Cậu bé bị bỏ rơi ở ven đường 20 năm trước được bà Zhu cưu mang, dạy dỗ.
Một ngày cách đây 20 năm, bà Zhu Shuibao ở Thượng Hải (Trung Quốc) đi chợ bán rau như thường lệ. Trên đường đi bán rau, bà nghe thấy tiếng khóc trẻ con.
Đi về hướng có tiếng khóc, bà tìm thấy một đứa trẻ bị bỏ rơi giữa bãi cỏ. Em bé không có quần áo mặc, trông rất đáng thương.
Không muốn để một sinh mệnh nhỏ bé như vậy nằm bên đường, Zhu Shuibao đưa đứa trẻ về nhà mình để chăm sóc.
Sau khi trở về nhà, Zhu Shuibao đã tắm cho đứa bé nhiều lần, nhưng cơ thể bé vẫn rất đen. Bà cho rằng đứa trẻ đã mắc phải một căn bệnh lạ nào đó nên đưa đứa trẻ đến bệnh viện để kiểm tra. Tuy nhiên, bác sĩ nói với bà rằng, đứa trẻ không hề bị bệnh. Đó đơn giản chỉ là màu da của một đứa trẻ lai.
Nghe tin đứa trẻ vẫn khỏe mạnh, Zhu Shuibao như trút được lo lắng. Bà thở phào nhẹ nhõm rồi ôm con về nhà.
Sự xuất hiện của đứa trẻ khiến cuộc sống gia đình bà có nhiều xáo trộn và khó khăn. Tuy nhiên, bà vẫn cố vượt qua, nuôi nấng và chăm sóc cho các con và đứa trẻ nhặt được.
Bà đặt tên cho đứa trẻ là Zhu Junlong.
Khi còn học tiểu học, Zhu Junlong thường bị bạn bè chế giễu. Mỗi lần như vậy, bà đều kiên nhẫn dạy dỗ và khiến cậu bé có được suy nghĩ tích cực nhất có thể.
Zhu Junlong cũng không phụ công bà Zhu, càng lớn, cậu càng hiểu chuyện và thông minh.
Sau đó, cậu thi đỗ đại học và trở thành một sinh viên suất sắc.
Bà Zhu cũng coi Junlong như con ruột. Khi chia tài sản cho các con, bà cũng dành cho Junlong một căn hộ nhỏ.
Năm 2018, người con trai cả nợ nần nên đã bán phần tài sản được thừa kế và bán luôn căn nhà mà bà Zhu đang ở.
Bà Zhu không còn nơi để về nhưng những người con khác không chịu đón bà đến sống cùng.
Thấy vậy, Junlong lập tức đưa bà đến căn hộ nhỏ của mình. Hàng ngày, ngoài thời gian học tập, cậu trò chuyện và chăm sóc cho bà Zhu.
Junlong nói, nếu không có bà Zhu thì không có cậu ngày hôm nay. Vì vậy, việc chăm sóc và phụng dưỡng bà là việc cậu nên làm.
Zhu Jinlong nói, việc chăm sóc bà Zhu là trách nhiệm nhưng cũng là hạnh phúc mà cậu có được.
Zhu Jinlong còn tiết lộ việc đã lên kế hoạch để sống và chăm sóc cho bà Zhu trong suốt phần đời còn lại.
“Tôi không đòi hỏi một cuộc sống xa hoa. Tôi chỉ cần bà được vui vẻ. Bây giờ, dù chỉ sống trong một căn phòng nhỏ nhưng vì có bà nên tôi cảm thấy rất hạnh phúc”, Zhu Jinlong nói.
Câu chuyện về cậu bé bị bỏ rơi năm nào trả ơn cho người cưu mang mình đã khiến nhiều người xúc động.
Đúng là, chữ hiếu không thể hiện ở đầu môi, cũng không phải chỉ có quan hệ huyết thống mới có thể duy trì được. Chữ hiếu thực sự là ở trong lòng mỗi người và trong hành động của mọi người.
Linh Giang(Theo Sohu, QQ)
Nguồn: Vietnamnet.vn
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC