Hoàng Yến (25 tuổi, sống tại TP.HCM) đang vui vẻ tận hưởng kỳ nghỉ phép tại Singapore.
Cô chia sẻ bức ảnh chụp cùng chú sư tử biển ở vịnh Marina trên Facebook kèm chú thích đầy tiếc nuối rằng chỉ còn 2 ngày nữa sẽ phải về lại Việt Nam. Bức ảnh ngay lập tức đón nhận hàng chục “like” từ bạn bè của cô. Nhiều người cũng không quên để lại những “comment” như “Nhớ mua quà cho tui nha bà!”, “Ghé XYZ mua giúp chị mấy cái ABC nha!”… Đọc xong mấy lời nhắn nhủ trên, Hoàng Yến chỉ biết lẳng lặng trốn khỏi Facebook, giả vờ như chưa đọc thấy gì và tận hưởng nốt 2 ngày còn lại của kỳ nghỉ trước khi về Việt Nam.
Còn Bằng Kiều (28 tuổi, Việt kiều Mỹ) chua xót kể lại trường hợp “nhờ mua giúp” mà cô gặp phải: “Trước khi tôi về Việt Nam, bà con cô bác bạn bè cũng đòi quà, gửi mua đồ tùm lum. Nhưng đáng nhớ nhất là có một người thân trong họ hàng đã nhờ tôi “mua giúp” mấy kí-lô chocolate của một thương hiệu mà theo người đó bảo là ở Việt Nam không có. Do lâu rồi không về nước nên tôi cũng tin vậy và mua giúp dù biết chắc sẽ bị quá ký hành lý. Nhưng khi kể chuyện này cho một người bạn thân ở Việt Nam, bạn ấy đã đi ra siêu thị và chụp ảnh lại quầy chocolate đúng thương hiệu đó gửi cho tôi xem. Tôi xem ảnh xong mà buồn muốn khóc khi biết mình bị chính người thân lừa chỉ vì tiết kiệm vài trăm ngàn tiền Việt cho họ”.
Câu chuyện của Hoàng Yến và Bằng Kiều chỉ là hai trong vô số những trường hợp những người đi nước ngoài sắp về Việt Nam bị người thân, bạn bè vòi vĩnh, gợi ý mua quà, nhờ mua giúp cái này, cái kia… Không ít người trong chúng ta cũng đã từng là nạn nhân của những vụ “đòi quà” như thế. Không những thế, nếu quan sát trên các mạng xã hội, chúng ta còn dễ dàng nhận ra mỗi lần có người nào đó trong danh sách bạn bè ở nước ngoài báo tin sắp về Việt Nam thì y như rằng bao giờ cũng có những người nháo nhào vào đòi quà lộ liễu hoặc trá hình dưới hình thức “nhờ mua giúp”.
Đáng nói là trong số những vụ “đòi quà” mà người viết bài từng chứng kiến thì phần lớn những vụ “đòi quà” là xuất phát từ việc chạy theo phong trào, từ lòng tham hoặc thói sính hàng ngoại hơn là nhu cầu thực tế.
Những người “đòi quà” chắc không biết rằng không phải ai đi nước ngoài, dù đi du lịch ngắn ngày hay định cư hẳn cũng đều giàu có, dư dả như tưởng tượng của họ. Nhiều người đi du lịch nước ngoài bằng tiền dành dụm cả năm trời, thậm chí là cả đời họ. Nhiều người mang mác Việt kiều nhưng còn sống cực khổ hơn người ở quê nhà bởi chi phí sinh hoạt ở nước ngoài đắt đỏ nhưng khi gọi về hỏi thăm gia đình hay tán gẫu với bạn bè đều phải nói dối rằng cuộc sống sung sướng lắm cho người ở nhà yên tâm. Để có những ngày trở về quê hương, sum họp cùng gia đình, Việt kiều cũng phải làm quần quật rồi tích lũy bao lâu. Những người Việt Nam đi du lịch cũng phải sắp xếp và tiết kiệm hết mức mới có được kỳ nghỉ như mong đợi.
Những người “đòi quà” chắc không biết rằng quà cáp mua ở nước ngoài không phải rẻ như mua sỉ ở chợ Kim Biên (Việt Nam), một thỏi sô-cô-la người ta mua về mà mình xầm xì chê ít có giá trị bằng tiền ăn cả một ngày của họ.
Thiết nghĩ, những người thích “đòi quà” trước khi muốn đòi hỏi một điều gì từ người khác thì bản thân nên thử đặt mình vào hoàn cảnh của người bị đề nghị mua giúp – mua cho. Nếu là bạn, bạn có cảm thấy thoải mái để làm những việc mà bản thân mình đòi hỏi người khác phải làm cho mình hay không. Giữa không gian đáng lẽ mà bạn cần được nghỉ ngơi, thư giãn và tận hưởng thì bạn có sẵn lòng đánh đổi để dành nó đi mua sắm, chọn lựa và xách khệ nệ về nhà cho người khác hay không?
Còn những người ở nước ngoài có lẽ nên hạn chế bật mí với mọi người kế hoạch trở về của mình, trừ những người sẽ ra đón bạn tại sân bay để tránh gặp phải những phiền phức vì bị “đòi quà”. Nếu có những người vô tình biết được kế hoạch trở về của bạn và “đòi quà” thì đừng vì cả nể hay sỉ diện mà tiếp tay cho thói hư tật xấu của họ, hãy khéo léo từ chối một cách dứt khoát. Nếu bạn thực sự dư dả thì cũng còn rất nhiều người khác xứng đáng để có quà – những người thật sự nghĩ cho bạn và quan tâm đến cảm xúc của bạn.
Để khép lại bài viết này, tác giả xin mượn lời chia sẻ của một Facebooker : “Ai xa quê cũng khát khao được trở về, được ăn canh chua cá kho, cà pháo mắm tôm, được hít hà mùi rơm mùi rạ hay thậm chí là cái mùi khói xe ở xứ mình, tiếng còi bin bin, xe máy chạy đầy đường đi xa sao mà nhớ. Họ trở về với cái tình, cái nhớ thì mình cũng hãy đáp lại với mong cái chờ, mong chờ tình thân, tình bạn, tình nghĩa chứ không phải trông chờ những chai nước hoa xách tay, những món quà Mỹ, quà Tây.
Đừng làm những chuyến hồi hương của những người con xa quê thêm nặng gánh ưu phiền, hãy để hành lý trở về của họ chỉ nặng mỗi nỗi nhớ và niềm thương”.
*Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC