Số là gia đình em có người họ hàng xa là Việt kiều. Em trai của bà nội em cùng gia đình di cư qua Canada từ hồi trước giải phóng. Hồi bà nội em còn sống, ông ấy có trở về thăm gia đình em. Nói chung là hai bên vẫn giữ liên lạc với nhau dù không quá thân thiết. Ông cậu của em cũng rất tốt, lúc bà nội em mất, ông có trở về nước, còn mua cho ba và các chú em một miếng đất nho nhỏ coi như là vốn lận lưng cậu cho các cháu. Kể từ lần đó thì gia đình em không có dịp gặp ông cậu nữa, vì khoảng hai năm sau lần về viếng bà nội em đó, ông cũng mất vì một cơn đột quỵ.
Mấy năm nay thì gia đình con trai ông ấy năm nào cũng về nước chơi. Em nói thiệt với các chị, mỗi lần mẹ em bảo rằng gia đình họ sẽ về nước chơi vài ngày là em thấy ngán ngẩm đến tận cổ. Ai thấy hân hoan, vui sướng khi có bà con Việt kiều về nước thì không biết, chứ em thì không vui chút nào. Em còn ước là họ đừng bao giờ về nữa. Vì cứ mỗi lần họ về là em với mẹ lại biến thành con sen, cơm bưng nước rót hầu hạ phục vụ cho họ, mà không chỉ có vài ngày đâu nha các chị, mà cả tháng trời như thế!
Ảnh minh họa
Là Việt kiều nhưng họ cư xử vô ý vô tứ lắm các chị ạ, lại keo kiệt nữa. Gia đình em chẳng ham gì mấy đồng bạc lẻ nhưng chẳng bao giờ vòi tiền này nọ đâu. Nhưng Việt Kiều gì mà muốn ăn muốn xài toàn kêu mẹ em chạy đi siêu thị mua, xem chuyện đó là đương nhiên, còn chẳng thèm hoàn lại tiền cho mẹ em nữa. Rồi còn đổi chủ làm khách, nói chỉ quen ngủ trong phòng nên ba mẹ em phải nhường phòng cho họ rồi ra phòng khách trải chiếu mà ngủ. Một ngày ba bữa mẹ em phải nấu nướng dọn bữa, đã cơm dâng tận miệng như thế họ còn không lấy làm quý mà còn ỏng eo chê bai đồ ăn, bảo mẹ em phải nấu món này món kia. Phòng ốc cũng mẹ em đọn dẹp, quần áo cũng mẹ em giặt giũ. Họ chỉ ăn, ngủ rồi đi chơi!
Bực mình nhất là họ cứ bắt em dẫn họ đi chơi, đi dạo phố, mua đồ lưu niệm, uống cà phê, toàn là những quán sang chảnh ở trung tâm thành phố nhưng lúc nào người móc túi chi trả cũng là em. Nhiều lần như thế em bực bội quá bèn nói bóng gió với họ: “Con thấy người nước ngoài nhất là người phương Tây thường có thói quen mạnh ai nấy trả. Họ sống sòng phẳng, rạch ròi dễ sợ”. Chắc là họ cũng hiểu ý của em nên mới đáp lại cũng đầy bóng gió: “Ừ thì người ta là Tây, mình dù sao cũng là người Việt, cái nghĩa tình mới quan trọng, tiền bạc thì có xá gì”.
À, vâng, tiền bạc thì có xá gì, thế nhưng chẳng hiểu sao cứ mỗi lần về chơi là họ lại nhắc mãi đến chuyện ngày xưa ông cậu có cho ba em một miếng đất, nếu không có miếng đất đó để bán lấy vốn, nhà em chắc không khá giả được như bây giờ. Họ cứ lải nhải suốt về chuyện đó cứ như thể nhà em mắc nợ họ vậy, và việc phải hầu hạ phục vụ họ ăn chơi trong suốt một tháng là chuyện đương nhiên.
Không phải người Việt nào cũng vì ham tiền mới niềm nở đón tiếp họ hàng Việt kiều về nước chơi. Nguồn: Internet
Thế nên nói đi cũng phải nói lại các chị ạ, em thấy nhiều người thường hay chê bai cái thói chực chờ ăn bám người thân ở nước ngoài của nhiều người Việt. Em cũng nghe không ít chuyện những Việt kiều than thở rằng họ chẳng dám về nước vì sợ họ hàng trong nước đến xin tiền, đòi quà này nọ. Họ cũng cám cảnh mỗi lần về nước, đi chơi, đi ăn uống thì họ luôn là người phải “bao thầu”, vì Việt kiều là người lắm tiền nhiều của, việc họ phải chi trả là chuyện đương nhiên.
Rồi người ta lại đâm ra nghi ngờ cái thái độ đón tiếp niềm nở, thân tình của người Việt khi có họ hàng ở nước ngoài về chơi. Đằng sau nụ cười tươi tắn, lời nói rôm rả là lòng trục lợi xấu xí, mục đích cuối cùng là chỉ để xin tiền những người họ hàng giàu có trở về từ nước ngoài mà thôi. Nhưng em thấy đó là một kiểu đánh đồng, quơ đũa cả nắm các chị ạ. Nhiều người Việt mình sống trong nước còn cư xử phóng khoáng, rộng rãi, hào sảng hơn những Việt kiều xài toàn đô la.
Như ba mẹ em, chẳng bao giờ than vãn hay càm ràm gì khi phải phục vụ, trả tiền cho gia đình họ hàng Việt kiều kia. Mỗi lần em có nói gì đó bất mãn là mẹ em lại quở rằng: “Thôi con, bà con họ hàng cả, một năm mời về quê hương chơi một lần, mày nhăn nhó chi cho kỳ vậy!”. Thế mới nói, tấm lòng, tình nghĩa của những người Việt ở quê nhà chưa bao giờ ít hơn những Việt kiều tha hương cầu thực.
Không phải ai cũng chực chờ đón Việt kiều chỉ để xin tiền đâu và không phải sự vui mừng nào cũng là giả dối. Họ vui vì được gặp lại người thân lâu ngày không gặp, cười vì nghĩ rằng nếu mình cũng tha hương mà khi trở về nhận được một nụ cười niềm nở thì tốt biết bao! Tấm lòng của người Việt mình đơn giản mà ấm áp vậy đó!
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC