4 kiểu làm mẹ nên tránh để không ảnh hưởng xấu đến việc hình thành tính cách con trẻ

4 kiểu làm mẹ nên tránh để không ảnh hưởng xấu đến việc hình thành tính cách con trẻ

Trong cuộc sống thực tế hiện tại, người cha thường bận rộn với sự nghiệp, vậy nên các bà mẹ sẽ chiếm thời gian chăm sóc con cái nhiều hơn. Kiểu người mẹ như thế nào sẽ nuôi dưỡng nên kiểu người con như vậy, tính cách của người mẹ là đặc biệt ảnh hưởng đến sự trưởng thành của con. Dưới đây xin liệt kê 4 kiểu người mẹ như vậy.

1. Mẹ lạnh lùng và khắc nghiệt: Dễ dưỡng thành một đứa trẻ cô đơn

Biểu hiện của mẹ: Một số người mẹ, đặc biệt là một số bà mẹ đơn thân, họ có vẻ rất thờ ơ trong tình cảm, cảm xúc lạnh nhạt. Họ dường như không muốn có đứa trẻ này, có lẽ trong suy nghĩ luôn cảm thấy đứa con này là ngọn nguồn bất hạnh của chính mình. Kiểu người mẹ này rất ít khi ôm đứa trẻ vào lòng, đối xử với đứa trẻ vô cùng nghiêm khắc. Một số người mẹ như vậy là lâm vào tình trạng trầm cảm, cô đơn, vậy nên đối đãi với con mình cũng thờ ơ lạnh nhạt.

Tâm lý của trẻ: Con trẻ lớn lên trong hoàn cảnh này, rất dễ dàng trở thành một đứa trẻ cô độc. Mà một đứa trẻ cô độc thường sợ tiếp xúc gần gũi, chúng không nhận được tình cảm gần gũi gì từ mẹ mình, những mong muốn được ở gần mẹ luôn bị rơi vào hụt hẫng, bởi vậy mà chúng tự cho rằng: ‘Ta cũng không cần’. Nội tâm của một đứa trẻ cô độc như thế nào có thể bề ngoài thường sẽ không thể hiện ra, thoạt nhìn có vẻ là một đứa trẻ mạnh mẽ, nhưng thực tế là đang tự lừa dối chính mình.

Rắc rối lúc trưởng thành: Trẻ cô độc tính cách thường lạnh lùng, thậm chí là cay nghiệt, thiếu sự tha thiết và nhiệt tình đối với cuộc sống. Họ thường rất thành công trong sự nghiệp của mình, nhu cầu vật chất đạm bạc, tính cách độc lập và nhẫn nại. Tuy nhiên, cuộc sống hôn nhân của họ thường tràn ngập những phức tạp rối rắm. Những người vô tình, tàn nhẫn, thường gây oán hận cho bạn đời, hơn phân nửa là kiểu người có tính cách cô độc này.

Chuyên gia EQ: Trẻ nhất thiết cần được yêu thương và bảo hộ. Những cái ôm vỗ về chính là phương pháp quan trọng trong trị liệu cho trẻ tự kỷ.

2. Mẹ thích kiểm soát: Dễ dưỡng thành một đứa trẻ thích trốn tránh

Biểu hiện của mẹ: Xuất phát từ bản năng yêu thương và bảo vệ con, hoặc xuất phát từ khó khăn trong quá khứ mà những người mẹ này thường sinh ra một nỗi sợ bị vứt bỏ, bị ruồng rẫy. Và bởi vì đối với con quá mức lưu luyến, họ mang tâm mong muốn kiểm soát hoàn toàn hành vi của trẻ, xa rời trẻ một chút cũng khó mà chịu nổi.

Tâm lý của trẻ: Con trẻ lớn lên trong hoàn cảnh này, dễ dàng hình thành tính cách thích trốn tránh. Trẻ không sợ thân thiết gần gũi, nhưng lúc nào cũng canh chừng duy trì khoảng cách với người khác. Trẻ để yên cho mẹ ôm, nhưng đồng thời lại luôn nghiêng mặt sang một bên tránh bị mẹ hôn. Bởi vì trẻ sợ quá thân thiết sẽ làm cho bản thân không thể thoát khỏi sự kiểm soát của mẹ.

132 1 4 Kieu Lam Me Nen Tranh De Khong Anh Huong Xau Den Viec Hinh Thanh Tinh Cach Con TreMẹ thích kiểm soát dễ dưỡng thành một đứa trẻ thích trốn tránh. (Ảnh: istockphoto.com)

Rắc rối lúc trưởng thành: Những đứa trẻ này khi lớn lên đã hình thành tính cách lảng tránh. Họ theo bản năng mà thường né tránh cuộc sống gia đình: công việc bận rộn trong thời gian dài, có khuynh hướng thích thường xuyên đi công tác, hoặc là mải miết đọc sách báo, xem TV. Họ cần không gian riêng, thích loại quan hệ qua lại tự do, không ràng buộc. Khi người bạn đời mong đợi giữ gìn trạng thái thân mật, hoặc khi bạn đời tiến gần thêm một bước chắc chắn, họ sẽ lập tức lùi lại, thậm chí tức giận: “Anh/em sao mà cứ dai dẳng như vậy? Anh/em yêu cầu quá nhiều rồi đó!”

Chuyên gia EQ: Mỗi cá nhân đều nên có cuộc sống riêng tư, trạng thái “phụ thuộc lẫn nhau” của bạn và con chỉ là tạm thời. Ôm khư khư con như là “người yêu nhỏ” của riêng mình sẽ chỉ làm cho con bạn cảm thấy một sự gò bó ràng buộc vô hình.

3. Người mẹ thờ ơ, lơ đễnh: Dễ dàng dưỡng thành tính cách truy cầu ở trẻ

Biểu hiện của mẹ: Có một số bà mẹ vì bận rộn, hoặc có thể là do tính cách tạo thành, biểu hiện thiếu nhẫn nại, họ luôn muốn nhanh chóng thoát khỏi trách nhiệm giáo dục con cái cho nên luôn cổ vũ, thậm chí cưỡng ép con cái bắt đầu tự lập từ lúc còn quá nhỏ.

Tâm lý của trẻ: Khi trẻ tự mình khám phá thế giới, nếu như không nhận được tình cảm và sự hỗ trợ từ cha mẹ, sẽ dễ dàng phải đối mặt với nỗi sợ hãi cô đơn. Trẻ thường sẽ lấy lòng mẹ bằng việc tỏ ra là một đứa trẻ ngoan, hoặc tìm ra những lý do khác nhau để thu hút sự chú ý của mẹ. Trẻ thiếu hụt cảm giác an toàn cần thiết, sợ phải rời xa mẹ, trẻ liên tục kiểm chứng xem có ai đó có thể quan tâm mình bất cứ lúc nào hay không.

Rắc rối lúc trưởng thành: Những đứa trẻ như vậy, khi thành niên thường hình thành tính cách truy cầu. Họ sợ bị bỏ rơi, vì để bảo trì quan hệ thân mật với bạn đời, họ sẽ luôn luôn cố gắng làm hài lòng đối phương, vì đối phương mà có thể làm mọi việc bằng tất cả khả năng của mình, trở thành một “hiền thê lương mẫu” hoặc một “ngũ hảo trượng phu”. Nhưng kiểu quan hệ này lại có thể làm cho đối phương cảm thấy ngột ngạt. Khi bản thân luôn cố gắng mà không có kết quả, lại âm thầm tự thấy thương tâm cho chính mình mà buồn bã thở dài: “Cuộc sống sao quá mệt mỏi!”.

Chuyên gia EQ: Ngoài việc “giáo” (dạy dỗ), trẻ vẫn còn cần được “dưỡng” (chăm sóc). Để giúp trẻ kiến lập sự tự tin tích cực đòi hỏi các bà mẹ đủ kiên nhẫn, cũng như cần dành đủ thời gian cho con. Điểm này là không thể đi đường tắt.

132 2 4 Kieu Lam Me Nen Tranh De Khong Anh Huong Xau Den Viec Hinh Thanh Tinh Cach Con TreĐể giúp trẻ kiến lập sự tự tin tích cực đòi hỏi các bà mẹ đủ kiên nhẫn. (Ảnh: kknews.cc)

4. Người mẹ có tính cách mâu thuẫn và hay thay đổi: Dễ dàng dưỡng thành một đứa trẻ có tính cách ỷ lại

Biểu hiện của mẹ: Một số phụ nữ có áp lực về phương diện kinh tế, phải gánh vác những công việc bận rộn. Vậy nên, đối với đòi hỏi quan tâm gần gũi của trẻ, có lúc có thể đáp ứng, nhưng cũng có lúc vì bận rộn mà phải miễn cưỡng. Áp lực gia tăng lên người mẹ, cảm xúc bản thân cũng khó mà ổn định lại được, cho nên nhiều khi không tránh khỏi được sự lãnh đạm và buồn bực, nhưng lại có lúc lại yêu thương chăm sóc trẻ một cách quá mức.

Tâm lý của trẻ: Hoàn cảnh này rất khó để giúp trẻ kiến lập được cảm giác an toàn ổn định. Trong tiềm thức, trẻ sẽ cho rằng chỉ có không ngừng khóc to lên thì mới giành được tình yêu và sự quan tâm mà mình mong muốn. Bình thường cũng xuất hiện cảm xúc vui thích, hài lòng khi được mẹ quan tâm, lại đan xen với cảm xúc tức giận, tủi thân khi bị mẹ lãnh đạm. Do vậy trẻ đối với mẹ cũng hình thành tình cảm yêu – ghét trái ngược.

Rắc rối lúc trưởng thành: Những đứa trẻ này khi lớn lên, một khi bước vào mối quan hệ tình cảm, khuynh hướng quyến luyến sẽ biểu hiện ra rõ ràng: luôn luôn đòi hỏi đối phương từng giờ từng phút quan tâm đến mình, không thể chịu đựng được dù chỉ là một chút bị bỏ rơi và lạnh nhạt. Họ có thói quen sử dụng sự tức giận, đôi co tranh cãi và các cách thức uy hiếp để ép buộc đối phương quan tâm, đáp ứng nhu cầu tâm lý của mình. Cảm giác mất an toàn mãnh liệt khiến họ ghen tuông và nghi ngờ, mặc cho bên kia phân trần giải thích thế nào, họ cũng không thể thật sự tin tưởng được.

Chuyên gia EQ: Trong cuộc sống hàng ngày, cha mẹ cố gắng tránh sự bất ổn định trong tình cảm và mâu thuẫn khi biểu đạt cảm xúc. Trong ngôn ngữ và hành vi nên rõ ràng, để con hiểu rằng, dù cho mẹ bận rộn thế nào, con đều luôn có tình yêu của mẹ.

Vì vậy, các bà mẹ nên nhận thức được điểm mạnh yếu trong tính cách của mình, không ngừng chỉnh lại những thiếu sót để tránh ảnh hưởng đến con trong quá trình nuôi dạy. Mẹ hãy là người đầu tiên, cho con cảm nhận được cảm giác an toàn và hạnh phúc yêu thương.

Theo aboluowang

Mây Trắng biên dịch


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan