Trong công bố trên tạp chí Royal Society Open Science ngày 23/12, nhóm nghiên cứu đã làm thí nghiệm giữa một người phụ nữ đứng cách 2 mét một người đàn ông bị ho nhưng chia làm hai tình huống là đeo hoặc không đeo khẩu trang. Nếu người đàn ông không đeo khẩu trang, người phụ nữ sẽ tiếp xúc với số giọt bắn nhiều gấp 10.000 lần. Còn nếu người đàn ông đeo này khẩu trang, tỷ lệ bị dính giọt bắn nhiễm virus vẫn giảm đáng kể ngay cả khi hai người chỉ đứng cách nhau 50cm.
Tác giả nghiên cứu Ignazio Maria Viola, một chuyên gia về động lực học ứng dụng tại Trường Kỹ thuật của Đại học Edinburgh, nói với AFP: “Không còn nghi ngờ gì nữa, khẩu trang có thể làm giảm đáng kể sự phát tán của các giọt bắn chứa đầy virus”.
Công dụng của khẩu trang là giảm phát tán các giọt bắn chứa đầy virus ra khỏi cơ thể người bệnh. Ảnh: Getty
Bà Maria Viola lưu ý các giọt dịch hệ hô hấp lớn – văng ra khỏi cơ thể theo đường vòng cung giống như cách đầu đạn bay trước khi bị trọng lực kéo xuống mặt đất - được cho là động lực chính của việc lây truyền SARS-CoV-2. Những giọt bắn nhỏ hơn, đôi khi còn gọi là giọt aerosol, có thể lơ lửng trong không khí lâu hơn.
Chuyên gia này cho biết con người liên tục thở văng ra các loại giọt bắn từ cỡ cực nhỏ đến vài mm. Một số giọt rơi nhanh hơn tùy thuộc vào nhiệt độ, độ ẩm và đặc biệt là tốc độ không khí.
Nghiên cứu của nhóm ông Ignazio Maria Viola tập trung vào các hạt có đường kính lớn hơn 170 micron, gấp hai đến bốn lần chiều rộng của sợi tóc người. Các hạt aerosol được mô tả là nhỏ hơn 20 hoặc 30 micron.
Tiến sĩ Maria Viola nói: “Nếu bạn đeo khẩu trang, bạn đang giảm thiểu sự lây truyền virus theo cấp độ ít hơn 10 lần. Trong nghiên cứu của chúng tôi, đối với những giọt lớn hơn mà chúng tôi đo được, tỷ lệ giảm khoảng 99,9%”.
Theo Viện Đo lường và Đánh giá Y tế (IHME) ở Seattle, 55.000 người dân Mỹ có thể được bảo toàn tính mạng trong vòng 4 tháng tới nếu chính sách toàn dân đeo khẩu trang được thông qua.
Các nhà lập mô hình của Viện Đo lường và Đánh giá Y tế (IHME) dự đoán đến ngày 1/4/2021 tại Mỹ sẽ ghi nhận 561.000 ca tử vong dựa trên tốc độ lây nhiễm hiện nay. Hồi tháng 7, họ từng dự đoán chính xác số ca tử vong do COVID-19 ở Mỹ sẽ đạt đỉnh cao nhất vào ngày 1/11.
Họ tính toán rằng việc tuân thủ đeo khẩu trang trên toàn thế giới sẽ giúp giảm 400.000 người chết so với cùng kỳ năm trước, từ 2,9 triệu xuống còn 2,5 triệu. Đến nay, virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của khoảng 1,7 triệu người.
Đầu tháng 12, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cập nhật bộ hướng dẫn về dịch COVID-19 để khuyến cáo đeo khẩu trang trong nhà khi có sự hiện diện của người khác nếu không đủ hệ thống thông gió.
Hướng dẫn đeo khẩu trang cần đặc biệt áp dụng tại các khu vực đã biết hoặc nghi ngờ về sự lây nhiễm trong cộng đồng. Khẩu trang chủ yếu giảm tỷ lệ các giọt bắn chứa đầy virus của mọi người văng ra ngoài khi họ ho, hắt hơi, hát, nói chuyện hoặc đơn giản là thở.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Mỹ (CDC), khẩu trang vải không chỉ hiệu quả trong việc ngăn chặn phần lớn các giọt bắn cỡ lớn (từ 20 – 30 micron hoặc lớn hơn), mà còn có thể ngăn chặn sự phát tán của các giọt và hạt mịn, hay còn được gọi là aerosol.
Mới đây, Chính phủ Nhật Bản đã yêu cầu người dân phải đeo khẩu trang ngay tại nhà riêng. Thống đốc Tokyo Yuriko Koike cùng những người đồng cấp tại ba tỉnh khác ở Nhật Bản mới đây đã cùng ký chung thông điệp hối thúc người già, người có vấn đề về sức khỏe cần đeo khẩu trang trong thời gian nghỉ lễ tới. Một số tỉnh khác như Fukushima và Niigata trước đó cũng phát đi những yêu cầu tương tự.
Nguồn: baotintuc
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC