Chuyến bay khởi hành hôm 5/6, đưa tro cốt 6 nạn nhân xấu số, cùng 21 người Việt bị mắc kẹt tại Nhật Bản trong dịch Covid-19 trở về nước. Họ đều thất nghiệp, bệnh tật,… cơ duyên tìm tới sư Thích Tâm Trí (Hội trưởng Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản) và được nhà sư giúp đỡ tá túc, đưa trở về Việt Nam.
Buổi sáng, tại sân bay, nhóm bạn đồng hương ôm chặt 6 hũ tro cốt . Ngày qua Nhật, 6 người mang đầy khát vọng, ước mơ. "Xây cái nhà mới cho bố mẹ, rồi con cưới vợ", như N.V.Đức từng tâm sự với gia đình.
Rồi biến cố ập đến. Giờ đây, tất cả chỉ còn là chút tro tàn cát bụi ngày trở về.
"Khi ra đi bằng da bằng thịt, khi trở về bằng hũ cốt, nỗi đau này ai diễn tả được bằng lời" - sư cô Thích Tâm Trí kể.
Đức đã được trở về với gia đình sau 2 tháng đợi chờ
Sư cô Thích Tâm Trí chia sẻ, khi nhận thông tin nhờ giúp đỡ từ phía gia đình, sư cô nghe chuyện và rất đau lòng. Do dịch Covid-19, các chuyến bay đều bị hoãn huỷ, nên nhà sư phải đợi từng ngày mới có thể sắp xếp đưa những người này trở về Việt Nam.
Chuyến bay ngày 5/6 đã là chuyến bay thứ 3, cùng với chuyến ngày 22/4 và 25/4, đưa người Việt về đoàn tụ với gia đình. Thế nhưng, chuyến hôm 5/6 là lần buồn hơn cả, bởi trên đó có 6 "hành khách" không có vé máy bay, không có ghế ngồi, không tiếng cười… Họ chỉ còn là 6 hũ tro cốt được các đồng hương mang trở về.
Cách đây 2 tháng, người dân thôn Tân Cầu (xã Lâm Hợp, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) không khỏi bàng hoàng khi nghe tin N.V. Đức (22 tuổi, xã Lâm Hợp) tử nạn tại Nhật Bản.
Suốt một tháng, vì dịch Covid-19, gia đình không thể sang Nhật, vợ chồng ông Nguyễn Văn Tặng chỉ biết tìm con qua những dòng tin nhắn và cuộc gọi nhờ cộng đồng người Việt Nam tại Nhật giúp đỡ. Mỗi sáng, thức dậy, vợ ông Tặng lại ngóng ra bậu cửa sổ, không ngừng gọi tên con.
Đến ngày 5/5, khi cơ quan chức năng Nhật bản xác nhận thi thể dưới cống thoát nước ở Akada là của Đức, 2 vợ chồng ông đều ngã quỵ.
"Mẹ ngã ra giường nằm liệt, nhân viên y tế túc trực chăm sóc 24/24. Lúc nào tỉnh dậy lại ôm bố mà khóc nấc, bảo: "Mẹ kiệt sức rồi, giờ con hãy về nấu cháo cho mẹ đi" - chị Nguyễn Thị Hồng Thư (30 tuổi, chị ruột của Đức) đau lòng kể lại.
Sau khi khám nghiệm, phục vụ công tác điều tra, thi thể Đức đã được hỏa táng và gửi về chùa của sư cô Thích Tâm Trí.
Sau 2 tháng ròng ở đất khách quê người, Đức đã được trở về với gia đình. Tiếng gào khóc của người mẹ bên chiếc di ảnh khiến cả xóm làng đau thắt lòng.
Chiều 7/6, hàng trăm người đã đến đưa tiễn em. Hoa tang, cờ trắng phủ rợp con đường từ nhà đến nghĩa trang.
Những trang giấy trắng được viết tỉ mỉ trước khi mất
Bên cạnh sự việc đau lòng của N.V. Đức, hoàn cảnh của chị Nguyễn Thị Nhung (36 tuổi) cũng khiến nhiều người không khỏi xót xa.
Theo sư Thích Tâm Trí kể, trước khi xảy ra tai nạn, Nhung từng kết nối với nhà chùa để xin được tá túc qua dịch Covid-19. "Chúng tôi đã trao đổi qua tin nhắn facebook và em cùng hứa hẹn sẽ về chùa ngủ nghỉ. Không ngờ sang hôm sau em bị tai nạn và mất tại bệnh viện."
Sư Thích Tâm Trí cũng chia sẻ, ngày ngồi viết thủ tục đơn xin mang tro cốt về nước, sư mở túi xách của Nhung ra xem và không khỏi xúc động.
"Trong đó, ngoài giấy chứng tử, chứng nghiệm tử thi, giấy hỏa táng, còn có quyển tập ghi kinh Phật, kinh Vu Lan, kinh địa tạng và nhiều lời cầu nguyện thành tâm chí thiết. Chúng tôi lật đi lật lại từng trang và thật sự xúc động khi nhìn nét bút cẩn thận tỉ mỉ được viết lên trang giấy trắng.
Có lẽ bạn ấy cầu nguyện cho 2 đứa con thơ dại của mình. Và có lẽ Nhung rất muốn lên chùa tá túc, rất muốn gặp con mình mà đã 5 năm biền biệt chưa 1 lần được về thăm con." - sư Thích Tâm Trí viết trên trang cá nhân của mình.
Tại chùa của sư cô Thích Tâm Trí, 6 nạn nhân xấu số đều được làm lễ, tụng kinh, được thực hiện đầy đủ các nghi thức cầu siêu, cúng cơm... theo tâm linh người Việt, cầu nguyện ra đi thanh thản.
Thời gian qua, nhiều người Việt gặp nạn vì dịch Covid-19 cũng tìm tới chùa và được nhà sư Thích Tâm Trí giúp đỡ, liên hệ Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản để xin hỗ trợ đưa mọi người trở về đoàn tụ với gia đình.
HUY HẬU
THEO TRÍ THỨC TRẺ
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC