"Quái vật" Delta có nguy cơ đẩy ngưỡng miễn dịch cộng đồng lên 80-90%

"Quái vật" Delta có nguy cơ đẩy ngưỡng miễn dịch cộng đồng lên 80-90%

Giới chuyên gia lo ngại, Delta - biến chủng mà Tổ chức Y tế Thế giới WHO đánh giá là dễ lây nhiễm - có thể đẩy ngưỡng miễn dịch cộng đồng lên 80%, thậm chí có khả năng là gần 90%.

1 Quai Vat Delta Co Nguy Co Day Nguong Mien Dich Cong Dong Len 80 90

Vắc xin là biện pháp hiệu quả nhất để đẩy lùi dịch Covid-19 (Ảnh: Reuters).

Bloomberg ngày 3/8 dẫn thông tin từ cuộc họp báo của tổ chức Hiệp hội các bệnh truyền nhiễm Mỹ cảnh báo rằng, sự lây lan của biến chủng Delta có thể đẩy ngưỡng miễn dịch cộng đồng lên trên mức 80% và có khả năng tiếp cận mốc 90%.

Con số trên "cao hơn nhiều" nếu so với ngưỡng miễn dịch mà giới khoa học ước tính trước đó, ở mức 60-70%, theo chuyên gia Richard Franco từ đại học Alabama (Mỹ).

Thuật ngữ "miễn dịch cộng đồng" dựa trên quan điểm rằng, khi một phần dân số nhất định có được miễn dịch với virus thông qua tiêm chủng hoặc thông qua việc nhiễm mầm bệnh trước đó, điều đó có thể làm giảm lây nhiễm và bảo vệ được cộng đồng dân số đó.

"Delta rõ ràng đang trở nên nguy hiểm, nguy hiểm hơn rất nhiều so với chủng virus ban đầu", ông Franco cảnh báo.

Trước đó, WHO đã cảnh báo rằng Delta hiện là biến chủng "dễ lây nhiễm nhất thế giới".

Miễn dịch cộng đồng dùng để chỉ việc phần đông dân số miễn dịch đối với một bệnh truyền nhiễm nào đó thông qua việc mắc bệnh và phục hồi để tạo kháng thể hoặc thông qua tiêm vắc xin.

Theo New York Times, kể từ khi dịch bắt đầu bùng phát hồi năm ngoái, nhiều nhà dịch tễ học hàng đầu thế giới, trong đó có tiến sỹ người Mỹ Anthony Fauci, ước tính rằng miễn dịch cộng đồng xảy ra khi 60-70% dân số ở một quốc gia, khu vực có miễn dịch với mầm bệnh. WHO trước đó cũng từng nhiều lần viện dẫn con số này khi đề cập tới viễn cảnh tương lai của dịch bệnh.

Hồi cuối năm ngoái, ông Fauci đã ước tính lại con số này, và cho rằng ngưỡng miễn dịch cộng đồng với Covid-19 có thể ở mốc từ 75% tới trên 80%.

Tuần trước, một tài liệu của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) chỉ ra biến chủng Delta sinh ra tải tượng virus tương tự tại nhóm người đã tiêm chủng so với nhóm chưa tiêm chủng. Điều này có nghĩa là, việc tiêm chủng giúp giảm khả năng mắc Covid-19, nhưng nếu bị mắc, người đã tiêm chủng rồi vẫn có khả năng lây lan mầm bệnh tương đương như người chưa tiêm chủng.

Ngoài ra, CDC Mỹ cũng cảnh báo, biến chủng Delta dễ lây lan hơn các virus gây dịch SARS, MERS, Ebola và các bệnh cúm theo mùa khác. Thậm chí, Delta dễ lây lan như bệnh thủy đậu. Cụ thể, một người nhiễm biến chủng Delta có thể lây bệnh cho trung bình 8-9 người. Với các chủng ban đầu, mỗi người bệnh chỉ lây lan virus cho khoảng 2 người, tương tự bệnh cảm cúm thông thường.

Mặc dù vậy, CDC Mỹ cũng công bố những dữ liệu cho thấy hiệu quả đáng khích lệ của việc tiêm vắc xin khi hơn 99,99% những người tiêm đầy đủ các mũi vắc xin sẽ không phải nhập viện hoặc tử vong khi mắc Covid-19 "đột phá", chỉ những ca nhiễm ở người đã được tiêm vắc xin đủ liều.

Đức Hoàng

Theo Bloomberg

Nguồn: Báo điện tử Dân trí


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan