Vợ chồng tự chữa COVID trong căn hộ riêng. Anh luôn giữ tinh thần vui vẻ và cố nấu ăn để mau hết bệnh - Ảnh NVCC
"Quan trọng nhất là chế độ ăn uống, thuốc men đầy đủ, kèm theo đó là thái độ tích cực, bình tĩnh nhìn nhận tình hình sức khỏe để kịp thời tìm cách chữa trị. Đó là cách mà tôi và vợ đã vượt qua COVID-19" - anh Lê Duy Thanh (31 tuổi, ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM) chia sẻ.
Khi tôi sốt cao, cảm giác nóng, lạnh rất bất thường, nhiều thời điểm lạnh đến không chịu được. Nhưng tôi chỉ sốt cao một thời gian ngắn, rồi giảm dần và hạ sốt nhanh chóng những ngày sau đó.
Anh Lê Duy Thanh
Khi COVID-19 "điểm danh" mình
Suốt thời gian tự điều trị tại nhà, hai vợ chồng anh Thanh đã làm điểm tựa tinh thần cho nhau, cùng với đó là tình cảm hàng xóm, bạn bè khi liên tục tiếp tế gạo mì, thịt cá, trái cây, thuốc men và những lời động viên ân cần... Sau gần một tháng điều trị, vợ chồng anh được gỡ bỏ phong tỏa căn hộ trong cảm giác vui mừng chưa từng có.
Anh Thanh vốn là tài xế cho một tạp chí có trụ sở tại Q.1. Trong thời gian bùng phát đợt dịch thứ 4, anh dành hầu như toàn bộ thời gian ở trong nhà. Trong khi đó vợ anh công tác cho một công ty tại Q.3, hoạt động theo nguyên tắc "3 tại chỗ" để phòng dịch.
Ý thức được sự nguy hiểm của đại dịch, từ đầu tháng 5 anh đã gửi đứa con 3 tuổi về cho ông bà ngoại chăm sóc.
"Bệnh ập đến gia đình tôi cũng thật sự bất ngờ, bởi trước đó tôi và vợ đều đã test nhanh COVID-19 tại chung cư và công ty, kết quả cả hai đều âm tính. Ngày 18-7, chúng tôi test kết quả âm tính thì chỉ ba ngày sau vợ tôi có biểu hiện sốt, đau họng, lúc này cô ấy đã quay trở về chung cư ở chung với tôi" - anh Thanh chia sẻ.
Tuy nhiên, lúc ấy vợ anh Thanh vẫn không nghĩ rằng mình đã bị nhiễm COVID-19 cho đến đợt test toàn bộ cư dân đang sinh sống tại chung cư. "Đợt test nhanh ngày 18, ngày 23-7 và test PCR ngày 24-7 khẳng định vợ tôi đã bị nhiễm bệnh và chính thức là F0. Ngay sau đó, ngày 31-7 tôi bị sốt cao cùng nhiều triệu chứng bệnh điển hình của bệnh nhân COVID-19. Bản thân tôi biết mình đã nhiễm bệnh từ vợ rồi, và hành trình hai vợ chồng vượt qua F0 bắt đầu" - anh Thanh nhớ lại.
"Một phần do hai vợ chồng tôi còn trẻ và không có bệnh lý nền quan trọng nên không lo sợ lắm, một phần là thực phẩm và thuốc men được tiếp tế đầy đủ mỗi ngày nên yên tâm lắm, không hề sợ chết" - anh Thanh lý giải.
Thời gian đầu nhiễm bệnh, anh Thanh cho biết bản thân bị sốt cao, đau lưng, đau đầu nhiều và rất sợ mùi đồ ăn. Đó là điều kỳ lạ của trường hợp anh bị bệnh, trong khi rất nhiều người lại bị mất mùi. Những đồ ăn như heo, bò, cá anh đều ngửi thấy mùi rất hắc và cực kỳ khó ăn. Nhiều khi anh phải bịt mũi để cố nuốt thức ăn. "Ngay cả đến chuối mà tôi còn cảm thấy hôi là quá kỳ lạ. Phải nói là vợ chồng tôi ăn uống cực kỳ khó khăn, nhưng vẫn cố ăn để giữ sức khỏe, mau vượt qua bệnh thôi" - anh Thanh chia sẻ.
Khi bị sốt, anh uống thuốc hạ sốt, mặc đồ thoáng và ngủ không đắp mền. Hằng ngày, anh tăng cường uống vitamin C, D, E cũng như vắt cam uống để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Ngày 5-8, khả năng ngửi nếm mùi, vị của anh trở lại bình thường, nhưng cơ thể lại bắt đầu những cơn ho dai dẳng. Vài ngày đầu anh đau tức ngực, rồi giảm dần những ngày sau đó. Nhưng đến hôm nay, mặc dù đã âm tính, các cơn ho vẫn còn đeo đẳng theo anh. "Vợ tôi cũng bị như tôi vậy, nhưng không bị mất mùi vị và không ho. Cả hai tích cực chữa trị nên khoảng sau hơn một tuần thì dần giảm bệnh" - anh Thanh kể.
Lạc quan, thuốc men và ăn, ngủ đủ giấc
Anh Thanh cho biết trong đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 tại TP.HCM, chung cư anh bị phong tỏa hai lần. Lần thứ nhất, phong tỏa toàn bộ hai block nhà, lần hai chỉ phong tỏa block chung cư nơi anh ở. Trước đó, hàng chục ca nhiễm bệnh được phát hiện nên anh và bà xã cũng chuẩn bị cho tình huống cả hai bị nhiễm bệnh. "Chung cư có khoảng 15 căn hộ F0 trên tổng cộng khoảng 450 hộ. Nhờ các nhà hảo tâm hỗ trợ, nên chung cư có hơn 10 bình oxy để dự phòng, mang lên cho các bệnh nhân F0 nếu cần thiết" - anh Thanh kể.
Theo anh Thanh, bên phường và y tế cứ vài ngày lại gọi điện hỏi thăm tình hình sức khỏe của cả hai vợ chồng, nên anh cảm thấy rất an tâm và ấm áp từ tình cảm san sẻ của mọi người.
Anh đặt thực phẩm online và thuốc từ nhà thuốc đối diện chung cư. "Tôi chỉ cần đặt thuốc mình cần qua Zalo, chuyển khoản thì 10 phút sau họ đã giao tới cổng bảo vệ rồi mang đến tận phòng cho F0" - anh Thanh chia sẻ.
Nhờ bạn bè thân quen, anh được giới thiệu cho một bác sĩ công tác tại Bệnh viện Thống Nhất tư vấn từ xa trong thời gian điều trị. "Vì được điều trị tại nhà nên tôi và vợ cảm thấy vui vẻ và may mắn. Ở nhà thoải mái, tâm trạng tốt hơn nên ăn uống gì cũng có. Trước đó tôi cũng lo sợ chữa trị tập trung vì không gian chật hẹp và giờ giấc bữa ăn có thể bất tiện hơn. Nhà vệ sinh cũng có thể đông người phải chờ đợi nên cả hai vợ chồng đều cảm thấy thật sự may mắn khi cách ly tại căn hộ chung cư" - anh Thanh giãi bày.
Anh Thanh cho biết trong thời gian nhiễm bệnh anh vẫn cố gắng vận động, tập thể dục cũng như làm các công việc nhà như giặt đồ, lau nhà mà không cần nhờ đến vợ. "Những ngày khó ăn, tôi vừa bịt mũi vừa ăn, dở cũng nuốt. Ngửi đồ ăn mà mắc ói thì tôi cũng cố gắng mà ăn, tuyệt đối không bỏ buổi nào hết. Giữ tâm trạng vui vẻ, ngủ đủ giấc, ăn uống đầy đủ. Ba cái đó là quan trọng nhất giúp cả hai vợ chồng tôi nhanh khỏe" - anh Thanh chia sẻ.
Ngày 19-8, căn hộ của gia đình anh Thanh được gỡ phong tỏa sau khi vợ chồng anh có kết quả test âm tính. Hành trình vượt qua F0 của hai vợ chồng suôn sẻ với nhiều kỷ niệm khó quên. Anh Thanh hài hước cho biết đó là khoảng thời gian anh và vợ "chống giặc COVID-19" trong nhà, chỉ ló mặt ra ngoài để bịch rác mỗi lần cô lao công đến bấm chuông cửa.
"Ngoài sự nỗ lực của cả hai vợ chồng, chúng tôi cũng cảm ơn tất cả mọi người đã tiếp tế lương thực, tư vấn cách chữa trị để chúng tôi nhanh chóng vượt qua dịch bệnh. Tôi chỉ khuyên mọi người hãy thật sự bình tĩnh, ăn uống đầy đủ và điều trị theo hướng dẫn" - anh Thanh chia sẻ.
"Liều thuốc" nghĩa tình hàng xóm
Anh Thanh cho biết ban hậu cần của chung cư được thành lập để hỗ trợ những gia đình khó khăn và gia đình bị nhiễm bệnh. Lâu lâu gia đình anh lại được tiếp tế đồ ăn sáng như bánh bò, bánh ướt, bánh lá, bánh mì... Ngoài ra hàng xóm xung quanh cho thực phẩm như gà, heo và trái cây.
"Tận 15kg trái cây nên vợ chồng ăn hoài không hết. Dịch này mới cảm thấy được hết tình nghĩa của mọi người xung quanh dành cho hai vợ chồng mình. Đúng là trong khốn khó, tình người càng được thể hiện rõ hơn bao giờ hết. Hai vợ chồng rất biết ơn sự đồng hành, giúp đỡ của tất cả mọi người" - anh Thanh chia sẻ.
---
Suốt mấy tháng bão dịch, chàng trai trẻ xông pha đi làm việc thiện giúp người nghèo, và đến một ngày anh nhận lại... giấy xét nghiệm dương tính. Nhưng vừa hết bệnh, anh lại lên đường đi giúp người.
Kỳ tới: Hết là F0, lại đi giúp người
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC