Đầu tháng, sau khi lĩnh lương, chồng chị Hương đã rút ra 5 triệu tiền mặt, dự định cuối tuần cả nhà về thăm quê và biếu bố mẹ. Về nhà, anh đưa vợ giữ để chị chủ động chi tiêu, nhưng đếm đi đếm lại chị Hương vẫn thấy thiếu mất một tờ 200k mà chồng chị khẳng định anh chưa hề động đến số tiền đó từ lúc rút từ cây ATM.
Chị Hương đã thử tìm kiếm một vài chỗ thì bất ngờ thấy số tiền đó trong cặp sách của cậu con trai 8 tuổi. Nghe vợ nói, chồng chị vô cùng tức giận, lập tức muốn gọi con vào trách phạt nhưng chị Hương đã ngăn cản để làm theo cách của mình.
Trong bữa tối, người cha cố tình nói với mẹ: "Thật kỳ lạ. Ví của anh thiếu 200k một cách không thể giải thích được. Hay có kẻ trộm trong nhà mình? Chúng ta có nên gọi cảnh sát không nhỉ?"
Chị Hương thêm vào: "Anh có để tiền đâu đó xong quên không, ở dưới gối chẳng hạn? Ăn tối xong, anh vào tìm lại xem. Nếu vẫn không thấy thì mai mình báo cảnh sát cũng chưa muộn".
Cậu con trai nghe vậy mặt liền có chút biến sắc. Cậu lấy cớ đi vệ sinh rồi chủ động nhét lại tiền vào dưới gối của bố. Điều bất ngờ nữa là từ lần đó trở đi, vợ chồng chị Hương chưa bao giờ gặp tình huống tương tự nữa, đồng nghĩa là cậu con trai của họ đã thôi hẳn thói xấu của mình.
# Bài học hay cho phụ huynh khi phát hiện con cái trộm tiền
Trong thực tế, tình trạng trẻ tắt mắt lấy tiền của bố mẹ hoặc người khác không phải là hiếm hoi nhưng ít ai có thể bình tĩnh và xử lý một cách hiệu quả như người mẹ kể trên.
Ngược lại, khi trẻ mắc lỗi hoặc ăn cắp tiền của gia đình, tâm lý chung của nhiều bậc cha mẹ sẽ áp dụng các phương pháp giáo dục nghiêm khắc để mắng mỏ trẻ, thậm chí trừng phạt trẻ về mặt thể xác và tinh thần, tuy nhiên phương pháp này thường chỉ tạo ra “tác dụng ngược”.
Trẻ còn nhỏ, chưa đủ kinh nghiệm và nhận thức, thiếu khái niệm về tiền bạc và tiêu dùng nên rất dễ bị tác động bởi môi trường xung quanh, dẫn đến sai lầm. Khi đối mặt với sự cám dỗ của thế giới bên ngoài, trẻ có thể không cưỡng lại được sự cám dỗ và tiêu dùng không hợp lý. Và khi túi tiền của trẻ không đủ để trẻ “tiêu xài”, trẻ có thể chọn cách ăn trộm tiền của bố mẹ hoặc ai đó nếu nhìn thấy.
Khi đó, việc cha mẹ chỉ trích quá gay gắt dễ dẫn đến việc trẻ trở nên nổi loạn, thậm chí hành động tiêu cực hơn.
Vậy khi trẻ mắc lỗi ăn trộm tiền của gia đình, cha mẹ phải làm gì? Cách làm của chị Hương ở trên là một ví dụ đáng học hỏi. Hành vi ăn cắp của trẻ quả thực cần bị phê phán, nhưng cha mẹ không nên trực tiếp mắng mỏ, giáo dục trẻ mà dùng những phương pháp “gợi ý” để nhắc nhở trẻ đã mắc lỗi.
Nó cho đứa trẻ cơ hội thừa nhận lỗi lầm của mình và sửa chữa, điều này không những không làm tổn hại đến lòng tự trọng của đứa trẻ mà còn khiến đứa trẻ nhận thức được lỗi ăn cắp tiền của mình.
# Tại sao trẻ ăn trộm tiền? Phụ huynh cần nắm bắt lý do để ngăn chặn hành vi hiệu quả
1. Nhu cầu của trẻ quá lớn
Sự nuông chiều của cha mẹ quá lớn khiến con cái muốn gì cũng được, cứ thích là mua, dẫn đến việc hình thành quan niệm tiêu dùng sai lầm và nhu cầu quá mức của trẻ.
Và khi “tài sản” mà trẻ có không đủ để đáp ứng nhu cầu của trẻ, trẻ có thể sử dụng sai cách để thỏa mãn bản thân và trộm tiền là một cách dễ dàng để đáp ứng nhu cầu đó.
2. Trẻ em tiêu dùng không hợp lý
Trẻ chưa tự hình thành quan niệm tiêu dùng đúng đắn được và nếu không được bố mẹ hướng dẫn kịp thời sẽ dẫn đến việc trẻ tiêu dùng không hợp lý. Khi túi tiền của trẻ không đủ tiêu dùng, cộng với việc cha mẹ hạn chế đối với trẻ thì trẻ rất dễ ăn cắp tiền.
3. Một số trẻ em không có ý thức về quyền tài sản
Một số trẻ chưa ý thức được việc lấy tiền của người khác là sai, mà các em chỉ nghĩ đơn giản là đồ trong nhà mình, của bố mẹ mình thì mình được phép sử dụng một cách vô tư.
Hậu quả là trẻ càng ngày càng phạm sai lầm và lấy tiền của gia đình nhiều hơn, đến khi cha mẹ mắng mỏ, trẻ có xu hướng cãi lại và chống đối.
Trên thực tế, trẻ ăn cắp đồ là do cha mẹ không tạo cho trẻ những hành vi và quan niệm tiêu dùng đúng đắn, khiến trẻ mắc sai lầm. Quan niệm tiêu dùng sai lầm là nguyên nhân chính khiến trẻ trộm tiền.
# Làm thế nào để cha mẹ trau dồi "khái niệm tiêu dùng" đúng đắn cho con cái?
1. Dạy học cách "suy nghĩ chín chắn" trước khi tiêu tiền
Cha mẹ nên tập cho trẻ thói quen “nghĩ hai lần” trước khi quyết định mua hoặc xin bố mẹ mua một cái gì đó, tức là yêu cầu trẻ suy nghĩ nhiều hơn trước khi tiêu tiền.
Ngoài ra còn có ba câu hỏi cần hướng dẫn trẻ tự trả lời để suy nghĩ xem mình có thực sự nên mua món đồ đó không, đó là: Món đồ đó có cần thiết không? mua nó có ý nghĩa không? và có đủ khả năng chi trả hay không?. Bằng cách này, trẻ có thể học được cách tiêu dùng hợp lý hơn.
2. Cho trẻ tiền tiêu vặt cũng cần phải có “chiến lược”
Cha mẹ không nên cho con tiền tiêu vặt một cách vô cớ, muốn bao nhiêu thì tiêu bấy nhiêu, hoặc hứng lên thì cho con mà không có lý do chính đáng, khiến trẻ sẽ hình thành thói quen xấu là tiêu tiền quá tay và không biết quý trọng đồng tiền.
Vì vậy, cha mẹ cần có phương pháp cho con tiền tiêu vặt một cách khoa học hơn, chẳng hạn một tuần chỉ được nhận bao nhiêu tiền, khi nào thì có thể cho thêm, tiêu như thế nào thì được chấp nhận, tiêu sai sẽ cắt tiền... Những nguyên tắc chặt chẽ và quyết đoán như vậy sẽ giúp trẻ phải học cách săp xếp chi tiêu hợp lý, đồng thời còn có thể phát huy được kỹ năng dự trù và lên kế hoạch tài chính, hoạch định tài sản của riêng mình.
3. Chúng tôi không cần nó, không phải là "không thể mua được"
Nhiều bậc cha mẹ thích nói với con cái rằng "chúng ta không đủ tiền" hay "chúng ta không có tiền”... khi muốn từ chối con điều gì. Tuy nhiên, điều này dễ ảnh hưởng đến quá trình rèn luyện tài chính của trẻ, thậm chí khiến trẻ cảm thấy tự ti.
Vì vậy nếu món đồ không cần thiết, cha mẹ nên nói rõ lý do để thuyết phục trẻ. Tốt nhất bạn hãy để trẻ hiểu rằng bạn không mua cho con vì món đồ không hữu ích chứ không phải họ không thể mua được. Điều này cũng giúp những em bé gia đình giàu có nhìn nhận được nguyên tắc tiêu dùng, kể cả khi mình có tiền rủng rỉnh cũng không được tiêu xài quá đà mà chỉ mua khi thực sự cần thiết.
Theo V.K - Vietnamnet
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC