tôn trọng.
Phương Thúy
Nguồn: ttvn.toquoc.vn
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC