Người dân, doanh nghiệp vẫn còn đang khốn khó với giá xăng dầu tăng cao kéo mặt bằng giá hàng hoá, chi phí khác tăng mạnh theo thì bất ngờ doanh nghiệp ngành xăng dầu niêm yết trên sàn chứng khoán tiết lộ lãi khủng.
Điển hình, Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã chứng khoán: BSR, đơn vị vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất - Quảng Ngãi) công bố báo cáo tài chính với mức lãi tăng vọt. Chỉ trong quý II/2022, doanh nghiệp này đạt doanh thu thuần 52.000 tỉ đồng, lãi ròng hơn 9.900 tỉ đồng - tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ năm trước và là mức tăng cao nhất từ trước đến nay. Còn tính chung 6 tháng đầu năm 2022, doanh nghiệp này lãi ròng khoảng 12.300 tỉ đồng.
Doanh thu nhiều, lãi nhiều là bình thường, nhưng tỉ lệ lãi trên doanh thu trong quý II lên đến 20% quả là điều "không tưởng" với bất cứ doanh nghiệp ngành nào trong bối cảnh sản xuất - kinh doanh phải đối mặt với khó khăn chồng chất. Trong ngành xăng dầu, tỉ lệ lãi trên doanh thu 20% cũng là cao mức ngất ngưởng bởi biên lợi nhuận lĩnh vực này thường thấp.
Nên nhớ, khoảng thời gian doanh nghiệp đạt mức lãi khủng chính là giai đoạn giá xăng dầu tăng vùn vụt làm chao đảo thị trường, tác động tiêu cực đến hàng loạt ngành sản xuất - kinh doanh từ vận tải, tiêu dùng đến công nghiệp, thực phẩm... Ngay ngành nông nghiệp cũng bị "vạ lây" khi giá phân bón tăng cao, giá xăng dầu dùng cho máy móc nông nghiệp, vận chuyển "ngoạm" vào vốn sản xuất. Ấy vậy mà ngành kinh doanh mặt hàng đầu vào thiết yếu cho cả sản xuất - kinh doanh lẫn đời sống như xăng dầu lại lãi khủng khiếp như thế, thì hỏi ai không bức xúc?
Có thông tin cho rằng thời gian trước, một số doanh nghiệp nhập được dầu tồn kho giá rẻ nên lợi nhuận "vụt" tăng. Dự kiến đến quý III, lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp ngành này sẽ rớt trở lại. Tuy vậy, dù lý giải kiểu gì thì cũng không giải tỏa được ấm ức của người tiêu dùng.
Nghĩ cũng kỳ lạ! Khi tác động của làn sóng tăng giá xăng dầu đến nền kinh tế và đời sống người dân quá lớn, Quốc hội đã phải họp để ban hành một nghị quyết về việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu nhằm kìm giữ giá, giảm khó khăn cho người dân. Trước đó, Bộ Tài chính cũng đề nghị giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này. Thế nhưng, ngành kinh doanh xăng dầu vẫn có biên độ lợi nhuận ngất ngưởng, bất chấp nền kinh tế bị tác động đến đâu, đời sống người dân khốn khó thế nào?
Thật khó chấp nhận sự thiếu công bằng này, dù có thể nguồn lợi nhuận khổng lồ kia không nằm ngoài quy định pháp luật. Bởi lẽ, xăng dầu không giống những mặt hàng tiêu dùng khác. Nó là hàng hóa đặc biệt, là nhu cầu thiết yếu và có thể xem như dòng máu của nền kinh tế công nghiệp. Giá xăng dầu biến động sẽ tác động dây chuyền và gây ảnh hưởng cực lớn đến đời sống người dân và cả nền kinh tế.
Với tầm quan trọng của loại nhiên liệu này, bắt buộc cần có những chính sách quản lý phù hợp nhằm bảo toàn sự cân bằng quyền lợi giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng. Mặt hàng càng thiết yếu càng cần sự kiểm soát chặt chẽ. Một số quốc gia thậm chí còn hy sinh lợi nhuận hoặc chấp nhận lỗ trong kinh doanh xăng dầu để bảo đảm hoặc tăng quyền lợi của người dân. Còn Việt Nam thì sao?
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước tăng cao, nền kinh tế bị tổn thương nhưng doanh nghiệp trong ngành càng lãi "đậm" đã cho thấy sự bất ổn trong quy định về kinh doanh xăng dầu. Chẳng hạn, cho đến nay, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu vẫn được tính lợi nhuận định mức 300 đồng/lít dù cho diễn biến thị trường ra sao và người dân, doanh nghiệp phải oằn mình gánh chi phí tăng mạnh thế nào!? Lợi nhuận của doanh nghiệp xăng dầu không thể mang ra cân đo đong đếm với những thiệt hại mà giá xăng dầu đã gây ra đối với đời sống kinh tế - xã hội.
Dù muộn còn hơn không, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần nhìn thấu đáo lại lợi ích của các bên liên quan đối với mặt hàng xăng dầu để tránh xảy ra tình trạng doanh nghiệp lãi càng nhiều thì gánh nặng đè lên vai người tiêu dùng, đè lên nền kinh tế càng lớn như hiện nay.
Hồ Phi
Nguồn: Báo điện tử Người Lao Động
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC