Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn vừa ký quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Nguyễn Đức Thái - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH một thành viên Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam.
Ông Nguyễn Đức Thái - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH một thành viên NXB Giáo dục Việt Nam - bị thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo
Thông tin này lập tức gây chú ý trong dư luận vì thời gian qua, cả người dân lẫn các đại biểu Quốc hội đều băn khoăn, thậm chí nêu ý kiến rất gay gắt xung quanh vấn đề giá sách giáo khoa (SGK) tăng cao.
Trong thông báo kỷ luật, Bộ GD-ĐT chỉ nêu chung chung: Ông Nguyễn Đức Thái bị kỷ luật vì đã vi phạm chính sách pháp luật trong việc chỉ đạo NXB Giáo dục Việt Nam sản xuất, kinh doanh, biên soạn, in ấn, kê khai, phát hành SGK mới; thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo Đảng ủy, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy về kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các nghị quyết.
Trong khi ông Thái bị kỷ luật thì báo cáo kết quả kinh doanh cho thấy NXB Giáo dục Việt Nam in ấn, phát hành hơn 164 triệu quyển SGK trong năm 2021, vượt 40% so với kế hoạch. Tổng doanh thu của NXB đạt hơn 1.828 tỉ đồng, chủ yếu từ phân phối sách giáo khoa. Lợi nhuận sau thuế là 287,4 tỉ đồng, đạt 250% so với kế hoạch được giao; trong khi những năm trước, lợi nhuận chỉ 120-150 tỉ đồng. Đây là mức lãi cao nhất từ trước tới nay của đơn vị này.
Vậy, vì sao ông Thái bị kỷ luật?
Ngày 6-7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội cho biết đang xác minh thông tin tố giác ông Nguyễn Đức Thái - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH một thành viên NXB Giáo dục Việt Nam - có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc mua sắm giấy in SGK phục vụ năm học 2022-2023. Động thái này bước đầu đã hé lộ thông tin để trả lời một phần câu hỏi vì sao SGK mới có giá cao gấp 2-3 lần so với SGK chương trình cũ.
Chưa hết, nếu việc mua sắm giấy in có vấn đề thì các khâu khác như in ấn, kê khai, phát hành cũng có thể "có vấn đề", góp phần đẩy giá sách lên cao. Đây chính là những khâu liên quan đến vi phạm của ông Thái, theo thông báo kỷ luật của Bộ GD-ĐT. Đặc biệt, cần kiểm tra phần xã hội hóa, liên kết xuất bản bởi rất dễ xảy ra tiêu cực.
Giải thích trước Quốc hội tại kỳ họp vừa qua về việc giá SGK tăng cao, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng do sách mới có "khổ to, giấy đẹp", in đẹp hơn và cũng có yếu tố xã hội hóa. Có thể hiểu và chấp nhận lời giải thích này. Nhưng, vì sao NXB Giáo dục Việt Nam lãi lớn kỷ lục như vậy?
Ai cũng hiểu, một khi NXB càng lãi lớn thì phụ huynh, học sinh càng khổ.
SGK là mặt hàng văn hóa phẩm đặc biệt nên giá cũng phải "đặc biệt" và nhà nước phải kiểm soát giá. Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị nhà nước có chính sách định giá, thậm chí trợ giá trong việc in SGK. Thực tế, NXB Giáo dục Việt Nam đã hưởng nhiều chính sách ưu đãi, trong đó được vay vốn của Ngân hàng Thế giới (WB) với lãi suất thấp.
NXB Giáo Dục Việt Nam hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước sở hữu 100% vốn.
- Vậy, lãi khủng của đơn vị này dùng để làm gì?
- Vì sao không lấy tiền lãi đó để trợ giá cho SGK?
Liệu giá SGK mới hiện nay có phản ánh đúng giá thành và bản chất hay bị "phù phép" ở nhiều khâu khiến giá càng tăng cao?
Cần nhớ rằng, NXB này chỉ mới in ấn chương trình SGK ở 3 lớp mà đã lãi lớn như vậy. Nếu tiếp tục in ấn SGK cho 9 lớp còn lại thì lãi sẽ "khủng" đến đâu?
Những câu hỏi chưa thể có ngay lời đáp, còn phụ huynh học sinh vẫn phải è vai gánh lấy giá SGK cao như hiện nay!
Bài: Lưu Nhi Dũ; đồ họa: Nguyên Lâm
Nguồn: Báo điện tử Người Lao Động
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC