Đồng nghiệp của tôi là một người mẹ rất vui vẻ, cô ấy thường xuyên kể về những đứa con của mình từ khi cô ấy trở thành một người mẹ. Vậy nhưng dạo gần đây bỗng dưng cô ấy trở nên lo lắng và bối rối, cô ấy tâm sự rằng con trai 5 tuổi của mình luôn có những hành động kỳ lạ khác những đứa trẻ cùng trang lứa. Cụ thể, cậu bé luôn thích hỏi một số câu hỏi lạ lùng rất khó trả lời, bé không thích nô đùa mà hay ngồi một mình quan sát, không nói năng gì...
Cuối cùng đồng nghiệp của tôi vì quá trăn trở cho "tình trạng" của con mình nên đã tìm đến các chuyên gia để bắt bệnh. Sau đó, thay vì lo lắng, đến nay cô ấy đã thoải mái hơn nhiều, thậm chí vui mừng chấp nhận sự khác biệt của con.
Theo bác sĩ tâm lý, biểu hiện của bé như vậy là rất bình thường bởi khi lớn lên, trẻ sẽ có xu hướng dần bộc lộ nhiều hành vi kỳ lạ thể hiện tài năng, thế mạnh của bản thân. Thực tế có rất nhiều phụ huynh cũng như chị đồng nghiệp của tôi, họ cảm thấy hơi bối rối và luôn tìm cách ngăn cản trẻ vì cho rằng những hành vi bất thường đó là không tốt. Tuy nhiên, nhiều hành vi “bất thường” của trẻ kỳ thực lại phản ánh các khả năng khác nhau của mỗi bé khi đang trong giai đoạn phát triển nhanh chóng. Đây đôi khi còn chính là biểu hiện của những đứa trẻ thông minh và có chỉ số IQ cao hơn các bé khác.
Nếu con cái bạn cũng có những biểu hiện "khác lạ" như dưới đây, đừng vội lo lắng bởi những hành vi đó chính thức phản ánh đứa trẻ có chỉ số IQ cao:
Thích yên tĩnh, lặng lẽ quan sát
Hầu hết mọi người đều có ấn tượng về con trẻ là những đứa bé thích vui chơi, nghịch ngợm, đôi khi hò hét, cười đùa, thậm chí là phá phách... thì mới là bình thường. Tuy nhiên, một số trẻ sẽ rất im lặng, im lặng nhìn đồ vật trên tay mà không nói một lời nào, im lặng quan sát xung quanh mà không hào hứng nô nghịch như bao trẻ khác.
Khi ấy chắc hẳn các bố mẹ sẽ cảm thấy bối rối, thắc mắc vì họ cho rằng điều này không phù hợp với bản tính của một đứa trẻ. Nhưng trên thực tế, trẻ không hề la hét hào hứng khi vui chơi mà chỉ im lặng ngắm nghía món đồ chơi trên tay, chứng tỏ trẻ có khả năng tập trung tốt. Những trẻ này có thể tĩnh tâm quan sát những thứ mình thích thú một cách nghiêm túc mà không bị phân tán bởi các hoạt động xung quanh. Đây là dấu hiệu của sự phát triển tốt của não bộ, bố mẹ không nên lo lắng.
Luôn nói phóng đại
Trẻ tự tin, mau mồm mau miệng thì ông bố bà mẹ nào cũng thích. Tuy nhiên rơi vào tình huống trẻ em hay nói một cách vô nguyên tắc, khi nói luôn thích thêm một chút cường điệu phóng đại lên thì đôi khi lại khiến phụ huynh đau đầu, thậm chí xấu hổ vì bị người khác cho rằng con em mình mắc bệnh chém gió, nói phét, nói dối... Chính vì vậy nhiều bậc cha mẹ nghĩ rằng đây là một thói quen xấu, họ cật lực chống lại việc con cái mình nói những điều trên trời dưới biển, thiếu thực tế.
Tuy nhiên, theo các đánh giá khoa học, những đứa trẻ như trên thường có trí tưởng tượng và óc sáng tạo mạnh mẽ, nếu cha mẹ ngăn cản trẻ một cách mù quáng có thể khiến trí tưởng tượng của trẻ bị kìm hãm. Điều đó thật đáng tiếc vì thực tế không ít người muốn khơi dậy điều đó ở trẻ mà không được.
Luôn hỏi những câu hỏi kỳ lạ
Ai cùng biết trẻ thích đặt câu hỏi là điều tốt bởi tính tò mò là cơ sở để tiếp thu nhiều kiến thức hơn. Tuy nhiên, một số trẻ lại luôn hỏi những câu kỳ lạ khác các bạn cùng lứa tuổi, chẳng hạn như "Tại sao bầu trời sẽ không rơi xuống?", "Giữa nhện... và mẹ, bố sợ bên nào hơn?” ... Khi ấy, không ít cha mẹ lo lắng cho rằng con đang hỏi những câu ngớ ngẩn, luôn nghĩ vấn đề ở những nơi xa lạ chứ không thực tế, có phải do con quá nghịch ngợm hoặc suy nghĩ của con đang bị lệch lạc???
Trên thực tế, nếu trẻ luôn thích hỏi một số câu hỏi lạ, điều này cho thấy trẻ có ham muốn mạnh mẽ và thích đi sâu tìm hiểu vấn đề. Những em bé như vậy thường rất linh hoạt và luôn có thể nghĩ ra những ý tưởng mà người khác không thể nghĩ ra. Nếu cha mẹ cảm thấy đây là một vấn đề tồi tệ và ngăn cản chúng, có thể làm giảm sự tò mò của trẻ đối với mọi thứ, từ đó kìm hãm khả năng tư duy và khám phá cũng là thế mạnh của trẻ.
Bé thích bắt chước
Tính tò mò của trẻ rất mạnh, nhiều bé thích tìm hiểu và bắt trước ngay khi nhìn thấy thứ gì đó mà chúng hứng thú. Ví dụ, bé thích bắt chước hành động các con vật; đôi khi làm hành động xấu giống người lớn như khạc nhổ, chửi bậy; lúc lại giả giọng nói của cha mẹ ... Khi người lớn thấy con mình như vậy thường là sẽ ngăn cản, mà khi cản không được lập tức lo lắng, thậm chí nghĩ con có vấn đề gì đó.
Vậy nhưng theo các chuyên gia thì điều đó cũng không quá nghiêm trọng bởi nhiều trẻ cảm nhận được rồi thích học theo những chuyển động hoặc âm thanh xung quanh chúng. Thông thường chính những đứa trẻ như vậy có khả năng hành vi mạnh mẽ hơn, chúng thông minh và có khả năng nắm bắt thông tin nhanh, việc mô phỏng y như thật hành động nhìn thấy xung quanh cũng là một biệt tài không phải ai cũng có. Tuy nhiên, cha mẹ phải đóng vai trò định hướng giúp trẻ nhận thức được những hành vi nào là xấu không nên bắt trước và những hành động nào đáng học hỏi.
Lời kết
Trẻ em lớn lên dần dần, khi não bộ phát triển, trẻ sẽ sử dụng các giác quan và tay chân để trải nghiệm thế giới. Những hành động bị coi là "quái đản" của nhiều trẻ thực chất chỉ là phản ứng trước sự phát triển ngày càng nhanh của não bộ, nếu cha mẹ ngăn cản một cách mù quáng thì tài năng ban đầu của trẻ có thể bị chôn vùi.
Vì vậy cha mẹ hãy kiên nhẫn quan sát và phân tích kỹ khi trẻ có những biểu hiện này. Theo tình hình của trẻ, cha mẹ hãy nói cho trẻ biết những thói quen nào cần thay đổi và tại sao, cũng như hướng dẫn trẻ những phương pháp đúng đắn để trau dồi chúng và phát huy được tài năng thiên bẩm. Phụ huynh không nên ép trẻ từ bỏ thói quen hay sở thích một cách đột ngột mà không có lý do thuyết phục, dễ khiến trẻ bị ức chế và mất niềm tin vào cha mẹ mà ảnh hưởng đến tính cách và sự phát triển trong tương lai.
Tất nhiên một số biểu hiện quá đáng quá cũng có thể là dấu hiệu của bệnh lý nào đó. Khi ấy, bố mẹ sẽ cần đến sự tư vấn thêm của các bác sĩ và chuyên gia tâm lý để can thiệp, mang lại điều tốt đẹp nhất cho con em mình.
Theo V.K - Vietnamnet
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC