Bạn sẽ phải làm gì khi xuống sân bay mà thấy hành lý của mình biến mất?

 Hoảng sợ, xanh mặt, run rẩy và khóc lóc không phải là một giải pháp hay. Bạn cần phải bình tĩnh vì những việc tiếp theo sẽ liên quan đến nhiều thủ tục pháp lý.

Mất hành lý và một cơn ác mộng thực sự đối bất kỳ hành khách đi máy bay nào. Và “đắng” ở chỗ là mỗi ngày có tới hàng trăm hành khách xui xẻo gặp phải trường hợp này.

Vậy nếu chẳng may rơi vào tình huống ấy, bạn phải làm gì?

the suitcase 811122 640

Nhìn chung, cách thức xử lý sẽ có đôi chỗ khác biệt với tùy từng hãng hàng không, nhưng có những việc bạn cần làm ngay để hành lý mau chóng trở về, hoặc ít nhất cũng được đền bù một khoản tương xứng.

Nếu hành lý bị hư hại, hãy yêu cầu hãng đền bù tiền sửa chữa

Nếu một cái vali bị hư, bị mất một bánh xe hoặc “không nguyên vẹn” như ban đầu thì hãng hàng không nên đền bù chi phí sửa chữa. Nếu mọi việc nằm ngoài thẩm quyền, họ sẽ trả cho bạn phần giá trị bị hao hụt của đồ vật.

Điều này áp dụng cho mọi loại hành lý bị hư hại, khi và chỉ khi bạn chứng minh được rằng mình không hề đóng gói chúng một cách cẩu thả.

Nếu không thấy hành lý, hãy báo càng sớm càng tốt

Phần lớn hành lý (tưởng) bị mất thật ra chỉ là đến nơi trễ mà thôi. Hiện tại các hãng hàng không đã nâng cao chất lượng hệ thống quản lý để có thể tìm ra chúng trong vòng vài giờ. Thậm chí là đôi khi chiếc ba lô yêu quý của bạn đã “bay” nhầm chuyến đấy.

Tuy nhiên, ngay cả khi nhân viên của hãng nói rằng chiếc vali của bạn đang nằm trên chuyến bay tiếp theo, hãy yêu cầu họ làm biên bản đàng hoàng, nên xin cả một số điện thoại nữa để liên lạc khi cần.

Tip hay cho bạn:

hãy chụp một bức ảnh hành lý của mình trước khi xuất phát, khi cần thì đưa ra cho nhân viên xem. Như vậy sẽ hiệu quả hơn là ngồi mô tả từng đặc điểm của chúng.

Hoàn tiền cho phí vận chuyển hành lý

Lấy được hay không là tùy vào hãng, nhưng bạn hỏi cũng không mất gì mà.

Nếu hành lý bị mất thật, hãy đưa ra số tiền bạn muốn được đền bù

Trường hợp này tuy rất hiếm khi xảy ra (khoảng dưới 2%), nhưng khi nó đã xảy ra thì hãy ra giá với hãng. Họ sẽ làm mọi thứ có thể để tìm được hành lý của bạn để tránh phải trả tiền đền bù.

Tuy nhiên, cũng cần biết rằng bạn sẽ không bao giờ lấy được đủ tiền cho những thứ bị mất, vì các hãng hàng không chỉ trả một phần giá trị thôi, kể cả khi bạn chứng minh những thứ bị mất là mới mua hoàn toàn.

Ví dụ như theo quy định đền bù của một số hãng tại Việt Nam, khách hàng sẽ được bồi thường tối đa 20USD/kg hành lý ký gửi, và 200USD/người đối với hành lý xách tay. Chưa kể, những mặt hàng có giá trị nghệ thuật hoặc giá trị quá lớn (như kim cương) cũng sẽ không được bồi hoàn.

Vậy nên, bạn nên kiểm tra kỹ điều lệ vận chuyển của từng hãng trước khi mua vé, và cân nhắc mua thêm bảo hiểm cho các mặt hàng có giá trị cao.

Đừng đòi hỏi quá nhiều

Nếu một hãng hàng không cảm thấy bạn đang “làm quá” vấn đề hoặc không trung thực, họ sẽ từ chối thẳng việc đền bù cho bạn.

Khi ấy, họ sẵn sàng đòi hỏi hóa đơn hoặc những giấy tờ liên quan đến mặt hàng bị mất, và những thứ này thì 99% đều không mang theo.

Do đó trừ khi bạn “trữ” đủ tất cả những hóa đơn cho mọi thứ mình mua, hãy sẵn sàng thương lượng với nhân viên về giá trị thực sự của hành lý bị mất.

Hãy bình tĩnh chờ đợi

Các hãng có thể mất vài giờ, nhưng cũng có khi đến cả tháng để tìm lại hành lý cho bạn, và thêm từ 1 – 3 tháng để đền bù. Vậy nên, việc bạn cần làm là kiên nhẫn chờ đợi.

Nguồn: Thisisinsider

 

 


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan