Các bậc phụ huynh – dẫu có bộn bề chuyện áo cơm, chuyện lợi danh – cần phải chậm lại để giúp con cái mình “bình tĩnh sống”.
Có lần ngồi ăn cỗ cùng một người bạn, chị hỏi tôi con cái thế nào.
Tôi vui vẻ kể về các con của mình, trong đó có một đứa làm hoạ sĩ. Khi biết con tôi sống bằng nghề vẽ, chị tỏ vẻ ngạc nhiên: “Vẽ vời linh tinh mà cũng sống được à? Thằng con tôi cũng vẽ đẹp lắm nhưng tôi cấm tiệt, vẽ vời chơi bời mất thời gian còn học hành gì, sau này lớn lên đi đổ rác à!”.
Tối hôm sau tôi kể cho con gái mình câu chuyện đấy.
Con tôi ôm lấy mẹ thỏ thẻ: “Con cám ơn ba mẹ vì đã lắng nghe con, nếu mẹ cũng giống cô ấy chắc con chết mất!” Nghe con cái nói chuyện sống chết vì chuyện ba mẹ không lắng nghe mình, có người cứ nghĩ là câu bông đùa của trẻ con khờ dại “nói mà không biết nghĩ”. Thế nhưng chỉ trong một năm, tôi đau lòng chứng kiến 3 đứa trẻ lìa trần vì cảm thấy cô độc, không ai lắng nghe mình.
Trường hợp thứ nhất là cậu thanh niên 22 tuổi.
Ở cái tuổi trẻ che, xót xa khi cậu ấy chọn cách nhảy lầu để tự giải thoát mà không để lại một chút mang mối nào. Chỉ biết rằng trước khi tự sát, người ta thấy cậu thường buồn bã, ít nói. Cậu sống một mình, chưa có người yêu, còn ba mẹ cậu ly hôn và chọn cho mình mỗi người một gia đình mới.
Người thứ hai cũng là một cậu thanh niên mới 19 tuổi.
Quặng lòng đi đọc lá thư tuyệt mệnh cậu để lại, rằng cậu trượt tốt nghiệp và không thể đáp lại sự mong mỏi của bố mẹ – trở thành một đứa con thành đạt, làm rạng rỡ gia đình. Cậu bé quá áp lực và đã “từ bỏ”, kể cả sinh mạng của mình.
Cô bé thứ ba chỉ mới 16 tuổi, đang tuổi mộng mơ yêu đương nhưng bị bố mẹ cấm đoán. Cô bé chọn cách giải thoát đau đớn bằng việc tẩm xăng và tự thiêu.
Ngọn lửa tàn nhẫn không chỉ thiêu cháy cuộc đời một cô bé ở tuổi trăng tròn, mà đốt cháy cả tâm can của những người làm cha, làm mẹ với sự cắn rứt, hối hận muộn màng khi không lắng nghe con, tâm sự với con và cùng con tìm ra một giải pháp vẹn tròn.
Tôi đã suy nghĩ rất nhiều sau mỗi lần chứng kiến “người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh”.
Vâng! Chính xác là một cảm giác đầy trăn trở, không giống như khi chứng kiến cái chết vì bệnh tật, tai nạn thình lình ở một gốc phố nào đó.
Tôi cố đi sâu vào từng câu chuyện để cảm nhận sự bế tắc của những đứa trẻ chỉ mới ở tuổi đôi mươi, độ tuổi mà lẽ ra chúng còn phải trải qua nhiều biến cố và thử thách khắc nghiệt hơn mà cuộc đời sẽ dạy chúng. Ấy vậy mà, chúng lại phải tuyệt vọng trước những người thương yêu chúng nhất trên đời.
Sự ra đi của 3 đứa trẻ là một hồi chuông cảnh tỉnh, là một kinh nghiệm đầy ray rứt và xót xa để các bậc phụ huynh – dẫu có bộn bề chuyện áo cơm, chuyện lợi danh – cần phải chậm lại để giúp con cái mình “bình tĩnh sống”.
Xin hỏi, có bao nhiêu bậc phụ huynh dành thời gian quan tâm, lắng nghe, chia sẻ, khuyên dạy con mình một cách kiên nhẫn? Có bao nhiêu bậc làm cha mẹ để ý đến đời sống tinh thần của con, thay vì chỉ cố bồi đắp cho chúng những chiếc điện thoại thời thượng, đôi giầy đắt tiền, hay chiếc xe sang trọng?
Hồi các con tôi còn đi học phổ thông, đặc biệt là giai đoạn tuổi dậy thì, điều khó khăn nhất mà tôi từng cố gắng làm cho bằng được, đó là sống với con như “một người bạn”.
Để bọn trẻ tin tưởng, tâm sự chuyện ở lớp ở trường, chuyện bạn bè, chuyện ước mơ là cả một nghệ thuật và sự kiên nhẫn.
Đặc biệt, các con tôi đã từng có những người bạn đồng trang lứa gặp vấn đề tâm lý và có ý định tự sát nhiều lần, nên tôi càng sát sao, gần gũi để con luôn an tâm rằng chúng không bao giờ cô độc, chúng chưa và sẽ không bao giờ phải đối diện khó khăn, sóng gió một mình.
Thậm chí, tôi hiểu con và còn lắng nghe chúng kể về bạn bè của chúng, cùng chúng “hành động”, đánh động các phụ huynh của bạn bè con tôi để giúp chúng vượt qua những khó khăn về đời sống tinh thần.
Con tôi dần trưởng thành, và tôi học được bài học từ những ngày “bầu bạn với trẻ”.
Tôi không biết và cũng không đặt nặng thế nào là thành đạt với con, chỉ biết khi nhìn con mình hạnh phúc, dẫu không xe đẹp nhà to áo quần lộng lẫy, là tôi cảm thấy mãn nguyện.
Hạnh phúc và thành đạt là những khái niệm đầy mơ hồ, không thể dùng hư danh hay tiền của để đo đạt.
Hạnh phúc và thành đạt sẽ đến với con cái bạn bằng nhiều cách khác nhau, nhưng tuyệt đối không đến bằng con đường đòn roi, ép buộc, cấm đoán. Bất giác giật mình vì đã đẩy con cái vào đường cùng, thì cũng là lúc nước mắt cạn vì con đã lìa trần.
Trầm cảm, cô đơn là một nguyên nhân phổ biến dẫn đến tự sát ở trẻ. Khi phát hiện con bị bệnh cần sát sao kiên nhẫn và đưa con đi bác sĩ tâm lý để chạy chữa. Đừng để mặc các con với bạn bè hay một mình cô đơn với tâm trạng bị bỏ rơi. Các hiện tượng trầm cảm có thể tìm hiểu và tự kiểm tra qua mạng Internet. |
Thiên Nga
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC