Tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vừa qua, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tối cao Lê Minh Trí kiến nghị thay đổi luật theo hướng "tăng phòng ngừa, giảm xử lý hình sự"; thay thế bằng "khởi kiện dân sự và tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả".
Theo ông Trí, làm như vậy sẽ thu hồi tài sản nhà nước bị tham nhũng, thất thoát và việc khắc phục hậu quả sẽ tốt hơn nhiều, do chủ thể vi phạm sẽ chủ động khắc phục, để họ không bị xử lý hình sự nữa. Ông Trí cho rằng cách làm này vừa hiệu quả trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, vừa nhân văn và thuyết phục (?).
Nhiều ý kiến của chuyên gia, đại biểu Quốc hội bày tỏ đồng tình với kiến nghị này và cho rằng, cần có quy định cụ thể để người dân hiểu rằng không có nghĩa "ăn không được trả lại là xong".
Một làn sóng dư luận đã bàn tán xôn xao về kiến nghị trên của ông Viện trưởng Viện KSND tối cao. Bên cạnh những ý kiến đồng tình, thì vô số ý kiến đã phản đối quyết liệt kiến nghị trên.
Vụ án Vũ Quốc Hảo trong vụ tham nhũng gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng tại Công ty cho thuê tài chính (ALCII). Ông Hải bị tuyên 2 án tử hình. Ảnh: Hoàng Hưng
Thật vậy, giữa lúc cuộc chiến chống tham nhũng không khoan nhượng với những kẻ sai phạm; giữa lúc "lửa lò" chống tham nhũng, tiêu cực được Tổng Bí thư khơi dậy vẫn liên tục "cháy", cùng sự đồng tình của toàn dân, thì kiến nghị trên, giống như … "bớt lửa lò", khiến không ít người băn khoăn…
Còn nhớ, năm 2009 và năm 2015, khi Quốc hội chuẩn bị sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự, xuất hiện một số ý kiến đề xuất "bỏ tử hình tội tham ô và nhận hối lộ". Tuy nhiên, sau khi bị dư luận phản đối và đại biểu Quốc hội chất vấn, ban soạn thảo đã phải rút đề xuất trên.
Suốt nhiều năm qua, lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, Chính phủ… luôn kêu gọi cần phải tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Đặc biệt, tại Nghị quyết Trung ương 4 của Đảng, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã được chỉ rõ, rất cụ thể.
Nghị quyết nêu ra quyết tâm, yêu cầu thay đổi nhận thức và hành động của từng đảng viên đối với công tác phòng, chống tham nhũng. Luật pháp về phòng, chống tham nhũng cũng được hình thành, với các biện pháp khá mạnh. Việc điều tra, truy tố, xét xử những vụ án tham nhũng càng ngày được người dân đặc biệt quan tâm.
Về phía tòa án cũng có những quy định hết sức nghiêm khắc, không cho kẻ phạm tội tham nhũng được hưởng án treo. Ông Đinh Văn Quế - nguyên Chánh tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao – từng lên tiếng phản đối kiến nghị bỏ án tử hình đối với tội tham nhũng. Theo ông, "đề nghị lấy tiền thay cho án tử hình đối với tội tham nhũng", chẳng khác nào "cứu" quan tham nhũng.
Phải biết rằng, tham nhũng là quốc nạn, là giặc nội xâm, là nguy cơ khiến hệ thống chính trị suy yếu, dẫn đến diệt vong. Hậu quả của tội phạm tham nhũng, không chỉ gây thiệt hại tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự quản lý của nhà nước, còn làm tha hóa đội ngũ cán bộ, xói mòn lòng tin của nhân dân đối với chế độ.
Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua, nói cho cùng, vẫn chưa đạt được kỳ vọng như xã hội mong muốn. Vẫn còn không ít người hoài nghi về cuộc đấu tranh này, còn không ít nghi ngờ về các hình phạt chưa đủ sức răn đe.
Những đại án tham nhũng vừa qua được phanh phui, xét xử, theo ông Đinh Văn Quế, chỉ mới "lấy lại một chút lòng tin của người dân vào chủ trương, biện pháp chống tham nhũng mà Đảng và Nhà nước phát động".
Nay, phát sinh các đề xuất như "bỏ án tử hình đối với tội tham nhũng", hay "giảm xử lý hình sự", thay thế bằng "khởi kiện dân sự và tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả"… ; tưởng đó là "nhân văn", "nhân đạo", nhưng không chóng thì chầy, tham nhũng sẽ trăm hoa đua nở, tham nhũng sẽ thành đại dịch.
Hơn bao giờ, với tội phạm tham nhũng là không thể khoan nhượng. Trong bối cảnh hiện nay, cần hiến kế, đưa ra những biện pháp thật mạnh, thật nghiêm khắc nhằm mục đích răn đe, là lời cảnh tỉnh cho những ai đã và đang có ý định tham nhũng; hơn là góp ý, vẽ đường cho những kẻ tham nhũng thoát tội.
Nguồn: Báo điện tử DÂN VIỆT
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC