Tỷ phú công nghệ người Nga: ''Mỗi chúng ta đều có cơ hội hiện thực hóa bất kỳ ý tưởng nào''

Tỷ phú công nghệ người Nga: ''Mỗi chúng ta đều có cơ hội hiện thực hóa bất kỳ ý tưởng nào''

Những câu nói ấn tượng của tỷ phú công nghệ duy nhất của Nga, cha đẻ của Vkontakte và Telegram, ngôi sao công nghệ đầy cá tính...có thể giúp các bạn trẻ chiêm nghiệm những điều hữu ích.

132 1 Ty Phu Cong Nghe Nguoi Nga Moi Chung Ta Deu Co Co Hoi Hien Thuc Hoa Bat Ky Y Tuong Nao

Ảnh vk.com/durov

Về chủ kiến của bạn

Chỉ 10% mọi người là có quan điểm riêng. Những người khác chỉ đơn giản là lặp lại những gì đã đọc ở đâu đó… Bạn có nhớ những lần, khi ý kiến của bạn hoàn toàn trái ngược với ý kiến của mọi người? Đấy là những khoảnh khắc quý nhất, cần nắm chặt bằng mọi giá. Thế giới quanh ta đang phát triển nhanh đến mức những chân lý mà lâu nay mọi người tin đang trở thành sự nhạo báng đối với thực tế, ngay trước mắt chúng ta. Chống lại tiếng ồn xung quanh là kim chỉ nam vững chắc cho tất cả những ai muốn đóng góp đáng kể vào sự phát triển của nhân loại.

Lắng nghe tiếng nói bên trong của bạn không có nghĩa là điếc trước ý kiến của người khác. Tuy nhiên, đừng cố gắng dân chủ với những người quanh bạn – lời nói của một nhà tư tưởng, người thay đổi thế giới, có ý nghĩa gấp trăm lần so với lời nói của một kẻ rỗi hơi trên đường với quyền được nói của mình. Nhưng quan trọng nhất vẫn là ý kiến của riêng bạn. Đối với nhân loại và tất cả chúng ta, niềm tin của bạn vào một con đường khác quan trọng hơn nhiều so với khả năng của bạn để thích ứng và lặp lại tiếng vọng vô vị của những người theo chủ nghĩa tuân thủ.

Về khả năng tập trung

Khả năng tập trung vào một việc trong nhiều giờ là một thói quen ngày càng hiếm trong thời đại di động và trực tuyến của chúng ta. Nhưng chính kỹ năng này là cần thiết cho bất kỳ sự đột phá nào về trí tuệ, sáng tạo hoặc tinh thần. Tương lai thuộc về những người có khả năng miễn nhiễm với các loại bẫy công nghệ được giăng ra để bắt sự chú ý, và giữ được khả năng tập trung trong một thời gian dài.

Về tiền bạc

Trong hơn 10 năm – kể từ khi còn là một sinh viên nghèo – tôi luôn nhắc đi nhắc lại: tiền được định giá quá cao, bởi vì sáng tạo thú vị hơn nhiều so với tiêu dùng, và trạng thái bên trong quan trọng hơn bên ngoài. Ngay khi bạn sùng bái tiền bạc và đánh đổi “là” với “tỏ ra”, thì bạn đang tự nguyện trở thành nô lệ. Nợ nần vì những món đồ hào nhoáng để chứng tỏ địa vị, công việc nhàm chán với những kẻ hèn nhát, bắt buộc phải nói dối và phản bội thế giới của mình – đó chỉ là một phần cái giá mà bạn phải trả cho sự ham muốn quá mức những tờ giấy bạc.

Đối với tôi, tiền là một đơn vị hoàn toàn ảo, vô nghĩa khi xem xét tách biệt khỏi những thứ thực sự quan trọng. Tham gia vào cuộc đua này để chứng minh điều gì đó với ai đó, khách quan mà nói, là một việc vô ích. Tuy nhiên, nó cũng chưa phải là môn thể thao tệ nhất.

Về Steve Jobs

Steve Jobs không chỉ là một nhà phát minh, doanh nhân hay nhà thiết kế. Trước hết, ông là một người tự do. Thoát khỏi gánh nặng của những định kiến mà xã hội loài người đã tích tụ và phát triển. Trong tất cả các lĩnh vực hoạt động của mình, con người này đã can đảm phá vỡ những quy tắc dường như không thể lay chuyển đối với những người xung quanh. Là người theo đạo Phật, người Syria khi sinh ra, Steve Jobs đã không có nỗi sợ hãi chính của văn minh phương Tây – sợ cái chết. Ông nói rằng sự khước từ và không hiểu cái chết ngăn cản chúng ta – những người Âu – trở nên tự do thực sự.

Steve cũng không có một đặc điểm khác của ý thức phương Tây – mong muốn sắp xếp mọi thứ vào trật tự. Ông xa lạ với sự tách biệt nghiêm ngặt giữa khoa học và nghệ thuật, kinh doanh và tôn giáo, báo cáo tài chính và trình diễn. Ông sở hữu một nhận thức phương Đông, thống nhất, phức tạp về thế giới, trái ngược với truyền thống của khoa học, văn hóa và giáo dục phương Tây. Steve Jobs là Leonardo da Vinci của thời đại chúng ta.

Về sự hoài nghi

Những người hoài nghi, những người duy vật, những trí thức trong bếp, là những người không chắc chắn về bất cứ điều gì ngoài một điều: các vấn đề là vĩnh cửu, thế giới rất phức tạp, mọi thứ đều đã được quyết rồi. Sự không tin tưởng vào khả năng thay đổi thế giới này còn tệ hơn cả sự lười biếng, say xỉn hoặc nghiện ma túy. Vì đó là nguyên nhân gây ra chúng. Sự hoài nghi thường được trình bày dưới chiêu bài “kinh nghiệm”, “vốn sống” hoặc logic; thường được ngụy trang bằng những dòng chữ “cách này không chuyên nghiệp”, “không ai làm thế” hoặc “không chấp nhận được”. Ngày nay chúng ta biết rằng cái gì cũng có thể thay đổi, và mỗi chúng ta đều có cơ hội hiện thực hóa bất kỳ ý tưởng nào.

Về lợi ích của tuổi trẻ

Nói chung, những người trẻ nhanh hơn, tài năng hơn, nhiều năng lượng hơn những người già. Ít thành kiến hơn, ít những nỗi sợ mơ hồ, ít muốn giải quyết các vấn đề không có thật… Trong hàng nghìn năm, con người sinh ra là những người khổng lồ, và xã hội biến họ thành những người lùn. Thế hệ của chúng ta đã khác. Chúng ta sẽ không từ bỏ ước mơ của mình cho dù ý kiến của người khác có ầm ĩ thế nào. Và chúng ta sẽ không đánh đổi sự sáng tạo, tìm kiếm và tinh thần tự do để có được tiện nghi của một thế giới nhỏ bé của những xúc xích và TV.

Về lợi ích của sự cô đơn

Giá trị của giao tiếp bị thổi phồng. Một giờ cô đơn hiệu quả hơn một tuần nói chuyện.

Về trật tự và hỗn loạn

Người ta tin rằng trật tự luôn tốt và hỗn loạn luôn xấu. Đây là một trong những ảo tưởng, vì thế mà nhân loại phải chịu đựng sự đàn áp, trì trệ và chiến tranh trong suốt một nửa thế kỷ 20. Trên thực tế, cơ sở của bất kỳ cuộc tìm kiếm, khám phá, đổi mới sáng tạo nào đều là sự hỗn loạn. Cái mới chỉ có thể được sinh ra từ hỗn loạn – từ sự không tương thích ngoài tính toán và bất ngờ với những gì đã quen thuộc. Tất nhiên, trong điều kiện mất trật tự tuyệt đối, thì “cái mới” này không có cơ hội để có được chỗ đứng vững chắc và hữu ích; do đó, cần có sự cân bằng giữa hỗn loạn và trật tự. Nhưng không có một chút hỗn loạn, thì sự tiến bộ hoàn toàn dừng lại.

Về các vấn đề và giải pháp

Hầu hết các vấn đề quanh ta hoặc không thể giải quyết được về nguyên tắc, hoặc tự giải quyết mà không có sự tham gia của chúng ta.

Về bộ máy quan liêu

Một cấu trúc quan liêu, được thiết kế để chống lại một thứ gì đó, khó có thể loại bỏ được gốc rễ của vấn đề. Xác suất lớn hơn là nó sẽ âm thầm khuyến khích những gì mà lẽ ra nó phải chống lại. Vì chỉ bằng cách này, nó mới có thể mở rộng ảnh hưởng và tăng chi tiêu cho mình.

Về cạnh tranh

Có hai cách để đáp trả cạnh tranh. Thứ nhất là cải thiện bản thân và sản phẩm của bạn. Thứ hai là cố gắng làm hại đối thủ. Về lâu dài, phương pháp đầu tiên có kết quả, phương pháp thứ hai thì không. Ngay khi bạn chuyển trọng tâm từ phát triển bản thân sang đối thủ, bạn đã để sự sợ hãi họ chui vào trong bạn. Bạn sẽ vô thức tiến đến những gì bạn sợ. Sợ hãi là một loại tiên tri tự hoàn thành.

Về rượu và thuốc lá

Về mặt hóa sinh, rượu và nicotin cũng là những chất gây nghiện như cocaine và cần sa. Tôi không bị thu hút bởi ngân sách quảng cáo của những kẻ buôn ma túy, những thứ hủy hoại tâm trí và sức khỏe của người Nga.

Về tương lai của giáo dục

Tương lai của giáo dục trung học nằm trong các loại game: máy tính, thể thao, trí tuệ.

Về việc học ngôn ngữ

Trong tất cả các ngôn ngữ tôi đã dành thời gian học, chỉ có đầu tư vào tiếng Anh là được đền đáp. Nên tập trung vào nó.

Về thay đổi và tốc độ

Mọi thứ đều có thể được thực hiện một cách nhanh chóng. Tôi đã xây dựng phiên bản đầu tiên của VKontakte vào năm 2006 trong một tháng. Nó bắt đầu phát triển ngay lập tức. Trái với suy nghĩ thông thường, hóa ra một việc được thực hiện hoặc nhanh và chất lượng, hoặc lâu và dở. Những thứ “cần” thì phải làm nhanh. Cùng với VKontakte vào năm 2006, một số trang web khác cùng kiểu cũng xuất hiện. Bây giờ chúng đi vào lãng quên chỉ vì VKontakte phát triển nhanh hơn.

Về việc kiêm nhiệm

Kết hợp nhiều vai trò là hiệu quả. Những tháng đầu tiên của VKontakte, tôi đã viết code, đồ họa, từ ngữ, giao diện, tiếp thị. Sự kết hợp này giúp loại bỏ việc lãng phí thời gian cho giao tiếp.

Về trực giác

Bạn chỉ nên lắng nghe trực giác của mình. Bất cứ khi nào tôi nghe theo ý kiến của “người lớn và thông tuệ”, tôi chỉ phí thời gian. Nếu bạn cảm thấy cần phải làm gì, hãy bỏ qua ý kiến của những người uy tín.

Trong những tình huống cực đoan, chỉ niềm tin của một người là đủ cho những thay đổi ở bất kỳ quy mô nào. Của bạn chẳng hạn.

Về sự tin tưởng

Không nên tin ai 100%. Không quan trọng bạn nghĩ ai đó đáng tin cậy đến mức nào hay bạn đã biết họ bao nhiêu năm – các vấn đề chính yếu cần được kiểm soát bởi chính bạn.

Về nỗi sợ hãi

Sợ hãi là vô nghĩa. Trong quá trình quản lý VKontakte, đã có đủ thứ – các cuộc tấn công DDoS, khởi tố hình sự, chiến tranh cổ đông, hỏng máy chủ, chiến tranh truyền thông, kiện cáo, mưu mô. Cảm xúc là thứ phi năng suất – hãy làm những gì cần làm.

Về tính năng

Điểm nhấn nên tập trung vào các cô gái xinh đẹp. Nếu họ đến, các chàng trai sẽ tập hợp lại và cố gắng tỏ ra họ thông minh như thế nào. Đây là điều quan trọng nhất ở tất cả các loài động vật có vú. Hễ có những cô gái sẽ có một đấu trường, và sẽ có khán giả. Ý kiến của họ về các tính năng này khác luôn quan trọng đối với tôi: nếu các cô gái thích nó, thì những người còn lại sẽ sử dụng.

Phan Phương Đạt(Dịch từ bài Павел Дуров: «Игнорируйте мнение авторитетов» trên HBR Russia, có bổ sung thêm từ nguồn khác)

Nguồn: vietnamnet.vn


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan