Khi mình hỏi câu này cho lũ bạn Đức, Brazil, Ý và Thái Lan chúng nó cau mày rồi cũng tranh luận hăng say. Đa phần ý kiến là “Jein”=Ja+Nein. Có và không, còn tùy.
1.Chuyện đùa: Có nên yêu trai Đức?
Rồi một thằng Đức nhoẻn mép cười bảo mình là: Mày mua cái xúc xích to, đánh dấu 2 đầu, 1 đầu “Có”, 1 đầu “Không”; sau đó đặt lên cái đĩa và nhắm mắt xoay; rồi đưa cái xúc xích vào mồm; ngậm phải đầu nào thì đó là câu trả lời. Cả bọn sằng sặc cười. 2 đứa Đức hỏi bọn còn lại có biết câu “Alles hat ein Ende nur die Wurst hat zwei” (Mọi thứ đều chỉ có 1 đầu, riêng xúc xích có 2).
2.Chuyện nghiêm túc: Có nên yêu trai Đức?
Đó là câu hỏi một bạn đặt ra trên 1 diễn đàn cho SV du học Đức. Hiển nhiên nó nhận được nhiều comment bình luận theo đủ chiều và kích hoạt cái ẩn ý so sánh ngầm giữa trai Đức và trai Việt.
Người thì bảo không vì văn hóa và tâm sinh lý quá khác biệt, kẻ thì bảo cứ tiến chí ít là gần thêm cái quốc tịch Đức, đứa thì bảo tùy.
Đặc biệt có một xu hướng không nhỏ tâng hô giai Đức, về độ chiều chuộng chăm sóc, về khả năng giường chiếu và tiền bạc của các anh ý. Và họ kết luận rằng trai Đức ưu việt hơn.
Một điều nguy hiểm là đa số các lời khuyên đều phiến diện khi người đưa ra chỉ nghe một số chuyện, thấy một số thứ hoặc chỉ biết đúng một trường hợp. Trong khi đó những trường hợp như vậy không thể đại diện cho số đông. Vì thế chúng gây nên sự hạn hẹp thậm chí ảo tưởng trong suy nghĩ của nhiều bạn trẻ chưa có bản lĩnh và kinh nghiệm để đánh giá tính xác thực của thông tin.
Quay trở lại câu hỏi “Có nên yêu trai Đức?“. Chủ ý của người hỏi là gì?
Tại sao lại có những câu hỏi như: nên yêu gái Nhật, trai Mỹ không? Khi mà trong tình yêu mỗi cá nhân là một cá thể hoàn toàn duy nhất. Có thể ý ngầm của người hỏi là: “trai Đức có tốt hơn trai Việt?“, “Tây có tốt hơn Ta?“.
Câu hỏi này không thể trả lời bằng 1 vài lời khuyên của đám đông, nó cần một nghiên cứu khoa học xã hội, nhân chủng học nghiêm túc.
Nhưng khoa học hiện đại không cho phép đặt ra và trả lời một câu hỏi phân biệt chủng tộc và phi đạo đức như vậy. Các nhà nghiên cứu chân chính không bao giờ đụng chạm tới nó.
Bởi đụng chạm tới nó thì cũng như phát-xít Đức với những nghiên cứu thử nghiệm man rợ, phi đạo đức để rồi mù quáng khẳng định dân Đức là ưu việt nhất.
Thế nhưng trong đời sống hàng ngày vẫn nhiều người vẫn hỏi nó. Thì hôm nay so Deutsch sẽ kể cho bạn 2 câu chuyện mình từng chứng kiến về gái Việt và trai Đức. 2 câu chuyện này chắc chắn không mang tính đại diện nhưng để cho các bạn thấy ở đâu cũng có người này, người kia và mỗi tình yêu là một câu chuyện duy nhất.
Chuyện thứ nhất:
Bạn mình khi còn là du học sinh yêu một anh Đức xịn. Đẹp trai, làm manager, công tác nhiều nơi và dĩ nhiên là nhiều tiền. Anh cũng thỉnh thoảng tặng quà, mời ăn nhưng đa phần mọi chi phí khi ăn uống, du lịch thì đều phải chia sẻ sòng phẳng. Bạn mình cũng không thấy làm shock vì hiểu đây là khác biệt văn hóa.
Nhưng bạn mình không nhiều tiền nên khi anh ta đề nghị chuyển về sống chung để cùng san sẻ chi phí thì bạn mình bảo để nghĩ. Anh ấy cũng hiểu bạn mình không nhiều tiền nên chỉ đề nghị 75/25 nhưng bạn mình vẫn lưỡng lự.
Chuyện chẳng có gì nhưng một hôm bạn mình phát hiện ra anh ta thường xuyên qua đêm với những cô gái khác ở căn hộ riêng của anh ta. Anh ta bảo khi không ở với nhau hoặc không có thỏa thuận rõ ràng thì quan hệ của họ vẫn là offene Beziehung (open relationship/ quan hệ mở), và anh ta có quyền qua đêm với người khác để thỏa mãn nhu cầu nhưng vẫn yêu bạn mình và chỉ bạn mình mà thôi. Bạn mình đòi chia tay.
Anh ta bảo không được, có vấn đề gì thì giải quyết, cả 2 cùng phải cố gắng để giữ gìn mối quan hệ. Thế là bạn mình chuyển về sống với anh ta. Nhưng sống chung thì mới biết tính nhau. Bạn mình tâm sự với bạn bè rằng không thể sống chung với anh ta (những chuyện vặt vãnh mình không kể ở đây).
Bạn mình lại đặt vấn đề chia tay nhưng anh ta từ chối bảo là: anh ta đã đầu tư nhiều vào mối quan hệ này cả thời gian, công sức và tiền bạc. Không thể dễ dàng chia tay thế được.
Anh ta yêu cầu thử thêm ít nhất 6 tháng để xem đi đến đâu và đòi bạn mình phải tự phân tích tại sao bạn mình lại không hạnh phúc trong mối quan hệ này và nếu bạn mình phân tích được thì sẽ hiểu lỗi là do bản thân chứ không phải anh ta.
Bạn mình đuối lý và trót bảo là có hỏi ý kiến nhiều người và mọi người đều khuyên là chấm dứt mối quan hệ.
Anh ta tra hỏi là hỏi ai. Bạn mình nêu tên một số người trong đó có mình. Anh ta liên lạc và phê phán mình là chọc vào chuyện riêng tư, rằng mình không biết chuyện trong cuộc.
Cuối cùng bạn mình cương quyết chia tay. Anh ta dọa sẽ đăng ảnh riêng tư của 2 người. Bạn mình không sợ vì biết anh ta không dám làm thế.
Chiêu bài cuối cùng anh ta bảo: Nếu cô muốn chấm dứt quan hệ thì phải đền bù cho anh ta về cả vật chất và tinh thần, những gì anh ta đã đầu tư vào mối quan hệ. Anh ta nhẩm tính 14 000 EUR trong đó có 2 chuyến anh ta về thăm bạn mình ở Việt Nam khi bạn đang nghỉ hè v tết (mà anh ta toàn bay hạng business và ngủ chí ít KS 4 sao trở lên). Nếu không, những bí mật của bạn mình sẽ bị anh ấy gửi cho tất cả bạn bè của bạn mình. Bạn mình hoảng loạn và chạy trốn về Việt Nam. Cắt đứt mọi đường dây email, điện thoại, facebook. Một lần mình hỏi thăm thì bạn bảo là khoảng 1 năm sau không thấy anh ta động tĩnh gì nữa. Bạn mình giờ có chồng Việt Nam, ở Việt Nam.
Chuyện thứ hai:
Cô Hải ở Việt Nam làm ở một cơ quan nhà nước. Dù đã ở tuổi 40 nhưng vẫn không chồng con. Một lần có một đoàn khoa học ở Đức đến hợp tác ở cơ quan cô khoảng 1 tháng.
Có một vị giáo sư khoảng 50 lân la, làm quen với cô. Sau đó vị giáo sư xin phép kéo dài thời gian công tác 3 tháng chỉ để ở gần cô Hải.
Ông ngỏ lời với cô. Nhưng cô Hải vẫn không mảy may động lòng. Ai ở cơ quan cũng bảo cô Hải có vấn đề. Rồi ông giáo sư về nước. Nhưng ngày nào cũng viết thư và muốn Skype với cô Hải. Khi có nghỉ phép ông đều trở lại Việt Nam và thăm cô Hải. Cô Hải cũng xuôi lòng.
Rồi ông giáo sư ở Đức làm mọi thủ tục giấy tờ để đón cô sang cưới. Nhưng rồi cô Hải cứ ề à và để lỡ thời gian xin Visa và ngày cưới.
Chỉ thời gian ngắn sau ông lại làm bộ hồ sơ khác. Lần này, mọi người ở nhà, chỗ làm đều thúc giục và động viên, cô Hải mới sang và cưới. Cô Hải ở nhà, không đi làm, chỉ nội trợ, đi học tiếng Đức và khóa học hội nhập. Cô kêu chán đòi về Việt Nam. Vị giáo sư vẫn kiên nhẫn giúp cô hòa đồng với môi trường mới.
Nhiều lần thấy người Việt Nam ở đâu là ông lại đến làm quen và bảo đến nhà chơi với vợ. Một lần trên tàu S-Bahn, có người Á, ông hỏi vợ liệu đó có phải là người Việt không?
Vợ bảo không nhưng em sinh viên Việt Nam bảo đúng em là người Việt. Sau đó về nhà, cô mắng ông là làm phiền cô, rằng ông coi cô như con nít, phải liên hệ với người Việt cho cô.
Ông buồn rầu và xin lỗi. Rồi cô Hải ốm nặng, ông giáo sư nghỉ làm, đưa cô đi khám khắp nơi và trông cô ở bệnh viện hàng đêm.
Ông khóc và xin lỗi đã làm cô không hạnh phúc ở nước Đức. Chẳng hiểu sao mãi tới lúc này cô Hải lấy làm cảm động và ôm ông vào lòng. Sau trận ốm đó, cô Hải thay đổi và nhận ra nhiều điều. Cô thấy chồng mình đi làm sớm chiều nhưng sáng vẫn gấp chăn đệm, chiều về vẫn rửa chén bát, cuối tuần giặt giũ và phơi đồ cho cô (vì cô không muốn xuống hầm phơi đồ).
Cô thấy mình chưa từng nói lời yêu thương, cám ơn hay xin lỗi trong khi ông giáo sư ngày nào cũng rót vào tai cô những lời như “Habe ich dir heute gesagt, wie schön du bist?” hay “Danke für deine Liebe”.
Cô dần mở rộng lòng hơn và thấy chưa bao giờ mình được sống trong một tình yêu ngập tràn đến thế.
[Kết luận]
Câu hỏi tốt hơn nên là: Bạn yêu chàng X hay nàng Y? Chứ không phải trai Đức hay gái Việt. Nhưng các bạn ạ, nếu ta coi tình yêu đích thực là một cái gì đấy mạnh mẽ, tự nhiên nó đến thì khi ta hỏi “Mình có nên yêu X không?” thì đó cũng chưa là tình yêu thực sự.
Bởi khi ta hỏi như vậy ta vẫn còn tính toán thiệt hơn, vẫn do dự trước người ấy. Còn nếu coi tình yêu chỉ cũng chỉ là một thứ quan hệ mà bạn cần một lúc nào đó thì cứ tiến tới đi.
Có thêm một trải nghiệm mới trong một mối quan hệ đa văn hóa, học được nhiều điều. Nếu có đau khổ như bạn mình ở trên thì cũng giúp ta trưởng thành hơn, bản lĩnh hơn, để sau này biết đâu là một tình yêu thật sự. Và một lúc nào đó, khi ta không để ý, tình yêu thật sự đến lúc nào chẳng hay.
Nguồn: So Deutsch
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC