Với thời gian mình đã trải qua tại Đức, mình không thể khuyên các bạn chắc chắn hãy chơi với người Đức hay hãy chơi với người Việt, nhưng mình sẽ kể cho các bạn nghe câu chuyện của chính mình. Còn việc lựa chọn bạn ra sao thì hãy để tự bản thân bạn trải nghiệm và quyết định.
TRƯỚC KHI ĐI DU HỌC: “CON CHỈ MUỐN CHƠI VỚI BẠN ĐỨC THÔI, CON KHÔNG THÍCH CHƠI VỚI BẠN VIỆT NAM ĐÂU”
Còn nhớ hồi chuẩn bị đi Đức, mình vẫn luôn nói với mọi người rằng mình sợ kết giao với các bạn sinh viên Việt Nam tại Đức, vì được nghe chia sẻ của mấy tiền bối người Việt nhiều khi rất phức tạp, có nói xấu, bè phái, rồi có khi còn lợi dụng, lừa gạt nhau. Khổ nó bi quan thế đấy. Nhưng cũng dễ hiểu thôi vì những câu chuyện người Việt ở nước ngoài lừa gạt, lợi dụng nhau cứ nhan nhản trên mạng xã hội, chẳng biết thực hư thế nào nhưng nghe thì cứ đề phòng trước đã.
Nhưng nói thế không có nghĩa là người Việt mình xấu, chỉ là cái bề nổi tin tức thường khiến người ta cảm thấy lo lắng và cảnh giác.
Như cụ Trần Trọng Kim chẳng đã từng viết trong cuốn “Việt Nam sử lược”:
“Về đàng trí tuệ và tình tình thì người Việt Nam có cả các tính tốt và các tính xấu. Đại khái thì trí tuệ minh mẫn, học chóng hiểu, khéo chân tay, nhiều người sáng dạ, nhớ lâu, lại có tính hiếu học, trọng sự học thức, quý sự lễ phép, mến điều đạo đức … Tuy vậy vẫn hay có tính tình vặt, cũng có khi quỷ quyệt, và hay bài bác nhạo chế.” “Tâm địa thì nông nổi, hay làm liều, không kiên nhẫn, hay khoe khoang và ưa trương hoàng bề ngoài, hiếu danh vọng, thích chơi bời, mê cờ bạc. Kiêu ngạo và hay nói khoác, nhưng có lòng nhân, biết thương người và hay nhớ ơn.”
Đấy, thế rồi 1 năm trôi qua, tôi nhận ra xung quanh mình hóa ra toàn là bạn Việt Nam. Tôi sống trong một căn phòng thuê gần ký túc xá ở Herrenhäuser Markt có rất nhiều sinh viên quốc tế sinh sống và có cả người Việt Nam. Tôi chơi với mọi người trong câu lạc bộ, cộng đồng người Việt của trường dự bị.
Thế là mỗi lần mẹ gọi điện hỏi, các bạn Đức thế nào hả con, chơi với các bạn có vui không … tôi chỉ biết trả lời mỗi một câu: Vâng, các bạn Đức cao lắm, trắng và …
Đâu còn biết trả lời gì hơn nữa. Nhưng rồi dần dần về lâu thì cũng phát sinh chút mâu thuẫn trong hội bạn bè người Việt, tôi dần dà tách ra khỏi đó, quyết định quay lại suy nghĩ ban đầu khi chưa đặt chân tới Đức: phải kết bạn với người Đức, chơi với người Đức.
Nói là thế chứ học xong Studienkolleg (Dự bị đại học) thì cái đám bạn chơi từ đầu tới giờ không còn nữa thì cũng phải đi tìm bạn mới chứ biết làm sao. Lên đại học chính thức, tôi chăm chỉ hơn trong việc cố gắng bắt chuyện, làm quen với những bạn người Đức trong khoa. Suốt 1 năm trôi qua, những cuộc trò chuyện chỉ dừng lại ở: xin chào, tên mày là gì, mày sống ở đâu, mày đến từ Việt Nam à …
Mọi người vẫn hay nói, người Đức khó gần, khó tính, keo kiệt …
Với nhiều người nó là đúng, nhưng với nhiều người họ không thấy vậy. Chỉ bởi vì chúng ta đang dứng ở một nền văn hóa khác mà đánh giá họ, cho nên suy nghĩ đó hoàn toàn không có tính khách quan, chỉ có cách thân thiết với họ, hòa nhập với họ thì mới hiểu được thực sự cuộc sống của họ như thế nào.
Tôi bắt đầu trò chuyện với một vài bạn Đức, thường xuyên tham gia các buổi offline, tự học, party, club cùng những bạn người Đức. Không phải dễ dàng ngày 1 ngày 2 mà có thể kết thân với những người bạn Đức. Sau rất nhiều lần tụ tập, học hành chia sẻ, đi chơi đi bời, nhảy múa overnight thì tôi và những người bạn Đức cũng mở lòng với nhau hơn và chơi với nhau thật sự như những người bạn.
Và khi trở thành bạn rồi, tôi mới biết đối với những người chưa quen thân, người Đức rất giữ khoảng cách, cẩn trọng, nhưng một khi đã tin tưởng làm bạn thì họ cực kỳ chân thành và nhiệt tình. Những người bạn Đức tôi quen sau đó không ngại ngồi nghe cậu ấy tâm sự cả buổi, không ngại giúp đỡ những việc lộn xộn trong cuộc sống hằng ngày. Trong những người bạn đó của tôi có một người bạn tôi chơi thân nhất Ebru. Cô ấy không hoàn toàn là 100% mà có dòng máu lai giữa người Đức và người Thổ. Cô có bạn trai là cảnh sát tại khu vực mà tôi sinh sống.
Có một lần tôi gặp vấn đề với Mitbewohner của mình, họ đã cố tình “bài binh bố trận” để cho người thuê nhà mới vào với giá thuê cao hơn và huỷ thời gian thuê của tôi sớm hơn thoả thuận ban đầu.
Tôi làm sao có thể Một thân một mình nơi đất nước xa lạ đứng trước một sự việc như vậy tôi thật sự không biết phải làm gì, phải nhờ tới ai. Rồi lại cảm thấy thật may mắn khi người bạn thân kia của tôi đã chủ động nhờ bạn trai cậu ấy can thiệp giúp tôi vấn đề thuê nhà, để tôi không phải chịu thiệt. Tôi cũng không dám nói chuyện với bố mẹ sợ bố mẹ lo. Sau khi giải quyết xong chưa tìm được chỗ nào để thuê trọ, bạn ấy đã mời tôi về nhà ở cùng, rồi cùng tôi đi tới khắp các khu lân cận trong mỗi buổi tôi đi tìm nhà, chỉ để chắc chắn tôi có thể tìm được một nơi ở tốt, và sẽ không xảy ra những chuyện đáng tiếc như đã qua.
Cuối cùng thì tôi cũng tìm được một căn nhà vừa ý ở List – khu vực gần như chỉ có người Đức sinh sống. Ngày chuyển nhà, bạn ấy đã tự lái xe tải tới giúp tôi trở đồ, đám bán trong lớp biết tin cũng đến giúp tôi dọn dẹp, khiêng đồ ra xe, 3 đứa một cái tủ lạnh mấy mươi cân, leo cầu thang bộ từ tầng 1 tới tầng 6 nhưng chúng nó vẫn vui vẻ, nhiệt tình giúp đỡ. Nhờ có thế mà thay vì mất cả trăm euro mà tôi chỉ tốn có vài đồng tiền thuê 1 số công cụ linh tinh thôi.
Rồi cũng có khi thấy tôi phải vất vả đi làm thêm để lo phụ giúp bố mẹ chi phí học tập, sinh hoạt, những người bạn Đức của tôi sẵn sàng đề nghị giúp đỡ, san sẻ bớt với tôi dù không có nhiều, nhưng họ vẫn luôn cố gắng cùng sẻ chia những khó khăn đó cùng với tôi.
Đấy, tôi không nói người Việt là xấu, chơi với người Việt là sai. Tôi chỉ muốn mọi người cũng có thể giống như tôi, sẵn sàng hòa nhập, kết giao với các bạn sinh viên nước ngoài vừa để mở rộng mội qquan hệ, vừa cải thiện kiến thức về văn hóa, lối sống cũng như ngôn ngữ vậy.
Suy cho cùng, bạn Đức hay bạn Việt Nam đều có những điểm tốt, điểm đặc biệt riêng của họ. Tình bạn giá trị đầu tiên là ở sẻ chia và thấu hiểu, do vậy hãy lắng nghe cả con tim và dùng cả lí trí để biết được đâu sẽ là những người bạn tốt thực sự mà bạn có thể tin tưởng.
Bạn bè cũng sẽ là một trải nghiệm ý nghĩa để sau này khi trở về bạn có thể nhớ về quãng thời gian sinh sống và học tập tại Đức đấy.
Nguồn: Mai Hanh Nguyen - Facebook
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC