Năm ấy, tôi một mình lên thành phố mang theo lời bố dặn: "Nhớ chơi với nhiều bạn vào con nhé!". Vì thế, khi vào đại học, tôi rất thích giao lưu, tham gia cùng lúc ba tổ chức đoàn thể, chỉ cần có hoạt động là tôi có mặt. Tôi luôn vui vẻ lưu số điện thoại của người khác. Có những lúc tôi còn rất tự hào về số lượng số điện thoại của mọi người mà mình lưu được.
Tôi rất nhiệt tình, chân thành với mọi người nhưng không hiểu sao luôn bị bỏ qua. Chỉ khi cần có ai đó làm việc vặt, họ mới nhớ ra trong hội còn có tôi. Khoảng thời gian đó, tuy thường xuyên có mặt tại những cuộc hội họp, nhưng tôi không bao giờ được cho vào bộ nhớ, mọi người cũng không chấp nhận làm bạn với tôi lắm.
Sau các hoạt động, người ở lại dọn dẹp vệ sinh luôn là tôi.
Một lần, tôi quen với một giáo viên trong trường. Là học sinh, tôi thật thà đến phòng của thầy vào lúc đêm muộn chỉ vì thầy bảo buổi tối thầy trực ban một mình ở văn phòng. Thầy nói chuyện với tôi rất lâu, cũng chẳng có gì đặc biệt, chỉ là vài câu chuyện xã giao ngắn ngủi. Thầy bảo tôi rằng thầy phụ trách công tác phát triển trường. Tôi chăm chú lắng nghe, trước khi về còn lưu số điện thoại của thầy, còn biếu thầy hai túi hoa quả mang theo.
Sau này, tôi phải viết đơn xin lên cấp. Vì không biết có thể lên mạng tải bản mẫu về, nên thằng ngốc như tôi đã gửi tin nhắn đến nhờ thầy giúp. Ông ta lạnh lùng trả lời gọn lỏn: "Tôi không rỗi."
Thực ra, trong rất nhiều trường hợp tôi đều đã từng gặp phải sự từ chối như thế. Tôi cứ nghĩ mình đã lưu số điện thoại thì ít nhất hai bên cũng có thể giúp đỡ lẫn nhau.
Nhưng tôi đã quên mất một điều rất quan trọng, đó là: Chỉ có bình đẳng trong quan hệ, mới có thể giúp đỡ lẫn nhau.
Câu chuyện có liên quan đến vị thầy giáo này vẫn chưa kết thúc. Vài năm sau, khi đã là một giáo viên tiếng Anh, tôi nhận được một cú điện thoại vào nửa đêm. Người gọi đến chính là vị thầy giáo năm xưa đó. Ông ta cười nói hỏi thăm tôi vài câu, rồi rất nhanh chóng đề cập đến chủ đề chính.
Thì ra ông muốn nhờ tôi giới thiệu cho một giáo viên tiếng Anh đáng tin cậy, hy vọng có thể dạy thêm cho con trai của ông ta. Thời gian đó, ngày nào tôi cũng phải lên lớp, ban ngày đã mệt hết cả hơi, buổi tối thì bận đến hoa mắt chóng mặt, lại nhớ đến quá khứ chẳng tốt đẹp gì, thế là tôi trả lời đối phó: "Để hôm khác em hỏi xem sao", rồi tắt máy luôn.
Tất nhiên, tôi chẳng giúp gì cho ông ta cả.
Sau này, khi chợt nhớ đến chuyện này, tôi luôn đặt câu hỏi: Vì sao tôi không giúp ông ta, hay nói cách khác, trước kia, vì sao ông ta không giúp tôi?
Câu trả lời rất đơn giản: Bỏ qua tình cảm của hai bên với nhau, điều kiện cơ bản để khiến người khác có thể giúp đỡ mình chính là mình có thể đáp lại họ điều có giá trị tương đương. Hay nói cách khác, ngày trước tôi là học sinh, không có cách nào đáp lại cho ông ta điều ông ta cần; sau này, tôi cũng không có nhu cầu làm gì liên quan đến việc ông ta giỏi nữa, ông ta cũng không có cách nào trả ơn tôi một cách xứng đáng, nên tôi không thấy cần quan tâm đến ông ấy
Hơn nữa, nền tảng tình cảm của chúng tôi xuất phát từ con số 0. Sự thật rất lạnh lùng, nhưng đây là sự thật.
Chúng ta thường tham gia vào các cuộc xã giao, nhưng không biết rằng, rất nhiều cuộc xã giao trên thực tế không để làm gì, như việc lưu lại số điện thoại của người khác, khi cần sự giúp đỡ, thì chỉ là mất công gọi một cú điện thoại mà thôi.
Có người bạn từng hỏi tôi rằng: "Mình có nhiều mối quan hệ xã hội, bạn bè cũng nhiều, vậy tại sao luôn cảm thấy ngày càng cô đơn, đến nỗi bây giờ rất nhiều việc đều chẳng có ai giúp đỡ?". Điều này khiến cô ấy rất buồn.
Tôi hỏi cô ấy: "Khi nói chuyện, mọi người thường giới thiệu cậu thế nào?"
Cô ấy bảo: "Bạn bè gọi tớ là Tiểu Bạch."
Tôi hỏi: "Thông thường họ giới thiệu những người giỏi giang như thế nào?"
Cô ấy trả lời: "Là nhà văn, chủ nhiệm, đạo diễn, giáo sư..."
Tôi bảo: "Thế nên cậu hiểu chưa?! Nếu bản thân cậu không giỏi, thì những quan hệ xã hội kia thực ra cũng vô nghĩa mà thôi. Chỉ có sự trao đổi bình đẳng mới có thể có được sự giúp đỡ hợp lí. Do đó, một khi cậu còn chưa đủ giỏi, chưa đủ ưu tú, thì chớ có lãng phí quá nhiều thời gian quý báu vào các cuộc xã giao, hãy dùng một ít thời gian để đọc sách nâng cao kỹ năng chuyên môn. Chúng ta đều đã từng tham gia vào một hội nào đó, rồi phát hiện ra rằng chẳng có gì để nói, thậm chí không biết nên làm gì, bởi lẽ tập thể ấy không thuộc về chúng ta. Phải biết rằng, chỉ có người ưu tú tài giỏi, mới có được quan hệ xã hội có ích."
Đừng cảm thấy thế giới này tàn khốc, đó chỉ là quy tắc của trò chơi...
Có sự trao đổi bình đẳng, thì mới có tình bạn hữu bình đẳng!
Vậy nên trước khi muốn có những mối quan hệ có ích, và một thành công vững chắc thì hãy tự giúp mình trở thành người hữu ích và là chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó.
*Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả Lý Thượng Long, được trích từ cuốn sách "Gọi là ổn định, thật ra là hoài phí cuộc sống"
Theo Trí Thức Trẻ
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC