7 ngày trước, khi ca sĩ Thủy Tiên bắt đầu kêu gọi quyên góp để ủng hộ giúp đỡ những người dân chịu ảnh hưởng của lũ lụt ở miền Trung, công chúng đã ngỡ ngàng khi có 2 tỷ đồng đổ về tài khoản chỉ 2 giờ sau đó. Rồi mọi người đi hết từ ngỡ ngàng này đến ngỡ ngàng khác khi con số tăng thành 22 tỷ trong chưa đầy 2 ngày, và đến chiều 20/10, sau 6 ngày, nữ ca sĩ cho biết số tiền cô nhận được đã là hơn 100 tỷ đồng.
Một con số thật sự gây choáng váng và khó tin, khiến câu chuyện quyên góp ủng hộ vùng lũ của Thủy Tiên trở thành hiện tượng mà nhiều người tìm cách lý giải. Từ trước đến nay chưa có cá nhân nào quyên được số tiền lớn trong thời gian ngắn đến như vậy. Ngay cả với các tổ chức, cơ quan, đoàn thể, đây cũng là con số không dễ vượt qua. Trong đầu mọi người hiện lên câu hỏi: Vì sao, nhờ đâu mà cô ấy có thể kêu gọi được số tiền “khủng khiếp” đến thế?
Hình ảnh gây xúc động mạnh của Thủy Tiên trong chuyến cứu trợ.
Điều ai cũng nhận thấy là người Việt Nam đầy lòng trắc ẩn và không hề keo kiệt khi có người cần giúp đỡ trong cơn hoạn nạn. Tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách thể hiện rõ trong mọi trường hợp đã xảy ra trong thực tế. Những hoàn cảnh éo le, khó khăn đặc biệt khi được đăng tải trên báo hay mạng xã hội đều nhanh chóng nhận được sự ủng hộ tiền bạc từ khắp nơi, thậm chí người được giúp còn “chê nhiều” và từ chối nhận thêm, hoặc san sẻ cho người khác.
Thế nhưng, không phải lời kêu gọi quyên góp nào cũng có hiệu quả như nhau. Với cá nhân, mức độ nổi tiếng của người đứng ra kêu gọi là yếu tố quan trọng, bởi thông điệp có cơ hội được lan tỏa rộng hơn, nhưng “hiện tượng Thủy Tiên” cho thấy nó không phải là tất cả. Trong showbiz Việt, Thủy Tiên không phải là người có lượng fan lớn nhất, cũng không phải nghệ sĩ có cát sê cao nhất. Nhiều nghệ sĩ “quyền lực” hơn cô cũng kêu gọi ủng hộ dân vùng lũ, nhưng số tiền họ nhận được ít hơn cô mấy chục lần.
Tôi nghĩ, mấu chốt ở đây chính là niềm tin và khả năng truyền cảm hứng. Khi số tiền quyên góp lên đến hàng tỷ đồng, câu hỏi “tiền đi về đâu, được dùng làm gì, có bị xà xẻo không?” luôn được đặt ra.
Trong suốt thời gian qua, có quá nhiều vụ việc lợi dụng việc chia tiền từ thiện để làm bậy ở các địa phương. Nhiều cán bộ xã, thôn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để phân phát tiền không đúng đối tượng, phát cho họ hàng mình trong khi họ hoàn toàn không cần đến số tiền này. Không ít lần họ còn thu bớt số tiền lại ngay sau khi phát cho dân nghèo.
Nhưng Thủy Tiên đã nhận được sự tin tưởng cực lớn, bởi chính cô liều mạng lăn sả vào vùng lũ, lặn ngòi ngoi nước bê từng thùng mỳ đi cứu trợ đồng bào ở nơi mà nguy cơ bị lũ cuốn trôi, bị vùi lấp do sạt lở luôn chực chờ. Chuyến đi đó không chỉ là vất vả, mà là nguy hiểm, thậm chí cả về tính mạng.
Cô không phải chỉ đến một thôn, một xã, chụp ảnh quay phim trong một hai ngày rồi về, cô đi cả tuần liền, sau đó mới về lại thành phố để giải quyết các việc cần kíp rồi quay trở lại cứu trợ tiếp.
Hình ảnh Thủy Tiên gầy rộc, tóc tai bết nước, mặt xạm lại, tranh thủ uống sữa trên thuyền cứu hộ, hay bộ dạng bơ phờ nhợt nhạt của cô khi đứng ăn mỳ gói trong chiếc áo mưa, có sức mạnh hơn tất cả trong việc lấy niềm tin của cộng đồng.
Người ta không chỉ tin cô không biển thủ tiền từ thiện mà quan trọng hơn, họ tin cô đi cứu trợ vì cái tâm thực sự, chứ không phải làm màu. Điều đó giúp cô trở thành người truyền cảm hứng, người lan tỏa thông điệp yêu thương, tương thân tương ái mạnh mẽ nhất bằng sự dấn thân của mình.
Bởi vì, cái người ta chuyển vào tài khoản của Thủy Tiên không chỉ là tiền, mà còn là niềm tin và tình yêu thương.
Bạn có đồng tình với ý kiến trên? Hãy chia sẻ ở box bình luận phía dưới.
TRẦN LINH
Nguồn: vtc.vn
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC