Theo Bloomberg, trong vòng 2 năm qua, mọi người đều nói về tác động của Covid-19. Giờ, đại dịch đã được kiểm soát, mọi người có thể du lịch trở lại. Vấn đề thu hút sự quan tâm chuyển thành giá vé máy bay trên trời.
Mọi người đổ xô mua vé máy bay để du lịch. Đối với nhiều người, đó là chuyến bay đầu tiên trong nhiều năm. “Nhu cầu đang cao ngất ngưởng”, ông Ed Bastian – CEO Delta Air Lines Inc – bình luận.
Ông cho biết vào mùa hè này, giá vé có thể cao hơn 30% so với mức trước đại dịch.
Với ít máy bay được sử dụng hơn, các hãng bay không thể nhanh chóng theo kịp nhu cầu đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch. Ảnh: Bloomberg. |
Với ít máy bay được sử dụng hơn, các hãng bay không thể nhanh chóng theo kịp nhu cầu đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch. Ảnh: Bloomberg.
Cung không theo kịp cầu
Đó là xu hướng toàn cầu, ngay cả khi nhiều quốc gia vẫn áp dụng các quy định chống dịch. Giá vé khứ hồi Hong Kong – London của hãng Cathay Pacific Airways Ltd., bay vào cuối tháng 6, đã tăng lên 42.501 HKD (tương đương 5.360 USD), tăng gấp 5 lần so với mức trước đại dịch.
Giá vé bay thẳng New York – London hạng phổ thông cũng đắt hơn 2.000 USD.
“Giá vé giờ rất đắt”, cô Jacqueline Khoo, làm trong lĩnh vực du lịch, chia sẻ. Công ty của cô phải trả 5.000 SGD (3.632 USD) cho một nhân viên bay hãng Singapore Airlines Ltd. đến Hamburg vào cuối tháng này.
Trước đó, giá chỉ rơi vào khoảng 2.000 SGD. “Tôi ngỡ ngàng khi phải tiêu ngần ấy tiền cho một chiếc vé hạng phổ thông”, cô chia sẻ.
Theo khảo sát của Viện Kinh tế Mastercard, giá vé bay từ Singapore cao hơn 27% so với hồi tháng 4/2019, còn giá vé bay từ Australia tăng 20%.
Giá vé máy bay tăng cao trên toàn cầu, nhưng hành khách vẫn sẵn sàng trả tiền để được đi du lịch trở lại. Ảnh: Bloomberg. |
Một trong số những nguyên nhân là các hãng bay thận trọng hơn trong việc đưa những chiếc máy bay đang nằm không trở lại, nhất là các máy bay lớn như A380 của Airbus SE và 747-8 của Boeing Co.
Họ chuyển sang những dòng máy bay tiết kiệm nhiên liệu hơn như A350 và 787 Dreamliners. Tại châu Á, Trung Quốc – thị trường lớn nhất trong khu vực – vẫn đang đóng cửa bởi làn sóng dịch bệnh mới.
Theo ông Subhas Menon – Tổng giám đốc Hiệp hội các hãng hàng không châu Á – Thái Bình Dương, những chính sách nhằm đối phó với dịch bệnh đã liên tục thay đổi trên khắp thế giới trong 2 năm qua. Do đó, các hãng hàng không sẽ mất nhiều thời gian để xây dựng lại đội bay.
Nhiều hạn chế chỉ mới được nới lỏng vào tháng 5. “Chúng ta vẫn đang ở những ngày đầu. Mọi thứ không chỉ đơn giản là bật, tắt công tắc”, ông nói thêm.
Các hãng bay cũng thu hẹp mạng lưới trong thời kỳ dịch bệnh. Chẳng hạn, Cathay đã bị ràng buộc bởi những yêu cầu cách ly và giãn cách gắt gao tại Hong Kong. Với ít máy bay được sử dụng hơn, các hãng bay không thể nhanh chóng theo kịp nhu cầu đang phục hồi mạnh mẽ. Điều đó đẩy giá lên cao.
Giá nhiên liệu đắt đỏ
Cùng với đó là giá nhiên liệu tăng cao do cuộc chiến ở Ukraine. Giá dầu thô đã tăng vọt sau khi Moscow đổ quân vào Ukraine và các nước phương Tây giáng đòn trừng phạt đối với Nga.
Nhiên liệu máy bay hiện chiếm tới 38% chi phí của một hãng hàng không, tăng từ mức 27% trước năm 2019. Đối với một số hãng bay giá rẻ, tỷ lệ này có thể lên tới 50%.
Tại New York, giá nhiên liệu máy bay giao ngay đã tăng vọt 80% trong năm nay. Để đối phó với chi phí tăng cao, các hãng bay Mỹ chỉ còn cách chuyển chi phí sang cho hành khách. Điều đó làm tăng giá vé máy bay đáng kể.Tuy nhiên, giá vé cao hơn dường như không thể ngăn người tiêu dùng di chuyển. Theo Tổng giám đốc Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế Willie Walsh, sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi các yêu cầu giãn cách, nhiều hành khách đã tăng chi tiêu cho những kỳ nghỉ, nâng cấp lên hạng vé đắt tiền trong các chuyến đi giải trí.
Họ gọi đó là “du lịch phục thù”. “Đó là khi hành khách bị ảnh hưởng tinh thần vì các đợt phong tỏa và khao khát đi du lịch. Trong 2 năm qua, họ đã mơ về nó”, bà Hermione Joye – Trưởng bộ phận Du lịch châu Á – Thái Bình Dương của Google – bình luận.
Thêm vào đó, hàng trăm nghìn phi công, tiếp viên và nhân viên trong ngành hàng không đã mất việc trong 2 năm qua. Giờ, ngành công nghiệp không thể nhanh chóng lấp đầy khoảng trống nhân sự để đáp ứng nhu cầu tăng vọt trở lại.
Sân bay Changi của Singapore đang tìm kiếm 6.600 vị trí mới. Tuy nhiên, nhiều người lao động bị sa thải đã chuyển sang nghề khác ít biến động hơn.
Tại Mỹ, các hãng hàng không khu vực nhỏ thậm chí không thể bay hết công suất, vì những hãng hàng không lớn hơn đã thuê quá nhiều phi công.
Hàng trăm chuyến bay đã bị hủy ở Anh, làm xáo trộn các kế hoạch nghỉ lễ và dẫn đến cảnh hành khách phải ngủ lại sân bay.
Ở châu Âu, các sân bay lớn đã phải đối mặt với tình trạng hoãn và hủy chuyến sau khi không tuyển được nhân viên. Điều đó làm gián đoạn lịch trình và tăng thêm chi phí.
Nguồn: zing.vn
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC