- Cuộc sống của chị trong nước thế nào khi chưa thể về Mỹ do dịch?
- Tôi về nước quay game show và điều hành hoạt động kinh doanh công ty từ tháng 2, đã mua vé về Mỹ vào ngày 18/3 để kịp chạy show. Khi dịch bùng phát giữa tháng 3, tôi suy nghĩ rất nhiều và hỏi bạn bè, đồng nghiệp bên đó, ai cũng nói tình hình khá căng thẳng. Tôi tự đặt nhiều tình huống để đưa ra lựa chọn. Nếu ở Việt Nam, tôi được gần con gái, họ hàng. Nếu về Mỹ chỉ một thân một mình, lỡ có chuyện gì xảy ra, sẽ không ai bên cạnh. Lúc đắn đo, tôi liên tục nhận email hủy lịch trình ở Mỹ. Loạt show quan trọng từ tháng 5 đến tháng 9 đều dừng vô thời hạn. Cuối cùng, tôi quyết định bỏ vé máy bay. Đến giờ, tôi thấy chọn ở lại quê nhà là đúng đắn nhất.
Từ trước đến nay, tôi và con gái Phi Anh coi nhau như bạn. Sau tốt nghiệp đại học, con chọn về nước làm việc cho một tập đoàn nước ngoài. Đó là lý do tôi bay về Việt Nam thường xuyên. Nói vui là mẹ chạy theo con.
Trước dịch, hai mẹ con ít thời gian bên nhau vì Phi Anh đi làm suốt ngày. Trong giãn cách, con chủ yếu làm việc tại nhà nên mẹ con có nhiều thời gian tâm sự và đi chợ nấu ăn. Gần 20 năm, nhất là sau biến cố hôn nhân, tôi mới được xách giỏ đi chợ ở quê hương và ngắm nhìn mọi thứ xung quanh. Chúng tôi dành nhiều thời gian tận hưởng cuộc sống, cùng xem phim, thảo luận các vấn đề vướng mắc.
- Thu nhập của chị bị ảnh hưởng thế nào?
- Ảnh hưởng rất nhiều. Không thể lên sân khấu biểu diễn, tất cả dự án đều dừng lại đồng nghĩa tôi không có nguồn thu. Hầu hết tiền tôi giữ ở ngân hàng bên Mỹ, nhiều khoản chi tiêu trong nước không thể xài thẻ bên đó. Tôi hoang mang, đôi khi mất phương hướng. Chi phí, nhà cửa, dịch vụ ở Mỹ vẫn phải chi trả mỗi tháng. Ở đây vẫn phải ăn uống, trang trải mỗi ngày.
- Chưa có show, chị thu xếp cuộc sống ra sao?
- Nếu cứ nghĩ mình là ca sĩ nổi tiếng, không thể ngồi xe ôm hay buôn bán nhỏ lẻ... tôi sẽ phải đối mặt với sự túng thiếu. Tôi mở công ty liên quan đến lõi lọc nước ở Việt Nam từ năm ngoái. Ngay khi giãn cách xã hội, tôi chuyển hướng sản xuất khẩu trang và gel rửa tay. Mỗi ngày, tôi thuê xe máy công nghệ xuống nhà máy theo dõi quy trình sản xuất, tự kiểm kê hàng và đóng gói.
Nhờ mạng xã hội và ủng hộ của bạn bè khắp thế giới, tôi nhận được nhiều đơn đặt hàng từ các tiểu bang ở Mỹ và châu Âu. Nhiều fan và bạn bè ở Việt Nam cũng đặt hàng tôi.
Dịch giúp tôi thay đổi nhiều về suy nghĩ lẫn cách sống. Bây giờ chi tiêu gì, tôi cũng suy nghĩ có nên hay không. Tôi nghĩ chỉ cần tươm tất là được, không nhất thiết phải bỏ ra vài nghìn USD mua một cái áo hay túi hiệu. Ngày xưa, hai mẹ con thích ăn nhà hàng đắt đỏ, giờ tôi nghĩ nấu ăn ở nhà vẫn ngon và đảm bảo nhất.
- Biến cố hôn nhân từng ảnh hưởng tâm lý chị thế nào?
- Sau ba lần tan vỡ, tôi từng hận những người cũ và tự hỏi bản thân đã làm gì sai để gặp nhiều chuyện buồn đến thế. Người hiểu mình sẽ cảm thông, động viên. Người không hiểu thì mỉa mai, cười cợt. Chẳng ai muốn đổ vỡ nhiều lần, người phụ nữ nào cũng muốn hạnh phúc, nhưng cuộc đời không như mơ. Tôi không thể đi giải thích với từng người vì sao tôi chia tay, quá sức chịu đựng ra sao.
Thấy tôi muộn phiền, bạn bè khuyên đến chùa nghe kinh Phật. Vài lần đầu tôi từ chối, nhưng sau lại đồng ý. Các thầy dùng chuyện đời nói về đạo, đạo làm vợ, làm chồng, cha mẹ và con... Tôi lần đầu biết đến những bài giảng về yêu, ghét và cách khiến tâm thân an lạc, buông bỏ hận thù.
Mỗi ngày lái xe đi làm, tôi đều mở những bài phật pháp. Tôi cũng học thiền, tu tập và dần vượt qua nỗi đau. Sau nhiều năm, tôi không còn hận những người cũ mà nghĩ đơn giản kiếp trước mình làm sai, kiếp này phải trả. Trả sớm thì dứt nợ, cho đi mới nhận lại. Nghĩ được vậy tôi thấy nhẹ nhàng, sống vui vẻ hơn.
- Chuyện tình cảm của chị hiện tại ra sao?
- Tôi có một người bạn, trò chuyện khá vui vẻ nhưng chỉ ở mức độ tìm hiểu. Tôi không dám nói trước điều gì lúc này vì sợ thêm một lần đổ vỡ. Dù vậy, tôi vẫn tin vào tình yêu. Nếu duyên đến, tôi sẽ nhận.
Thiên Lam thực hiện
Nguồn: VNexpress.net
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC