Theo tiến sĩ Nguyễn Hoàng Chương, trong thời buổi thông tin được cập nhật và nhanh chóng phủ sóng bằng nhiều kênh, từ báo giấy, phát thanh, truyền hình đến báo điện tử... thì việc Hà Nội phủ sóng lại loa phường là không nên.
Hệ thống loa phường tuyên truyền tích cực trong mùa dịch COVID-19 - Ảnh: MAI THẢO
Nhằm góp thêm một góc nhìn, chuyên mục Bạn đọc làm báo xin giới thiệu bài viết này.
Tin Hà Nội mắc lại loa phường nhanh chóng được bạn đọc quan tâm với đa số ý kiến không đồng tình. Trang Facebook của tôi, tài khoản "L.Q.N." bình luận: "Lại tra tấn dân rồi", còn tài khoản "T.N." dí dỏm: "Bác sĩ tai mũi họng sắp đắt khách".
Theo tôi, Hà Nội không nên mắc lại loa phường vì mấy lý do dưới đây.
Một là, thông tin bây giờ cập nhật và nhanh chóng phủ sóng bằng nhiều kênh, từ báo giấy, phát thanh, truyền hình đến báo điện tử, trang thông tin điện tử...
Người dân dùng điện thoại di động kín từ nông thôn đến thành thị, mọi ngườI nhanh chóng nắm được chủ trương, chính sách, thông tư, hướng dẫn thực hiện của Đảng, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể các cấp. Nay thêm loa phường thì người dân quá tải, khác nào bị tra tấn.
Hai là, để người dân tiếp cận thông tin đầy đủ, chính xác, tích cực thì báo chí (in, điện tử) nói riêng, mạng xã hội nói chung đóng vai trò quan trọng. Gần đây, ngành chức năng đã vào cuộc nhằm chấn chỉnh, qua đó xử lý nghiêm một số báo, tạp chí vi phạm.
Ở địa phương, từ sinh hoạt chi bộ đến hội họp khu dân cư, tổ dân phố duy trì khá đều - thêm một kênh thông tin chuẩn xác. Rất nhiều tổ dân phố dùng Zalo tạo group chung các hộ gia đình trên địa bàn để xử lý việc khi cần.
Công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, nhà máy, trường học, bệnh viện… hầu hết được cập nhật tin tức, sự kiện một cách nhanh chóng bằng cả online, offline. Vậy thêm loa phường, cộng âm với tiếng rao bánh mì nóng, mài dao mài kéo, chổi lông gà, bàn là quạt sấy máy bơm… người dân phải thức 24/7 à?
Ba là, thời đại 4.0, Hà Nội phải đón trước, đi đầu. Sao không phủ sóng WiFi với công suất đủ mạnh để phục vụ cho toàn thành phố? Người dân Tràng An dùng smartphone lướt Zalo, Facebook, TikTok… vừa thích thú lại riêng tư, và có thể hỏi - đáp bất kỳ lúc nào.
Nay 4.0 + loa phường, ai nghe đây? Chi phí lắp đặt, vận hành, bảo trì, bảo dưỡng - dù lấy từ nguồn nào đi nữa cũng là nguồn lực chung của thành phố, tiếc lắm.
Bốn là, gần đây nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội, ở không ít khu dân cư, nhiều người bị tra tấn với muôn kiểu karaoke làm họ bức xúc.
Nay thêm tiếng loa phường, rồi lúc loa bị hỏng là tạp âm, bức xúc chồng bức xúc, làm sao đây? Ngay ở các sân bay cũng dần thay thông báo qua loa bằng lời nhắc trên bảng thông tin điện tử, khách đi tàu bay như được thêm trân trọng vì không gian bớt đi nhiều tiếng ồn ào.
Năm là, nếu giữ lại nét Hà Nội xưa, có thể lắp đặt mô hình ở phòng truyền thống, bảo tàng, một vài biểu tượng ở khu phố cổ, hoặc lắp loa tại một xóm, thôn, tổ dân phố nào đó - nếu được người dân đồng thuận.
Thiết nghĩ, trước một chủ trương ảnh hưởng đến sinh hoạt của rất nhiều người thì trước khi ban hành kế hoạch, cần thăm dò ý kiến của đông đảo người dân. Gọn hơn có thể là mẫu đại diện nhưng phải đảm bảo các yêu cầu của một cuộc khảo sát.
Từ lựa chọn của một số ít người mà vội ban hành quyết định quản lý thì gặp tác dụng ngược là tất yếu.
Thế nên, mắc lại loa phường làm chi Hà Nội ơi!
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC