Nước Đức có một câu chuyện được tương truyền như sau:
Ở nhà ga xe lửa, có một nhân viên phụ trách công việc điều chỉnh công tắc chuyển hướng đường ray để các đoàn tàu đi qua đi đúng lộ trình và không xảy ra va chạm với nhau. Công việc này đòi hỏi trách nhiệm và sự tập trung cao độ, bởi chỉ cần chuyển công tắc chậm vài giây thôi là xe lửa có nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao.
Ngày hôm đó, người nhân viên này vẫn làm việc như thường lệ.
Lúc ấy, hai đoàn tàu từ hai hướng ngược hướng nhau đang tiến vào ngã ba và chuẩn bị chuyển đường ray. Đúng lúc ấy, người nhân viên cũng phát hiện ra rằng con trai mình đang chơi đùa ở gần khu vực ngã ba đường ray mà hai đoàn tàu sắp đi qua, mà xe lửa thì đang tiến đến một gần hơn với tốc độ cao.
Trong vài giây ngắn ngủi, người nhân viên buộc phải lựa chọn giữa việc cứu con mình hay bật công tắc chuyển đường ray để tránh xảy ra tai nạn tàu.
Khoảng khắc đó, ông không kịp suy nghĩ gì thêm, chỉ hô to lên với con trai “Nằm xuống!” và ấn vào công tắc chuyển đường ray ở ngã ba. Chỉ trong một giây, hai đoàn xe lửa đã đi vào quỹ đạo an toàn, còn con trai ông không hề bị xây xước.
Hành khách ngồi trên đoàn tàu không hề biết rằng, tính mạng của họ chỉ vài phút trước như chỉ mành treo chuông. Và họ càng không hay biết rằng, có một đứa bé vừa nãy đã ngã xuống đường ray bên cạnh cũng thoát chết trong gang tấc.
Hình ảnh khi ấy đúng lúc lọt vào ống kính của một vị phóng viên. Sự việc xảy ra tại nhà ga cũng trở thành tiêu điểm của dư luận nước Đức.
Mọi người đều nghĩ rằng, người cha làm công việc điều chỉnh công tắc đường ray của cậu bé đó phải là một người vô cùng vĩ đại. Sau khi câu chuyện ngày càng trở nên nổi tiếng, người ta mới biết người cha ấy thực tế cũng chỉ là một người hết sức bình thường. Ưu điểm duy nhất của ông là, ngày ngày kiên trì làm đúng bổn phận với công việc của mình và chưa bao giờ bấm công tắc chậm dù chỉ một giây đồng hồ.
Mà càng khiến người ta không nghĩ tới là, con trai của người nhân viên ấy là một đứa trẻ sinh ra đã bị thiểu năng trí tuệ. Ông từng nhiều lần nói với con: “Sau này lớn lên, công việc con có thể làm được quá ít. Vậy nên con nhất định phải trở nên thật xuất sắc!”. Nhưng buồn thay, đứa bé chưa bao giờ nghe hiểu lời ông nói, chỉ ngước đôi mắt lên ngơ ngác nhìn cha.
Vậy mà, trong một giây đồng hồ định mệnh kia, đứa trẻ bị nhược trí ấy lại có thể nghe lời cha, kịp nằm xuống và thoát nạn trong gang tấc. Hóa ra, hai chữ “nằm xuống” là hiệu lệnh mà người cha thường dạy con mình trong những lúc chơi trò chơi, là câu nói duy nhất thằng bé nghe hiểu và cũng là hành động xuất sắc nhất thằng bé đã làm được.
Bài học suy ngẫm:
Một câu chuyện ngắn có thật nhưng ẩn chứa rất nhiều điều khiến ta phải suy ngẫm. Một người đàn ông vô cùng bình thường, một người cha như bao người cha khác, nhưng vào thời khắc nguy cấp nhất vẫn có thể đưa ra lựa chọn sáng suốt, điều mà có lẽ không có mấy người làm được như ông.
Có thể có rất nhiều người sẽ cho rằng, đứa bé đó quá sợ hãi, thằng bé bị thiểu năng thì chỉ biết làm vậy; nhưng, đó là động tác đơn giản nhất mà cha cậu bé đã dạy cho cậu, cậu đã học được và cũng thực hiện vô cùng xuất sắc. Chính điều đó đã giúp cậu bé tự cứu tính mạng mình.
Các bậc cha mẹ thường dạy con mình “phải nghe lời cha mẹ, phải nhớ kỹ trong lòng, sau đó thực hiện một cách xuất sắc”.
Những câu nói này nghe có vẻ đơn giản, nhưng có mấy vị phụ huynh có thể khiến con mình răm rắp nghe theo?
Quan trọng nhất là, những người làm cha làm mẹ chưa bao giờ tự đặt câu hỏi: Liệu những lời dạy hằng ngày của mình có thực sự hữu dụng đối với con cái? Bản thân mình đã thực hiện được điều đó trước khi dạy con hay chưa?
Trên thực tế, có không ít bậc cha mẹ thường tự làm trái lại với những điều mình dạy con trẻ. Có phụ huynh cấm con chơi điện tử, nhưng hễ rảnh tay là lại giải trí bằng những trò chơi này ngay trước mắt con. Lại có những người dạy con cái phải hiếu thuận với cha mẹ lúc về ra, trong khi bản thân mình đối với những bậc thân sinh vẫn thường xuyên cáu giận.
Như người cha trong câu chuyện trên, ông hiểu rõ khả năng tiếp thu của con mình tới đâu, nên ông đã dạy cậu bé những điều mà cậu có thể hiểu và thực hiện được dễ dàng. “Nằm xuống” – câu lệnh đơn giản, cho dù chỉ là một đứa trẻ bị thiểu năng cũng có thể hiểu và làm theo được.
Đó không chỉ là kỳ tích đối với một đứa trẻ bị nhược trí, mà còn là sự thành công trong phương pháp giáo dục con cái của người cha trong câu chuyện.
Chúng ta thường nói, phía sau một đứa trẻ chính là gia đình. Điều đó đồng nghĩa với việc chỗ dựa phía sau của con cái chính là cha mẹ.
Những đứa trẻ “con nhà người ta”, phía sau chúng cũng là “cha mẹ nhà người ta”.
Muốn dạy con cái điều hay lẽ phải, cha mẹ trước hết phải là những người thực hiện tốt những điều ấy.
Nguồn: eva.vn
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC