Bộ Quốc phòng Mỹ: Nguy cơ COVID-19 'gần như bằng 0' trên máy bay nếu đeo khẩu trang

Bộ Quốc phòng Mỹ: Nguy cơ COVID-19 'gần như bằng 0' trên máy bay nếu đeo khẩu trang

Khi đi máy bay, nếu hành khách đeo khẩu trang, nguy cơ mắc COVID-19 của họ 'gần như bằng 0', theo nghiên cứu do Bộ Quốc phòng Mỹ công bố.

Nguy cơ phơi nhiễm virus SARS-CoV-2 gây dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên các chuyến bay là rất thấp nếu hành khách đeo khẩu trang. Đây là kết luận trong một nghiên cứu được Bộ Quốc phòng Mỹ đưa ra ngày 15-10, qua đó mang lại thông tin tích cực cho ngành hàng không vốn đang chật vật phục hồi sau cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19 gây ra.

Nghiên cứu được thực hiện trên các máy bay Boeing 777 và 767 của Hãng hàng không United Airlines với giả định một người bị nhiễm bệnh trên máy bay và hành khách ngồi yên tại chỗ. Kết quả cho thấy khẩu trang giúp giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm khi một ai đó ho, ngay cả khi ngồi gần. 

Khi một hành khách ngồi tại chỗ đeo khẩu trang, chỉ có trung bình 0,003% các hạt trong không khí lơ lửng trong vùng hít thở xung quanh đầu của người này bị lây nhiễm virus, ngay cả khi tất cả các ghế đều có người ngồi. 

Ngoài ra, khoảng 99,99% các hạt trong không khí được loại bỏ khỏi cabin trong vòng 6 phút nhờ không khí lưu thông nhanh, hệ thống thông gió và bộ lọc không khí trên máy bay. Điều này đồng nghĩa nguy cơ mắc COVID-19 của hành khách trên máy bay "gần như không tồn tại", ngay cả khi cả chuyến bay đều đã kín chỗ.

132 1 Bo Quoc Phong My Nguy Co Covid 19 Gan Nhu Bang 0 Tren May Bay Neu Deo Khau Trang

Theo nghiên cứu mới công bố của Mỹ, nguy cơ mắc COVID-19 'gần như bằng 0' trên máy bay nếu hành khách đeo khẩu trang - Ảnh: REUTERS

Quá trình nghiên cứu kéo dài hơn 6 tháng với 300 cuộc thử nghiệm trong 38 giờ bay và 45 giờ thử nghiệm trên mặt đất. Thử nghiệm được thực hiện bằng cách giải phóng các hạt có kích thước tương tự virus SARS-CoV-2 trên toàn bộ khoang máy bay theo từng khu vực. Mỗi khu vực có 42 thiết bị cảm biến đại diện cho những hành khách khác có khả năng tiếp xúc với các hạt trong không khí. 

Mỗi thử nghiệm giải phóng 180 triệu hạt - tương đương với số hạt được giải phóng sau hàng nghìn lần ho. Nghiên cứu ước tính để bị lây nhiễm, hành khách sẽ phải trải qua 54 giờ đồng hồ trên máy bay cùng một người mắc COVID-19.

Nghiên cứu có sự tham gia của Cơ quan chỉ đạo các dự án nghiên cứu quốc phòng tiên tiến (DARPA) và Tập đoàn chế tạo máy bay Boeing cùng một số đơn vị khác. 

Trước đó, các hãng sản xuất máy bay như Boeing hay Airbus từng khẳng định bộ lọc không khí trong cabin giúp hạn chế sự lây lan của virus trên máy bay, qua đó đảm bảo an toàn cho tất cả hành khách lựa chọn đi lại bằng đường hàng không.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan