5 chiến lược giúp bạn “thắt chặt” chi tiêu và tiết kiệm hiệu quả

Dưới đây là 5 chiến lược đơn giản nhất giúp bạn quản lý tiền bạc một cách hiệu quả.

Không phải lúc nào chúng ta cũng dễ dàng kiếm được tiền, tuy nhiên, nhiều người không hiểu điều đó. Cho dù là một hóa đơn quá hạn hay một khoản nợ khổng lồ của sinh viên, hầu hết mọi người đều phải thừa nhận rằng chúng ta đang đương đầu với những vấn đề tài chính hàng ngày.

5 chiến lược giúp bạn “thắt chặt” chi tiêu và tiết kiệm hiệu quả - 0

Một điều đáng buồn là chúng ta thường có xu hướng ‘bội chi’ mà không có giải pháp hiệu quả để tiết kiệm tiền. Đến cuối năm ngoái, tỷ lệ tiết kiệm cá nhân tại Mỹ giảm xuống chỉ còn 2,4% - thấp nhất trong thập kỷ này. Với những vấn đề kinh tế như nợ lương và thị trường chứng khoán biến động, nhiều người khó có thể tiết kiệm hơn, tuy nhiên, việc tiết kiệm vẫn vô cùng quan trọng.

Có rất nhiều phương pháp, chiến lược và nguyên tắc giúp bạn xây dựng được các mục tiêu tài chính - một danh sách quá dài và có lẽ bạn không biết bắt đầu từ đâu. Đừng lo lắng, chúng tôi sẽ giúp bạn. Theo các chuyên gia, dưới đây là 5 chiến lược đơn giản nhất giúp bạn quản lý tiền bạc một cách hiệu quả.

1. Theo dõi chi tiêu của bạn

5 chiến lược giúp bạn “thắt chặt” chi tiêu và tiết kiệm hiệu quả - 1

Điều quan trọng đầu tiên, nếu bạn muốn tiết kiệm nhiều hơn và chi tiêu ít hơn, bạn cần phải biết số tiền của bạn được dùng cho những việc gì. Những công cụ quản lý tài chính trực tuyến như Mint, You Need a Budget, hay Personal Capital… đều giúp bạn theo dõi chi tiêu một cách hiệu quả.

Chuyên gia tài chính cá nhân, Stefanie O’Connell, cho biết: "Trước khi bạn muốn mua một thứ gì đó, hãy ‘tái hiện’ lại tình hình tài chính của mình bằng cách tự đặt ra những câu hỏi như ‘Tôi còn đủ tiền mua không?" hoặc "Khoản chi tiêu này sẽ giúp tôi đến gần hơn hay đẩy tôi ra xa hơn mục tiêu tài chính?".

Khi xem xét toàn bộ các khoản chi như vậy, bạn sẽ dễ dàng nắm bắt được tình hình tài chính hiện tại của mình. Bạn cũng có thể xác định chính xác hiệu quả của các quyết định tài chính bạn đã đưa ra. Chẳng hạn, bạn có thể cảm thấy rằng bạn đi ăn tiệm quá nhiều, nhưng chỉ khi nhìn vào số tiền bạn bỏ ra mỗi tháng cho việc này, con số đó mới tạo động lực giúp bạn thay đổi. Bà O’Connell cho biết: "Chúng ta có thể sử dụng chiến lược theo dõi chi tiêu để kiểm soát sự tiến bộ của chúng ta khi bắt đầu áp dụng những thói quen tài chính tích cực như tăng tiết kiệm và giảm nợ nần".

2. Giải quyết các khoản nợ từ khoản nợ có số dư nhỏ nhất (bằng phương pháp Snowball)

Nếu mục tiêu của bạn là thoát khỏi tất cả các khoản nợ trong năm nay thì bạn đã đi đúng hướng – khi bạn thanh toán hết nợ, bạn có thể ‘tự do hóa’ số tiền của bạn cho các mục tiêu tài chính khác.

Có 2 chiến lược trả nợ cơ bản: giải quyết các khoản nợ lãi suất cao nhất trước hay thanh toán các khoản nợ có số dư nhỏ hơn trước. Trong khi mọi người thường chọn cách thứ nhất vì cho rằng nó hợp logic và hiệu quả hơn thì các nghiên cứu chỉ ra rằng ưu tiên cách thứ 2 sẽ giúp bạn thanh toán các khoản nợ dễ dàng hơn. Cách này còn được biết đến dưới tên gọi "Phương pháp Snowball" (Phương pháp bóng tuyết).

5 chiến lược giúp bạn “thắt chặt” chi tiêu và tiết kiệm hiệu quả - 2

Phương pháp Snowball được phổ biến bởi ‘bậc thầy’ tài chính Dave Ramsey. Bạn hãy liệt kê các khoản nợ của bạn theo số dư, sau đó, giải quyết số dư nhỏ nhất trước tiên, đồng thời trả một phần nhỏ cho các khoản nợ khác. Khi bạn đã thanh toán được số dư nhỏ nhất, hãy sử dụng số tiền bạn dùng để chi trả cho khoản nợ đó giải quyết khoản nợ nhỏ nhất tiếp theo, cứ thực hiện như vậy cho đến khi bạn hoàn toàn thoát khỏi nợ nần. Ý tưởng của phương pháp này là, khi bạn đã trả được một khoản nợ, bạn sẽ có động lực và năng lượng để giải quyết các khoản nợ sau đó. Qua một số khảo sát, các số liệu thu được đã chỉ ra rằng nhiều người có động lực với mục tiêu trả nợ của họ hơn khi sử dụng phương pháp Snowball.

Tuy nhiên, bạn vẫn nên cẩn thận. Một nhà nghiên cứu cho biết phương pháp này chỉ hoạt động hiệu quả nhất "trong phạm vi mà các khoản nợ của người sử dụng không chênh nhau nhiều về lãi suất". Nếu một trong các khoản nợ của bạn có số dư cao hơn một chút nhưng lãi suất lại cao hơn rất nhiều, bạn nên ưu tiên giải quyết các khoản nợ có lãi suất cao trước. Hãy tư duy thật logic khi thanh toán nợ của bạn.

3. Pay Yourself First (Chi trả cho bản thân trước tiên)

5 chiến lược giúp bạn “thắt chặt” chi tiêu và tiết kiệm hiệu quả - 3

Giảng viên, nhà kế hoạch tài chính tại Đại học California (Los Angeles) - Samuel Rad - gợi ý phương pháp "Pay Yourself first" – viết tắt PYF - (Hãy chi trả cho bản thân trước tiên). "Mục tiêu của phương pháp này là chúng ta luôn luôn rút ra một phần lương để dự trữ trước khi chi tiêu vào những thứ khác". Đây là một chiến lược dễ dàng thực hiện bởi bạn có thể cài đặt tự động. Hãy thiết lập chế độ chuyển một phần tiền lương định kỳ sang tài khoản tiết kiệm của bạn mỗi tháng. Thậm chí, nếu tiền lương của bạn chỉ có 20 đô, có thể bạn sẽ không được sử dụng số tiền đó ngay nhưng bạn sẽ vô cùng ngạc nhiên khi nhìn vào tài khoản tiết kiệm của bạn sau một thời gian. Giảng viên này nhấn mạnh: "Phương pháp PYF cũng đảm bảo cho bạn không bao giờ bị rỗng túi".

Chúng ta thường có thói quen: sau khi nhận được lương thì đi ăn, mua sắm, đi xem phim… và cuối cùng, bạn nhận ra bản thân không còn đủ tiền để thanh toán bảo hiểm ô tô tháng này. Khi bạn áp dụng phương pháp "Pay yourself first", bạn có thể dự trù một phần tiền thiết yếu và không còn gặp phải vấn đề này. Hầu hết các dịch vụ hiện nay đều có hóa đơn tự động và bạn có thể định rõ một ngày trong tháng bạn muốn thanh toán hóa đơn đó. Khi mọi khoản tiền cần thiết như hóa đơn bảo hiểm ô tô được chi trả, bạn không còn phải lo lắng vấn đề tương tự sẽ xảy ra nữa.

Nói chung, ý tưởng này nhằm mục đích đảm bảo cho các khoản ưu tiên của bạn đều được thanh toán trước khi bạn chi tiêu số tiền của mình cho những thứ ít quan trọng hơn.

4. Đặt mục tiêu tiết kiệm 10% thu nhập mỗi tháng

Nếu bạn không biết nên tiết kiệm bao nhiêu tiền mỗi tháng thì hãy đặt ra quy tắc 10%. CEO của dịch vụ tài chính Sum180, Carla Dearing, gợi ý: "Nếu bạn thường xuyên tiết kiệm 10% thu nhập, cho dù số tiền bạn kiếm được là bao nhiêu, bạn sẽ luôn luôn tự tin rằng bản thân mình đang có một khoản dành dụm".

Đây chỉ là một con số ước lượng, vì vậy, bạn đừng quá bận tâm nếu bạn không đạt được mục tiêu đó. Chúng tôi chỉ gợi ý quy tắc 10%, thậm chí, nếu bạn muốn tiết kiệm nhiều hơn, bạn cũng có thể thay đổi con số này sau đó. Bà Dearing khẳng định tình hình tài chính của bạn sẽ càng đạt hiệu quả cao hơn khi bạn kết hợp quy tắc này với phương pháp PYF.

Bà Carla Dearing cho biết: "Nếu ý tưởng này thực hiện quá khó, hãy cài đặt chế độ chuyển tiền đầu tháng tại ngân hàng tự động. Làm như vậy, số tiền mà bạn muốn dành cho tiết kiệm sẽ được tự động chuyển vào tài khoản tiết kiệm của bạn mỗi tháng trước khi nó đến được tay bạn. Hãy nghĩ đến việc tiết kiệm 10% như một cách bạn cho phép bản thân tiếp tục đầu tư tài chính lâu dài".

5. Thử trải nghiệm một tháng không tiêu tiền

Những thách thức về tài chính rất thú vị bởi chúng biến những thói quen tài chính tốt mà hầu hết chúng ta không thực hiện được thành một trò chơi. Bà Dearing gợi ý: "Hãy bắt đầu chiến dịch tiết kiệm của bạn bằng một tháng không tiêu tiền. Cách thực hiện rất đơn giản: Bạn hãy cam kết rằng bạn sẽ chỉ chi tiêu cho những thứ thiết yếu trong suốt 30 ngày. Đi bộ hay đạp xe thay vì lái ô tô, mang bữa trưa đi làm hàng ngày, lựa chọn cách giải trí miễn phí như đi công viên". Nếu bạn không thực hiện được, đừng thất vọng! Mục tiêu có thể không hoàn thành nhưng toàn bộ ý tưởng chỉ đơn giản là thắt chặt chi tiêu và tiết kiệm nhiều hơn.

Thử thách này cũng giúp bạn xem xét lại nhiều khoản chi không cần thiết cũng như cân nhắc kỹ hơn đến vấn đề tiêu tiền trong tương lai. Bà Dearing cho biết: "Bạn sẽ không chỉ tiết kiệm được nhiều hơn trong tháng này mà còn có thể đánh giá lại thói quen tiêu tiền cũ, cũng như quyết định con đường chi tiêu phù hợp hơn".


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan