Jason Edward Harrington là nhà văn và học viên tại Đại học Mississippi ở Oxford, Mỹ. Anh từng làm nhân viên của Cơ quan An ninh Giao thông Vận tải Mỹ (TSA) từ năm 2007 đến 2013.
Trong bài viết trên Politico về những năm kinh nghiệm tại TSA, Harrington tiết lộ anh cùng đồng nghiệp phải chấp nhận nhiều nguyên tắc không cần thiết và kém hiệu quả trong công việc.
Harrington khẳng định đồng nghiệp tại TSA còn có những mật danh như "Alfalfa" (Cỏ Linh Lăng), "Code Red" (Mật Mã Đỏ) và "Fanny Pack" (Túi Đeo Hông) dành cho những khách nữ hấp dẫn đi qua cửa an ninh. Ảnh: Twitter.
"Những chiếc máy quét toàn thân thể phát hiện hiệu quả chất nổ hay súng giấu kín trong người. Chúng tôi từng phải trố mắt khi thấy cơ thể của những người béo phì, từng ngấn thịt của họ hiển hiện rõ ràng. Dù khách xỏ khuyên kiểu gì, ở vị trí nào máy vẫn quét ra. Rất dễ nhận ra những phụ nữ từng phẫu thuật cắt bỏ ngực, vòng một của họ hiện lên như một khoảng phẳng mờ", Harrington viết. Tuy nhiên, theo cựu nhân viên TSA, những thay đổi về mặt công nghệ ngày càng khiến hình ảnh thân thể hành khách ít lộ liễu hơn.
Harrington cũng đề cập tới chuyện phải khám xét hành khách: "Ngay từ đầu, tôi đã ghét thủ tục này khi phải vỗ vào đũng quần từ người già đến trẻ nhỏ, ngay cả trẻ sơ sinh cũng không được miễn khi an ninh sân bay thắt chặt sau vụ khủng bố 11/9".
Việc tịch thu những vật dụng có vẻ như vô hại cũng khiến Harrington trăn trở. "Tôi phải giữ lại những hũ sốt bơ táo nhà làm như thể chúng có thể gây nguy hại cho an ninh quốc gia. Thậm chí tôi còn được yêu cầu tịch thu cả bấm móng tay của phi công vì mối lo họ có thể dùng thứ này để cướp máy bay", cựu nhân viên TSA chia sẻ.
Năm 2008, anh phải tịch thu một chai rượu của người lính thủy đánh bộ đem về nhà từ Afghanistan. Đó là chai champagne dành tặng một chàng trai trẻ ngồi xe lăn, mất cả hai chân. Harrington không thể tưởng tượng mình phải nói với cậu ấy rằng món quà bị thu hồi vì an ninh quốc gia.
Harrington từng tiết lộ trên Twitter rằng những nhân viên sân bay sẽ uống rượu của khách phải bỏ lại ở cửa an ninh. Ảnh: TripSavvy.
Không chỉ vậy, cựu nhân viên TSA này còn xác nhận hành khách từ 12 quốc gia gồm Syria, Algeria, Afghanistan, Iraq, Iran, Yemen, Cuba, Lebanon, Libya, Somalia, Sudan và Triều Tiên - cho đến năm 2010, đều mặc định phải làm thủ tục kiểm tra an ninh nâng cao. Điều này có nghĩa là, công dân các nước này phải đứng sang một bên để khám xét toàn thân và kiểm tra hành lý kỹ càng.
"Hàng ngày, tôi phải nhìn vào mắt hành khách trùm niqab kín mặt hay mặc quần áo Hồi giáo và nói rằng tôi phải kiểm tra toàn thân, họ không có lỗi gì ngoài sở hữu hộ chiếu thuộc danh sách các quốc gia trên", anh cho biết thêm.
Tuy nhiên, phản bác lại Harrington, TSA tuyên bố, nhiều thủ tục và chính sách mà cựu nhân viên này tiết lộ đã không còn hiệu lực hoặc sai lệch. TSA cũng cập nhật phần mềm nhận dạng tự động trên những thiết bị công nghệ hiển thị ảnh nâng cao. Do đó không có chuyện nhân viên an ninh có thể thấy thân thể hành khách qua máy quét.
Cơ quan này khẳng định mọi hành khách đều được đối xử tôn trọng: "TSA không tha thứ cho bất kỳ hành vi phi đạo đức hoặc bất hợp pháp nào của nhân viên và sẽ kỷ luật nhanh chóng nếu phát hiện cá nhân nào vi phạm".
Hành khách phải tháo giày khi qua cửa an ninh. Ảnh: Cellcode.
Chris Yates, nhà tư vấn về các vấn đề an ninh quốc tế, cho biết một số chính sách áp dụng với khách du lịch như cấm mang vật sắc nhọn; yêu cầu tháo giày và thắt lưng đều vì lợi ích của cộng đồng.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng những yêu cầu và thủ tục của TSA đã tăng khối lượng công việc vốn đã rất áp lực với nhân viên an ninh và khiến hành khách bối rối, tạo ra bầu không khí căng thẳng tại sân bay. Một cuộc thăm dò với hơn 3.000 độc giả cho thấy 84% người tin rằng các biện pháp an ninh sân bay "đi quá giới hạn" và không khiến họ cảm thấy an toàn hơn.
Phạm Huyền (theo Telegraph)
Xem thêm: Tại sao phải cởi giày khi qua cửa hải quan tại sân bay?
Nguồn: VNEXPRESS.NET
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC