Vì sao chúng ta làm tổn thương người mình yêu, nhưng lại mỉm cười với người mình không thích?

Vì sao chúng ta làm tổn thương những người mình yêu mến, nhưng lại giả bộ mỉm cười với những người mình không thích? Đó là bởi chúng ta chỉ dám làm tổn thương những ai chịu tha thứ cho mình.

Vì sao chúng ta làm tổn thương người mình yêu, nhưng lại mỉm cười với người mình không thích? - 0

Một cô bạn của tôi ấm ức chia sẻ rằng mối quan hệ của mẹ con cô giống như nước với lửa…

Cô nói: “Càng ngày mình càng không muốn nói chuyện với mẹ. Khoảng cách thế hệ của 2 mẹ con mình cách nhau quá xa. Mình làm gì thì mẹ cũng luôn có lý do để ngăn cản. Mỗi lần tranh luận với mẹ, mình đều cảm thấy rất ấm ức. Mình luôn tự hỏi ông Trời rằng vì sao mình phải làm con của bà? Và vì sao người phụ nữ mang thai 9 tháng 10 ngày để sinh mình lại là bà?”

Tôi cũng từng trải qua những cảm xúc tương tự.

Năm 18 tuổi, rất nhiều lần tôi tự nhủ với lòng rằng: Tương lai nhất định mình sẽ không như mẹ!

Trong mắt mọi người, tôi là một cô gái dịu dàng, có hiểu biết. Tôi luôn cư xử hoà ái, chưa từng nói một lời ác ý với ai. Nhưng không hiểu sao mỗi lần về thăm nhà, thì một người cả năm không tranh luận lấy một lần như tôi lại liên tục cãi lại mẹ, và hầu như ngày nào hai mẹ con cũng có những ý kiến bất đồng.

Ví dụ, mẹ kiên quyết yêu cầu tôi ăn sáng, trong khi 10h tôi mới ngủ dậy. Hay như việc tôi vốn quen thức khuya, vậy mà cứ vài phút là mẹ lại tới phòng ngủ giục tôi đi nghỉ sớm, khăng khăng bảo tôi tắt đèn thì bà mới chịu ra ngoài. Khi đọc sách tôi thường rất chăm chú và không muốn bị quấy rầy, nhưng cứ một lúc mẹ lại vào phòng, thúc giục tôi ngủ sớm đi…

Hơn hai mươi năm qua, tôi và mẹ đã có vô số lần to tiếng vì những chuyện vụn vặt này. Đáp lại lời nhắc nhở của mẹ, tôi thường tỏ ra gay gắt: “Mẹ đừng can thiệp việc riêng của con được không?”, “Mẹ đừng phiền phức như vậy chứ!?”, “Mẹ đừng có quản con!”…

Một lần, tôi không giữ được bình tĩnh đã buông ra những lời vô tình: “Giữa mẹ và con có khoảng cách thế hệ, không thể cùng chung tiếng nói!”.

Tôi biết rằng những lời ấy sẽ khiến mẹ đau lòng, nhưng tôi lại lạnh lùng tự nhủ rằng mẹ là người có trái tim quá mong manh, hễ mình nói vài câu gay gắt là mẹ lại mặt mày ủ dột. Ngày hôm sau, tôi thấy nick chát của mẹ đổi thành 4 chữ: “Khoảng cách thế hệ”, bất giác trong lòng tôi trào dâng lên nỗi ân hận sâu sắc.

Vì sao chúng ta làm tổn thương người mình yêu, nhưng lại mỉm cười với người mình không thích? - 1

Trong mắt mọi người tôi là một cô gái dịu dàng, nhưng tôi lại thường xuyên khiến mẹ phải đau lòng. (Ảnh dẫn theo blog.naver)

Với những người thân yêu nhất, tôi dễ dàng buông ra những lời ác ý, biến lời nói thành mũi dao sắc nhọn làm thương tổn trái tim họ. Nhưng trước mặt những người tôi không ưa, tôi lại có thể biến thành cọng cỏ ngả theo chiều gió. Mặc dù trong lòng đang hậm hực, tôi vẫn làm ra vẻ tươi tỉnh và nói “không có gì”. Sau khi bị châm chọc, tôi vẫn có thể kìm nén cơn giận để nhẹ nhàng “xin lỗi” đối phương.

Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp giữa người với người, nhưng chúng ta lại dùng để làm tổn thương nhau

Một cô bạn thân khác của tôi là người rất thẳng tính, dẫu cãi nhau với ai cũng không biết kiêng nể là gì. Với bạn trai cũng vậy, mỗi khi có điều không vừa ý cô lại buông ra những lời nói phũ phàng. Anh ấy đã phải nhẫn nhịn và bao dung cô hết lần này tới lần khác. Nhưng rồi cũng đến một ngày anh không thể chịu đựng thêm nữa, và thế là hai người chia tay.

Sau này, khi đọc lại những dòng tin nhắn cũ, cô mới giật mình nhìn lại. Cô không dám tin rằng mình đã từng thốt ra những lời lạnh lùng như gươm đao đến vậy! Chúng giống như những cái gai sắc nhọn, từng cái từng cái găm sâu vào trái tim, để lại những vết thương không bao giờ lành được.

Chúng ta cho rằng, thời gian qua đi sẽ xoá nhoà tất cả, những lời nói sắc nhọn rồi cũng tan đi như mây khói, và sau cuộc tranh cãi nảy lửa thì hai người lại hòa thuận như thuở ban đầu. Kỳ thực, từng cái gai sắc nhọn ấy dẫu đã được nhổ ra, thì vết thương vẫn còn nguyên vẹn. Lần sau lại cãi nhau, vết thương mới lại chồng lên vết thương cũ, nỗi đau trong lòng lại càng thêm nhức nhối.

Vì sao chúng ta làm tổn thương người mình yêu, nhưng lại mỉm cười với người mình không thích? - 2

Từng cái gai sắc nhọn dù đã được nhổ ra, nhưng vết thương vẫn còn đó. Ảnh dẫn theo Phununews.vn

Đôi khi, trong tâm biết rõ rằng đã sai, nhưng chúng ta vẫn tìm lý do bao biện cho chính mình

Một người bạn kể với tôi rằng, trong suốt 3 năm bên nhau, bạn trai đã tặng cho cô rất nhiều món quà khác nhau, từ đôi dép vải, bình giữ nhiệt mùa đông, cho tới dây chuyền và thậm chí cả điện thoại. Nhưng mỗi lần cãi vã cô lại trách móc: “Anh chưa từng tặng em một bông hồng nào cả. Yêu nhau 3 năm trời mà chỉ đi xem phim được một lần, em thấy thật ấm ức!”

Cô thú nhận rằng, dẫu nói ra những lời như vậy nhưng trong lòng cô hiểu rõ rằng “mình là người có phúc mà không biết hưởng”…

Có lần xem ảnh trên Facebook của một người bạn, cô vô tình nhìn thấy bức ảnh bạn trai đang thở dài khi cãi nhau với mình. Lý do cụ thể là gì cô cũng không còn nhớ, nhưng chắc chắn anh đã phải chịu rất nhiều thiệt thòi. Có lẽ nỗi tổn thương ấy quá sâu sắc mới đủ khiến một người đàn ông phải ứa lệ hoen mi.

Có câu nói rằng: “Lời nói không là dao, mà cắt lòng đau nhói; lời nói không là khói, mà khoé mắt cay cay”. Trong lúc giận dỗi, chúng ta luôn tìm cách làm tổn thương lẫn nhau, dùng lời nói để lấn át đối phương, nhưng chúng ta không biết rằng, kỳ thực, mình mới là người thua cuộc về tình cảm.

Vì sao chúng ta làm tổn thương người mình yêu, nhưng lại mỉm cười với người mình không thích? - 3

“Lời nói không là dao, mà cắt lòng đau nhói; lời nói không là khói, mà khoé mắt cay cay”. (Ảnh dẫn theo Pinterest)

Khi yêu thương lấp đầy trái tim thì mâu thuẫn nào cũng trở thành bé nhỏ

Khi chúng ta buông ra những lời băng giá, thì chỉ những người luôn yêu thương ta, những người mang trái tim chân thành mà bao bọc chở che cho ta, mới dễ dàng bị những lời vô tình ấy làm buốt nhói tâm can.

Thiết nghĩ, khi hai người hoán đổi vị trí cho nhau mà nhìn nhận thì mọi mâu thuẫn đều sẽ hoá giải. Hai người hãy thử nhìn sự việc ở một góc độ của đối phương, chứ không chỉ dựa trên quan niệm cố hữu của bản thân mình, chúng ta hãy xem đối phương có cảm nhận giống như mình đang nghĩ hay không?

Nếu như người mẹ trong câu chuyện kể trên biết đặt mình ở vị trí của con gái và tôn trọng quyết định của con nhiều hơn, thì có lẽ bà sẽ không ép con mình phải từ bỏ thói quen để làm theo những điều bà mong muốn.

Và nếu cô gái cũng đặt mình ở vị trí của mẹ, sẽ thấy thấu hiểu và trân trọng hơn tình yêu mà mẹ dành cho mình.

Vì sao chúng ta làm tổn thương người mình yêu, nhưng lại mỉm cười với người mình không thích? - 4

Khi yêu thương lấp đầy trái tim thì mâu thuẫn nào cũng trở thành bé nhỏ. Ảnh dẫn theo dongcam.vn

Khi yêu thương lấp đầy trái tim thì mâu thuẫn nào cũng trở thành bé nhỏ.

Thay vì bực dọc và buông ra những lời lẽ vô tình, cô có thể nhẹ nhàng bày tỏ sự biết ơn với mẹ để mẹ hiểu về cảm nhận và những điều mình mong muốn.

Kỳ thực, khoảng cách giữa cha mẹ và con cái cũng giống như hai nửa đen và trắng. Nhưng chẳng phải hai nửa đen trắng ghép lại sẽ thành một hình tròn viên mãn hay sao?

Bởi chúng ta là những mảnh ghép còn thiếu của nhau trong cuộc đời này, vậy điều gì có thể kết nối các thế hệ với nhau, có thể dung hòa mọi sự khác biệt? Đó chính là tình yêu, là đạo lý làm người.

Nếu chúng ta đều giữ trọn bổn phận của mình, trân quý và tôn trọng sự khác biệt của người khác, chúng ta sẽ trở nên tinh tế hơn và tình yêu của chúng ta sẽ khiến người khác ấm lòng.

Hai người bạn gái của tôi cũng vậy, chúng ta hãy hạ bớt cái tôi của mình xuống, bớt mong ngóng và hy vọng người khác phải chiều theo ý mình. Làm được vậy thì có lẽ những lời sắc nhọn sẽ được thu về đúng lúc. Thi thoảng hãy thử đặt mình ở vị trí của người bạn trai mà cảm nhận, chúng ta sẽ biết trân trọng hơn tình cảm mình đang có, sẽ học được cách thấu hiểu và mang đến niềm vui cho cả hai.

Quả đúng như lời ông cha đã dạy: Tiên trách kỷ hậu trách nhân. Khi mâu thuẫn xảy đến, trước khi muốn trách móc người khác theo phản xạ tự nhiên, chúng ta hãy thử tìm cho mình một khoảng lặng, và nhìn sâu vào trong tâm hồn mình.

Như vậy, lời giải cho những mối quan hệ tốt đẹp chẳng phải đều bắt nguồn từ sự tu dưỡng của mỗi cá nhân hay sao? Hóa ra ngọn nguồn của tình yêu và hạnh phúc lại nằm sẵn trong trái tim và khối óc của chúng ta vậy.

Nguồn: Dkn.tv


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan