Thuốc trị Covid-19 'giảm nửa nguy cơ nhập viện, tử vong'

Thuốc trị Covid-19 'giảm nửa nguy cơ nhập viện, tử vong'

Hãng dược phẩm Merck của Mỹ cho biết thuốc viên molnupiravir giảm gần một nửa nguy cơ nhập viện và tử vong vì Covid-19 trong một thử nghiệm lâm sàng.

Một hội đồng chuyên gia độc lập theo dõi thử nghiệm khuyến nghị hãng Merck dừng nghiên cứu sớm do kết quả tích cực của thuốc molnupiravir trong điều trị Covid-19, hãng dược phẩm Merck hôm nay cho biết trong thông cáo. Họ nhận định đây là bước quan trọng và đáng chú ý trong một nghiên cứu về dược phẩm.

Merck và đối tác Ridgeback Biotherapeutics cho biết họ sẽ nộp đơn xin cấp phép sử dụng khẩn cấp thuốc molnupiravir tại Mỹ. Đây là thuốc kháng virus đầu tiên đặc trị Covid-19, có thể dễ dàng kê đơn để ngăn các ca bệnh nhẹ và trung bình chuyển biến nghiêm trọng và được đánh giá là thành phần còn thiếu của kho vũ khí y tế chống nCoV.

Phương pháp điều trị sử dụng kháng thể đơn dòng có thể giúp bệnh nhân Covid-19 không phải nhập viện, song lại đắt tiền, sản xuất phức tạp và đòi hỏi phải truyền hoặc tiêm vào cơ thể. Vaccine Covid-19 có hiệu quả rõ rệt, nhưng chiến dịch tiêm chủng vẫn còn hạn chế tại một số nơi trên thế giới.

1 Thuoc Tri Covid 19 Giam Nua Nguy Co Nhap Vien Tu Vong

Thuốc trị Covid-19 molnupiravir của hãng dược phẩm Merck. Ảnh: Merck.

"Chúng tôi luôn tin rằng thuốc kháng virus, đặc biệt là loại dùng qua đường uống, sẽ góp phần quan trọng vào đối phó đại dịch", Daria Hazuda, phó chủ tịch Merck phụ trách nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm và vaccine, cho biết. "Việc giúp mọi người tránh nhập viện là vô cùng quan trọng do các biến chủng liên tục xuất hiện và virus tiến hóa không ngừng".

Dữ liệu nghiên cứu thuốc molnupiravir của Merck chưa được công bố trên tạp chí chuyên ngành hoặc được bình duyệt, song hãng dược phẩm đã bắt đầu sản xuất sản phẩm này.

Người sử dụng cần uống hai viên molnupiravir mỗi ngày trong liệu trình 5 ngày. Merck dự đoán khoảng 10 triệu liệu trình molnupiravir sẽ được sản xuất vào cuối năm nay. Chính phủ Mỹ đã đặt mua trước 1,7 triệu liệu trình molnupiravir với chi phí 1,2 tỷ USD.

Tác động lớn nhất của molnupiravir có thể được thể hiện ở phần còn lại của thế giới, nơi gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vaccine Covid-19 cũng như phương pháp điều trị bằng kháng thể đơn dòng. Merck đã cấp phép sản xuất thuốc cho 5 hãng dược Ấn Độ để tăng tốc độ phân phối đến các quốc gia thu nhập thấp và trung bình, nhiều nơi trong số đó có khả năng tiếp cận vaccine hạn chế.

Merck cho biết sẽ áp dụng phương pháp định giá theo cấp độ, nghĩa là bán molnupiravir với giá phù hợp với khả năng chi trả của từng quốc gia.

Thử nghiệm thuốc molnupiravir của Merck được tiến hành với 775 người mắc Covid-19 ở mức độ nhẹ và trung bình trên toàn cầu. Những người này có ít nhất một yếu tố có nguy cơ chuyển biến nặng như béo phì hoặc tuổi cao. Họ chưa được tiêm vaccine và bắt đầu dùng thuốc trong 5 ngày sau khi xuất hiện triệu chứng. Một nửa người tham gia nghiên cứu nhận thuốc molnupiravir và số còn lại dùng giả dược.

Không có ca tử vong nào trong nhóm dùng thuốc molnupiravir, song có 8 ca tử vong ở nhóm dùng giả dược. Tỷ lệ nhập viện và tử vong ở người dùng thuốc là 7,3%, bằng một nửa so với nhóm dùng giả dược. Kết quả cho thấy molnupiravir có khả năng bảo vệ đáng kể và cho phép hội đồng độc lập giám sát về an toàn đề nghị dừng thử nghiệm.

2 Thuoc Tri Covid 19 Giam Nua Nguy Co Nhap Vien Tu Vong

Daria Hazuda, phó chủ tịch Merck phụ trách nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm và vaccine. Ảnh: Nature.

Các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm và trên động vật cho thấy molnupiravir có thể hiệu quả với các biến chủng nCoV hiện nay, bao gồm Delta.

Không giống vaccine hay kháng thể, vốn tấn công vào protein gai trên bề mặt nCoV, molnupiravir gây ra các đột biến vô nghĩa khiến mã di truyền của nCoV bị sai lệch, ngăn virus nhân lên. Điều này cho phép thuốc có tính kháng đột biến cao hơn, thậm chí có thể chống các chủng nCoV hoặc virus khác.

"Đó là điều tôi cảm thấy đặc biệt thú vị với tư cách là một nhà virus học", Hazuda nói. "Chúng tôi đã chứng minh khả năng có một loại thuốc với tác dụng trên nhiều chủng nCoV. Tôi không nghĩ Covid-19 là đại dịch cuối cùng của chúng ta, nên việc có sẵn vũ khí ứng phó là điều thật tuyệt vời".

Pfizer cũng đang phát triển một loại thuốc kháng virus đường uống và thông báo họ đang triển khai thử nghiệm lâm sàng ở giai đoạn sau nhằm kiểm tra khả năng ngăn nhiễm bệnh đối với người phơi nhiễm nCoV. Các hãng dược Atea Pharmaceuticals và Roche cũng nghiên cứu một loại thuốc kháng virus đường uống khác.

Nguyễn Tiến (Theo Washington Post)

Nguồn: vnexpress.net


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan