Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có 61 thí sinh đạt từ 29,5 điểm trở lên không trúng tuyển nguyện vọng nào. Cá biệt, 3 ngành của Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa), Học viện Chính trị Công an nhân dân, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Hà Nội) lấy điểm chuẩn 30 - 30,5. Như vậy nếu thí sinh đạt điểm tuyệt đối (30/30) mà không cộng điểm ưu tiên thì vẫn trượt đại học.
Học sinh ngày nay quá giỏi?
Là giáo viên bậc THPT, tôi cũng choáng khi điểm chuẩn một số ngành xét tuyển vào đại học năm nay tăng “phi mã”. Thời chúng tôi thi đại học (từ năm 2000), thí sinh nào đạt trên 24 điểm (3 môn chưa nhân hệ số) là có thể trúng tuyển vào những ngành “hot”, trường “top” như Đại học Bách khoa, Y khoa, Ngoại thương, Công an, Quân đội, Luật…
Ngày đó chúng tôi thi theo các khối truyền thống như khối A (Toán, Vật lý, Hóa học); khối B (Toán, Hóa học, Sinh học); khối C (Văn, Lịch sử, Địa lý); khối H (môn năng khiếu). Các môn thi đều theo hình thức tự luận, thời gian làm bài lên đến 180 phút. Chẳng hạn, đề môn Toán gồm 10 câu tự luận, môn Văn 2 câu nghị luận văn học. Nhìn chung, đề thi ngày đó khó, độ phân hóa cao nên thí sinh đạt điểm 8 rất ít, ngưỡng 9, 10 lại càng hiếm.
Thế hệ chúng tôi thi đại học không nhiều người đỗ năm đầu, trừ trường hợp học giỏi thực sự. Vậy nên, chúng tôi thi lại năm 2, năm 3, thậm chí năm 5 hoặc hơn thế cũng không phải chuyện lạ. Người có học lực khá thường phải luyện thi ít nhất 1 năm mới có thể đỗ vào các trường công lập. Còn lại, đa phần học sinh lựa chọn con đường học nghề hay đi làm sớm để mưu sinh.
Đặc biệt, thời đó các trường đại học (gồm trường dân lập, tư thục) không xét tuyển theo phương thức lấy điểm học bạ. Thí sinh cũng chỉ đăng ký tối đa 3 trường (2 trường đại học, 1 trường cao đẳng) và vài ba nguyện vọng. Vậy nên, lứa tuổi chúng tôi ngày ấy thi hỏng cũng ít ai than thân trách phận, tuyệt nhiên hiếm có trường hợp nào thi đạt điểm khá, giỏi mà lại trượt hết các nguyện vọng.
Thí sinh tham gia tốt nghiệp THPT. (Ảnh minh hoạ)
Bi kịch học hành, thi cử
Phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay cho thấy, tỷ lệ thí sinh đạt điểm giỏi tăng gấp nhiều lần so với năm 2020 và những năm trước đó. Theo đó, môn tiếng Anh, tỷ lệ bài thi điểm từ điểm 8 trở lên năm nay chiếm 22,4%, trong khi tỷ lệ này vào năm 2020 là 6,4%, năm 2019 là 5,96% và năm 2018 là 2,7%. Điểm môn Tiếng Anh tăng kéo theo điểm chuẩn vào các ngành xét tuyển tổ hợp có môn Tiếng Anh năm nay đều tăng so với năm trước.
Hay môn Địa lý, tỷ lệ bài thi điểm từ 8 trở lên năm nay là 22%, trong khi năm ngoái là 16,5%, năm 2019 là 5,55% và 2018 chỉ 3,16%. Đáng chú ý, môn Giáo dục công dân số điểm trên 8 là 71,5%, năm 2020 là 66,2% và năm 2019 là 38,4% và 2018 là 29,2 %. GDCD cũng là môn có số điểm 10 cao nhất trong các môn thi (gần 20.000 điểm 10) và cao hơn 4,5 lần so với năm trước.
Đáng chú ý, 61 thí sinh đạt từ 29,5 điểm trở lên không trúng tuyển nguyện vọng nào. Nhưng đại diện Bộ GD&ĐT cho biết: “Việc thí sinh bị trượt nguyện vọng 1 ở một số ngành điểm cao là đáng tiếc song cũng chỉ là hiện tượng cá biệt. Xét tuyển đại học thực chất là câu chuyện cạnh tranh, cơ hội hoàn toàn nằm ở sự lựa chọn của thí sinh”.
Thế nhưng, theo tôi, thí sinh đạt từ 29,5 trở lên (chỉ thiếu 0,5 điểm/3 môn là đạt tuyệt đối) mà trượt hết các nguyện vọng là bi kịch - bi kịch học hành, thi cử chứ không đơn thuần là “đáng tiếc”. Bởi, với cách xét tuyển như hiện nay thì thí sinh chịu nhiều may rủi trong việc lựa chọn nguyện vọng. Minh chứng là, có trường hợp “30 điểm thì trượt, 25 điểm lại đỗ” – vậy tính phân loại của một kì thi 2 trong 1 ở đâu?
Có thể lý giải tấn bi kịch của điểm chuẩn năm nay thế nào? Thí sinh điểm chuẩn 29,5 hay 30 vẫn rớt đại học, một phần là do điểm ưu tiên trong xét tuyển đại học. Điểm ưu tiên theo khu vực và đối tượng chính sách theo quy định của Nhà nước khiến điểm tổng (sau khi cộng điểm ưu tiên, tối đa lên đến 2,75 điểm đối với thí sinh người thiểu số ở KV1) của thí sinh vượt qua ngưỡng 30/30.
Điểm chuẩn đối với tổ hợp C00 vào ngành Hàn Quốc học của Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục đứng ở ngưỡng tối đa 30/30 điểm; điểm chuẩn ngành Sư phạm Ngữ văn chương trình chất lượng cao của Đại học Hồng Đức (Thanh Hoá) là 30,5 - cũng do điểm ưu tiên chi phối.
Thi cử sao cần điểm cộng?
Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu bỏ hoặc giảm bớt điểm ưu tiên trong xét tuyển đại học vì cách làm này còn nhiều bất cập, kể cả sự vô lý. Ngày nay, điều kiện kinh tế của nhiều vùng miền còn khó khăn, nhưng công nghệ thông tin gần như đã phổ cập, vì vậy chất lượng học tập các khu vực được rút ngắn lại.
Cùng với đó, tuyển sinh là tuyển năng lực. Mà đã ưu tiên năng lực thì làm sao có thể tuyển được người tài giỏi. Thí sinh thuộc diện đối tượng chính sách, Nhà nước cần ưu tiên cho họ về vật chất phục vụ việc học mới là việc làm thiết thực nhất.
Thiết nghĩ, đã đến lúc Bộ GD&ĐT cần tìm ra giải pháp tối ưu nhằm giúp thí sinh giỏi được vào các đại học tốt nhất, tránh “chảy máu” nhân tài như kỳ xét tuyển năm nay. Muốn vậy, cần trong đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh từ năm 2022. Trong đó, hai đại học quốc gia và các đại học vùng cần bắt tay xây dựng hệ thống các trung tâm khảo thí như theo định hướng của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn.
Nếu Bộ GD&ĐT còn duy trì kì thi 2 trong 1 thì phải điều chỉnh đề thi tốt nghiệp THPT theo hướng phân hóa cao (xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học). Ngoài ra, tiếp tục đa dạng các phương thức xét tuyển để thí sinh có nhiều con đường khác nhau vào trường đại học là xu hướng được nhiều chuyên gia giáo dục đề xuất.
Cao Nguyên
Nguồn: vtc.vn
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC