Có người trả giá bằng sức khỏe, có người đánh đổi bằng thời gian, bằng sự bình yên, thanh thản và những giây phút sum vầy bên những người thân yêu.
1. Một cậu em tôi quen đang là bác sĩ và chuẩn bị được đề bạt lên trưởng khoa của một bệnh viện lớn.
Gia đình cậu là niềm mơ ước của nhiều người, vậy mà cậu đã gác lại mọi thứ để sang Mỹ học tiếp lên thạc sĩ. Mục tiêu sau khi học xong, cậu sẽ tìm việc để ở lại rồi đưa vợ con sang.
Không có tiền sẽ khó sống. Nhưng có nhiều tiền có chắc sẽ hạnh phúc hơn? (Ảnh minh hoạ)
Trong khi cậu vừa học vừa cật lực "cày" để có tiền, thì vợ cậu, một bác sĩ trẻ triển vọng ở một bệnh viện khác đang cặp kè cùng người mới.
Lúc cô ấy rảnh thì ở bên trời kia anh đi học, đi làm và ngược lại, nên họ khó có dịp thấy mặt nhau, dù phương tiện liên lạc không thiếu. Có những tin nhắn vợ gửi đang lúc bức xúc, mãi sau mới được anh trả lời, trong khi phụ nữ hay ấm ức vì những thứ vụn vặt không tên. Tôi nghĩ, nếu được an ủi đúng lúc, hẳn cô ấy đã không mỏi mệt đến độ tìm đến một bờ vai khác.
Cậu bạn rõ ràng không sai, cậu phải bôn ba sấp mặt nơi xứ người để dọn sẵn một tương lai tươi sáng của cả nhà, lỗi của cậu có chăng chỉ là không thể kề cận chăm sóc, vỗ về chia sẻ sớm hôm, để vợ một mình lo cho hai con còn nhỏ, thêm mẹ chồng đã bệnh nằm một chỗ lại khó chiều.
2. Hai năm trước, tôi bất ngờ nghe tin chị Thy sang Mỹ.
Chị là chủ một shop thời trang mà tôi hay ghé mua. Nhiều lần trò chuyện trong lúc ghé mua đồ, chị không giấu tham vọng xuất cảnh bằng mọi giá rồi đưa chồng con sang.
Chồng chị là thầu xây dựng có tiếng trong vùng, chị đang sở hữu shop thời trang với vài căn hộ cho thuê, cuộc sống tưởng chẳng thể viên mãn hơn. Vậy mà vì ước mong đổi đời hơn nữa, chị sang Mỹ theo diện kết hôn giả. Sang được hơn năm, chị mua lại một tiệm nail, các con cũng lần lượt sang với chị. Lấy lý do không thích ở Mỹ, chồng chị cứ lần lữa không đi.
Điều gì đến phải đến, chồng chị có nhân tình. Không biết đoạn kết gia đình chị có hội ngộ ở xứ thiên đường không, nhưng những người ngoài cuộc đều thấy trước sự rạn vỡ mà chị có khi đã biết, nhưng vẫn phải chấp nhận, vì không còn đường lui.
3. Chị họ tôi ở quê cả đời chẳng đi đâu quá xa khỏi nơi sinh sống, nói gì đến du lịch.
Thế nhưng căn nhà nhỏ nằm lọt thỏm giữa mấy luống rau lẫn mấy khóm hoa chồng chị trồng luôn đầy ắp tiếng cười và những câu trêu đùa nhau của đôi vợ chồng ngấp nghé lục tuần.
Khuôn mặt đã sạm đi vì mưa nắng, đuôi mắt hằn sâu vết chân chim, nhà cũng chẳng có gì đáng giá ngoài những vật dụng cơ bản, nhưng chẳng bao giờ thấy chị phiền muộn hay giận hờn ai.
Hồi còn trẻ, anh từng vài lần từ bỏ cơ hội đi làm xa, để được ở bên vợ con. Có người chê anh không giỏi bươn chải nên nghèo, nhưng điều đó không mảy may ảnh hưởng đến hạnh phúc của họ. Câu nói cửa miệng của chị được chúng tôi xem như phương châm sống: "Cái gì cũng phiên phiến thôi, biết đủ ắt sẽ vui, cứ mưu cầu nhiều sẽ khó bình thản mà sống được".
Biết đủ ắt sẽ vui, cứ mưu cầu nhiều sẽ khó bình thản mà sống - Ảnh minh hoạ
Sống mà không mưu cầu gì dễ bị đánh đồng với an phận. Nhưng chấp nhận hy sinh (hay đánh đổi?) không phải lúc nào cũng là lựa chọn tối ưu.
Cô bạn thân của tôi nói, làm gì làm cũng phải có tiền, tiền giúp người ta giải khuây khi... thất tình, tiền khiến người ta tự tin, bớt lệ thuộc. Tiền khiến cuộc sống dễ chịu hơn hay trong tình huống tồi tệ nhất cũng có thể thuê chuyên cơ đưa về nhà ngay cả khi cả thế giới không có lấy một ai bên cạnh vào phút cuối, như câu chuyện mọi người vẫn chưa thôi bàn tán trong những ngày cuối năm.
Tôi thì nghĩ, hạnh phúc, suy cho cùng, cũng là mẫu số mong ước của mọi người, có điều, hành trình để có được nó không ai giống ai, cũng như mưu cầu hạnh phúc chẳng có gì sai, miễn người ta đừng chọn sai cách...
Theo Lê Thị Ngọc Vi (phunuonline.com.vn)
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC