Đột biến nguy hiểm của biến chủng Delta

Đột biến nguy hiểm của biến chủng Delta

Chỉ trong vài tháng, biến chủng Delta đã lấn át tất cả biến chủng virus khác. Lúc này, Delta đã trở thành chủng virus thống trị đại dịch ở gần như mọi lục địa trên thế giới.

Tốc độ phát triển và trở thành chủng virus thống trị đại dịch của Delta khiến các nhà khoa học lo âu trước khả năng biến đổi của virus, cùng những hậu quả chưa thể lường trước mà nó mang lại.

Khi mà vẫn còn hàng tỷ người chưa được tiêm vaccine khắp thế giới, virus tiếp tục có cơ hội để không chỉ lan rộng mà còn có thêm những đột biến mới.

Một số nhà khoa học hy vọng virus đã đạt đến ngưỡng tiến hóa cao nhất của nó, nhưng chưa có bất cứ bằng chứng nào cho thấy virus sẽ dừng biến đổi.

Vườn ươm nguy hiểm

Có nhiều hơn một yếu tố đã dẫn tới sự trỗi dậy của biến chủng Delta. Hành vi của con người là lý do đầu tiên. Ở nhiều quốc gia, biến chủng Delta trỗi dậy và lây lan như cháy rừng sau khi số ca nhiễm đã giảm xuống mức rất thấp, một số nơi là bằng 0.

Khi người dân trở lại cuộc sống gần như bình thường, các nhà hàng, quán bar, vũ trường, rạp phim đông đúc trở lại, người dân lơ là không còn đeo khẩu trang, không giãn cách xã hội, đó là lúc biến chủng Delta bùng lên, mang đại dịch thực sự trở lại.

Nam Á, Đông Á, Tây Âu và giờ là Bắc Mỹ, tất cả đều có một kịch bản tương tự, dịch bệnh bùng lên khi tưởng như nó sắp kết thúc. Lần này, kẻ thù là biến chủng Delta.

1 Dot Bien Nguy Hiem Cua Bien Chung Delta

Bãi biển tại Florida chật kín du khách đầu tháng 4. Ảnh: Reuters.

Nguyên nhân thứ hai là tiêm chủng không như kỳ vọng. Tại các nước giàu nơi vaccine dư thừa, một bộ phận không nhỏ người dân vẫn mang tâm lý chống vaccine. Ngay ở những nước như Mỹ, Đức, Pháp, Italy, vẫn còn khoảng 30% người dân chưa hề tiêm vaccine.

Còn tại các nước nghèo, câu chuyện hiển nhiên là không có đủ vaccine. Tại Đông Á, ngoại trừ Singapore và Trung Quốc, chưa quốc gia nào có số người đã tiêm ít nhất một liều vaccine đạt trên 50%, kể cả những nước như Nhật Bản hay Hàn Quốc.

Tình hình còn tồi tệ hơn ở châu Phi, nơi số liều vaccine đã được tiêm chiếm dưới 5% tổng số vaccine đã được sử dụng trên phạm vi toàn cầu.

Và bản thân Delta là một biến chủng đặc biệt. Việc Delta nhanh chóng thống trị trên toàn cầu là bằng chứng cho thấy đây là biến chủng rất khác. Các nhà khoa học hiện vẫn tiếp tục nghiên cứu để khám phá hoàn toàn bí ẩn phía sau sự khác biệt của biến chủng Delta.

Điều khiến các nhà khoa học lo lắng nhất hiện nay là virus corona cho thấy nó càng tồn tại lâu và lây lan giữa con người, nó càng trở nên nguy hiểm hơn.

Chủng virus ban đầu xuất hiện ở Vũ Hán có tỷ lệ R - tức tỷ lệ lây nhiễm - là khoảng 2,5. Tỷ lệ này có nghĩa mỗi người mắc bệnh sẽ lây truyền virus cho từ 2-3 người khác.

Tỷ lệ R lớn hơn 1 đồng nghĩa dịch bệnh đang lan rộng. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cho biết Delta có tỷ lệ lây nhiễm lớn hơn 5.

Độc lực mạnh hơn?

Các nhà khoa học hiện vẫn không chắc chắn Delta có độc lực mạnh hơn các chủng virus cũ hay không, bởi vẫn chưa có đủ bằng chứng.

Stephen Brierre, trưởng khoa điều trị tích cực Bệnh viện đa khoa Baton Rouge, bang Louisiana của Mỹ, cho biết triệu chứng suy hô hấp dẫn đến cần can thiệp bằng máy thở trên những người nhiễm biến chủng Delta đến sớm hơn.

"Từ những gì chúng tôi quan sát, họ dường như trở nặng nhanh hơn", ông Brierre nói.

Emily Tulle, y tá tại Trung tâm y tế Willis-Knighton cũng tại Louisiana, cho biết bà chứng kiến nhiều ca suy thận, suy gan, máu đông hơn từ khi biến chủng Delta trở thành chủng virus thống trị ở Mỹ. Nữ y tá nói có thêm nhiều bệnh nhân cần dùng máy thở hơn trước.

Trước đây, mỗi y tá ở Willis-Knighton phụ trách hai bệnh nhân trong phòng điều trị tích cực. Những tuần gần đây, "bệnh nhân ốm nặng đến mức cần điều trị 1-1", bà Tulle nói.

2 Dot Bien Nguy Hiem Cua Bien Chung Delta

Bên trọng khu điều trị tích cực ở bệnh viện Bergamo, tỉnh Lombardy, Italy. Ảnh: Sky.

Có nhiều bệnh nhân trẻ phải nhập viện và tử vong trong làn sóng dịch bệnh hiện nay hơn so với trước. Hiện tượng này không cá biệt ở riêng nước Mỹ, mà đang được ghi nhận trên phạm vi toàn cầu.

Dữ liệu từ các cơ sở y tế toàn cầu cho thấy tiêm chủng vẫn là tấm khiên bảo vệ hữu hiệu nhất. Dù vẫn có nguy cơ nhiễm virus, người tiêm vaccine được bảo vệ ở mức cao trước nguy cơ bệnh trở nặng hay thậm chí tử vong.

Các nhà dịch tễ học hy vọng với tỷ lệ tiêm chủng 70-80%, kết hợp cùng số người đã có miễn dịch tự nhiên nhờ từng nhiễm virus, dịch bệnh có thể được kiểm soát.

Tuy nhiên, một biến chủng như Delta với khả năng lây lan mạnh hơn đồng nghĩa nhân loại sẽ cần đạt tỷ lệ tiêm chủng cao hơn, ở ngưỡng 90%.

Ngay tại các nước phát triển như Mỹ, sẽ không dễ để đạt được con số 90% bởi tâm lý chống vaccine của bộ phận không nhỏ người dân. Trên phạm vi toàn cầu, chiến dịch tiêm chủng sẽ cần nhiều năm mới có thể đạt tỷ lệ như mong muốn.

Đột biến mã số P681R

Nhân loại chưa bao giờ có thể quan sát một loại virus tiến hóa một cách chi tiết như hiện nay. Công nghệ phân tích trình tự gene phát triển trong vài năm trở lại đây cho phép các nhà khoa học theo dõi sự biến đổi của virus theo giời gian thực, chứng kiến một chủng này tiến hóa thành một chủng khác.

Các nhà khoa học cho biết các đột biến của biến chủng Delta nếu nhìn qua thì không có gì nổi bật so với những biến chủng khác mà nó đã đánh bại. Thực tế, Delta còn không có một số đột biến giúp nó đánh lừa hệ miễn dịch như từng có trên các biến chủng Beta và Gamma.

Nhưng trên Delta, người ta phát hiện đột biến mã số P681R, đây có thể là chìa khóa cho sự thống trị của biến chủng này.

Virus corona xâm nhập vào tế bào con người qua hai bước, giống như đút chìa khóa vào trong ổ trước khi vặn để mở khóa.

Đa phần đột biến trên các "biến chủng đáng lo ngại" khác dường như giúp chìa khóa vừa vặn hơn so với ổ khóa, theo giáo sư Vineet D. Menachery, chuyên gia về virus tại Đại học Y Texas.

Tuy nhiên, đột biến P681R giúp chìa khóa mở khóa dễ dàng hơn. Đây là lý do biến chủng Delta xâm nhập rất hiệu quả vào bên trong tế bào của con người, ông Menachery cho biết.

3 Dot Bien Nguy Hiem Cua Bien Chung Delta

Virus SARS-CoV-2. Ảnh: Rawpixel.

Đa phần các nghiên cứu hiện tập trung vào gai protein, thứ giúp virus xâm nhập tế bào. Nhưng Delta có những đột biến ảnh hưởng lên các bộ phận khác của virus, đến nay chưa có nhiều nghiên cứu về những phần còn lại đã thay đổi ngoài gai protein, cũng như tác động của chúng lên cơ thể người.

Nevan Krogan, chuyên gia Viện Dữ liệu khoa học và sinh học Gladstone, cho biết biến chủng Alpha lây truyền mạnh nhờ có khả năng ức chế phản ứng miễn dịch tự nhiên của con người, thứ vốn là lớp phòng thủ đầu tiên trước virus. Ông Krogan và các cộng sự hiện tìm hiểu liệu biến chủng Delta có khả năng tương tự hay không.

"Khi các biến chủng xuất hiện, tất cả đều nói về gai protein. Rõ ràng gai protein có liên quan, nó giúp virus xâm nhập tế bào dễ dàng hơn, nhưng cũng có các đột biến khác mà bằng cách nào đó ức chế phản ứng miễn dịch", ông Krogan cho biết.

Giáo sư Menachery miêu tả biến chủng Delta là một "virus hợp thời", bởi nó xuất hiện và trỗi dậy vào đúng thời điểm có những điều kiện hoàn hảo để nó trở thành loại thống trị.

Câu hỏi hiện còn để ngỏ là liệu Delta đã là dạng thức hoàn hảo nhất của virus SARS-CoV-2, hay nó còn có thể có thêm những đột biến khác, khiến virus trở nên ghê gớm hơn.

"Delta làm tôi bất ngờ. Tôi chưa từng bất ngờ trước dịch cúm, hay Ebola", Trevor Bedford, chuyên gia về tiến hóa của virus tại Trung tâm nghiên cứu Fed Hutchinson, nói.

Ông Bedford cho rằng virus sẽ không thể cứ mãi mãi tiến hóa để trở nên nguy hiểm không có giới hạn. Đến cuối cùng, mọi sinh vật đều có một trần tiến hóa của mình.

"Nhưng hiện chúng ta chưa rõ trần tiến hóa của virus SARS-CoV-2 là gì", ông Bedford nói.

Theo Zing


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan