Triệu chứng hậu COVID-19 có thể kéo dài từ 2-10 tháng

Triệu chứng hậu COVID-19 có thể kéo dài từ 2-10 tháng

Đây là kết quả của nghiên cứu do Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam thực hiện trên 17.000 người dân đã từng mắc COVID-19 và có những triệu chứng hậu COVID-19 như Bộ Y tế công bố.

1 Trieu Chung Hau Covid 19 Co The Keo Dai Tu 2 10 Thang

Bệnh nhân chữa trị tại Bệnh viện điều trị COVID-19 Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN

Kết quả cho thấy đa số bệnh nhân còn tồn tại triệu chứng hậu COVID-19 từ 2-5 tháng (chiếm khoảng 68%), 17,4% bệnh nhân có triệu chứng hậu COVID-19 kéo dài hơn 5 tháng và khoảng gần 5% bệnh nhân vẫn còn những triệu chứng này sau 10 tháng kể từ ngày có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19.

Nghiên cứu này cũng cho thấy bệnh nhân thường có từ 2-3 triệu chứng điển hình liên quan đến hậu COVID-19 trong số 203 triệu chứng mà Bộ Y tế đã xác định, chủ yếu tập trung ở nhóm bệnh lý liên quan đến tâm thần (chóng mặt, đau đầu, khó tập trung, mất ngủ...) và nhóm bệnh lý về hô hấp (ho, khó thở). Mức độ và thời gian bị triệu chứng COVID-19 kéo dài không liên quan đến thời gian bị nhiễm COVID-19.

Theo kết quả khảo sát, tỉ lệ nữ giới bị COVID-19 kéo dài có xu hướng cao hơn nam giới (nữ 64,63% và nam 35,37%). Đối với bệnh nhân giới tính nam, nếu thời gian mắc COVID-19 trên 14 ngày, có hút thuốc lá, uống rượu bia và không tập thể dục đều sẽ làm tăng nguy cơ kéo dài các triệu chứng hậu COVID-19.

Đặc biệt, kết quả nghiên cứu còn cho thấy xu hướng chăm sóc sức khỏe của người dân dịch chuyển dần theo hướng số hóa. 

Có đến 33% người bệnh có xu hướng chọn theo dõi thường xuyên và chăm sóc sức khỏe qua app điện thoại, gần bằng với tỉ lệ người dân lựa chọn biện pháp truyền thống là đến bệnh viện khám (36,3%). 

Đây có thể là một tín hiệu đáng mừng đối với ngành y tế khi người dân đã sẵn sàng với các dịch vụ y tế từ xa, giảm tải dần gánh nặng cho tuyến điều trị.

Qua đó, nhóm nghiên cứu đưa ra khuyến nghị đối với người dân đã nhiễm COVID-19: Cần tăng cường vận động thể chất và dinh dưỡng hợp lý, tìm hiểu thông tin qua nguồn chính thống, tránh tự sử dụng thuốc không có chỉ định (đặc biệt là kháng sinh), tránh sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc nam, thuốc dân tộc chưa được Bộ Y tế khuyến nghị cho điều trị hoặc hỗ trợ phục hồi hậu COVID-19. 

Đặc biệt là cần theo dõi thể trạng, lưu ý những hội chứng hiếm (tự miễn dịch, đau ngực kéo dài...) nhưng cũng tránh hoang mang, bối rối, dùng đủ loại thuốc khi không cần thiết.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan