Hơn 5 triệu người trên thế giới đã chết vì Covid-19, song tỷ lệ tử vong đang có xu hướng giảm nhờ vắc xin (Ảnh: Reuters).
Theo số liệu thống kê của Reuters, tính đến ngày 1/10, số ca tử vong toàn cầu đã vượt mốc 5 triệu người. Số ca tử vong toàn cầu do Covid-19 mất một năm để chạm mốc 2,5 triệu người, và chỉ mất 8 tháng để ghi nhận thêm 2,5 triệu ca nữa.
Trong tuần trước, trung bình mỗi ngày thế giới ghi nhận 8.000 ca tử vong, tương đương cứ mỗi phút lại có 5 người chết vì Covid-19. Trong đó, Mỹ, Nga, Brazil, Mexico và Ấn Độ chiếm hơn một nửa.
Xét theo khu vực, Nam Mỹ ghi nhận nhiều ca tử vong nhất, chiếm 21% toàn cầu, tiếp đến là Bắc Mỹ và Đông Âu, mỗi khu vực chiếm hơn 14%.
Cuộc chiến ứng phó đại dịch của thế giới gặp nhiều trở ngại do sự xuất hiện của biến chủng Delta - biến chủng phát hiện lần đầu ở Ấn Độ và được cho là dễ lây lan hơn. Delta hiện vẫn là biến chủng trội toàn cầu. Nó đã xuất hiện ở 187 trong tổng số 194 quốc gia thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Tuy nhiên, những tuần gần đây, tỷ lệ tử vong do Covid-19 đã có dấu hiệu giảm nhờ chiến dịch thúc đẩy tiêm chủng vắc xin toàn cầu. Tại Ấn Độ, một trong những quốc gia đầu tiên bị tàn phá bởi Delta, số ca tử vong trung bình một ngày giảm từ 4.000 ca xuống còn chưa đầy 300 ca/ngày nhờ đẩy nhanh chương trình tiêm chủng.
Theo số liệu của trang Our World in Data, hiện nay, hơn một nửa dân số thế giới vẫn chưa được tiêm mũi vắc xin Covid-19 nào. WHO trong tuần này cho biết, chương trình chia sẻ vắc xin COVAX sẽ lần đầu tiên chỉ phân phối vắc xin cho các nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất thế giới.
"Với cơ chế cung cấp trong tháng 10, chúng tôi đã đưa ra một phương pháp khác, chỉ hướng đến những quốc gia có nguồn cung vắc xin thấp", bà Mariangela Simao, Trợ lý Tổng giám đốc WHO về Tiếp cận các sản phẩm y tế, cho biết.
Trên phạm vi toàn cầu, WHO đã đặt mục tiêu tiêm chủng ngừa Covid-19 cho 40% dân số của mỗi quốc gia vào cuối năm 2021 và 70% dân số của mỗi quốc gia vào giữa năm 2022. Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn một số quốc gia chưa triển khai tiêm mũi vắc xin nào trong khi một số nước đã bắt đầu chương trình tiêm chủng liều tăng cường, trong đó có Mỹ, Israel.
Để thu hẹp sự chênh lệch nguồn cung vắc xin, WHO nhiều lần kêu gọi các nước giàu hoãn chương trình tiêm liều tăng cường nhằm chia sẻ nguồn cung với các nước thu nhập thấp và trung bình để giúp nhanh chóng đẩy lùi đại dịch. Theo các chuyên gia, thế giới chỉ có thể đẩy lùi Covid-19 khi các nước cùng thoát đại dịch.
Minh Phương
Theo Reuters
Nguồn: Báo điện tử Dân trí
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC