Anthony Le Donge run run mở gói quà mà cô bạn gái người Việt, Phạm Tú Uyên tặng cho anh trong ngày lễ Valentine.
Trong hộp quà là hai đôi tất và một con gấu bông - thông điệp là một cái gật đầu với lời tỏ tình trước đó của anh. Chàng trai người Pháp xúc động thì thầm: "Cảm ơn em! Em là cô gái đầu tiên đáp lại tình yêu của anh".
Tú Uyên mỉm cười. Cô nhớ lại lần gặp gỡ đầu tiên của hai người ở chợ đêm Luang Prabang, Lào, cách đây mấy tháng. Qua sự giới thiệu của một người chị họ, hai người đến điểm hẹn nhưng ngay khi thấy Anthony xuất hiện cùng với áo ba lỗ, quần soóc, tóc và râu rậm như dân du mục, cô gái Việt lập tức kéo tay chị họ định đi trốn.
"Lần đầu nhìn thấy ngoại hình của anh ấy chỉ muốn bỏ chạy thật xa", Tú Uyên kể câu chuyện xảy ra cách đây gần bốn năm.
Khi đó, Tú Uyên 33 tuổi, làm quản lý các căn hộ dịch vụ tại TP HCM. Gia cảnh, ngoại hình Uyên đều tốt, chỉ đường tình duyên lận đận. Anthony bằng tuổi cô nhưng đã có kinh nghiệm 5 năm làm trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn ở nhiều nước như Anh, Australia, Canada. Hai người gặp nhau khi chàng trai Pháp đang trong chuyến du lịch vòng quanh châu Á.
Phải lòng cô gái Việt nên thay vì kết thúc hành trình ở Lào rồi về quê nhà Pháp, Anthony sang Việt Nam để có cơ hội gặp lại Tú Uyên. Trong cuộc gặp thứ hai, chàng trai cắt tóc, cạo râu, ăn mặc gọn gàng.
"Anh ấy lột xác hẳn. Tôi bắt đầu có thiện cảm hơn vì thấy thực ra anh cũng để ý đến cảm nhận của tôi", cô gái chia sẻ.
Vợ chồng Tú Uyên bên gia đình nhà trai trong ngày cưới tháng 7/2017. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Sau ngày Valentine năm đó, tháng 4, cô bay qua Pháp thăm bạn trai. Tháng 5, Anthony sang Việt Nam lần nữa để ra mắt gia đình bạn gái. Uyên nhận ra "mình cần người đàn ông như anh ấy, chân thật, ấm áp và thích trẻ con". Còn Anthony, không còn đặt mục tiêu làm việc kiếm tiền đi du lịch nữa, kể từ khi yêu cô gái Việt, anh chỉ mơ về "ngôi nhà và những đứa trẻ".
Mong muốn này đến nhanh hơn anh tưởng. Mới ba tháng chính thức yêu nhau, Uyên báo tin đã có bầu và muốn làm đám cưới. Gia đình và bạn bè Anthony khuyên anh nên cẩn thận, có thể cô gái muốn có quốc tịch Pháp nên bắt cưới. Họ cũng tư vấn hai người có thể sống chung không đăng ký kết hôn, hoặc phải làm hợp đồng tiền hôn nhân. "Trước đây tôi chưa từng nghĩ đến kết hôn vì không hy vọng có người yêu mình. Nhưng khi gặp Uyên, yêu và được đáp lại, tôi sẽ cố gắng để có một gia đình hạnh phúc", Anthony đã trả lời.
Nhưng áp lực lớn nhất với chàng trai không phải chuyện kết hôn mà là tiền. Chuyến đi vòng quanh châu Á đã "đốt" hết số tiền anh có. Để kết hôn, anh cần ít nhất một năm tiết kiệm. Đang trong lúc loay hoay chưa biết xoay xở ra sao thì bà Hiền, mẹ của Uyên đề nghị cho chàng rể tương lai mượn tiền. "Tôi vô cùng cảm kích mẹ. Tôi hứa sau đám cưới sẽ đi làm trên tàu du lịch để nhanh có tiền trả", Anthony kể về khoản vay 5.000 đôla.
Chưa kịp trút được gánh nặng tiền bạc thì chàng trai lại gặp phản đối gay gắt từ bố Uyên. Ông Kiên kịch liệt phản đối cuộc hôn nhân. "Nhà mình không nghèo và thiếu gì đàn ông Việt tốt mà con phải lấy chồng xa", ông nói.
Ba mẹ con bà Hiền ra sức thuyết phục ông với lý lẽ "tình duyên của Uyên lận đận, bao năm mới gặp được người vừa ý". Họ hàng cũng kéo đến đả thông tư tưởng. Tình hình căng thẳng suốt nửa tháng. "Cuối cùng ba mình đồng ý với điều kiện Anthony phải ở rể ít nhất hai năm", Tú Uyên cho hay.
Chàng trai đành chấp nhận điều kiện của ông bố vợ tương lai. Đôi uyên ương làm đám cưới vào tháng 7 năm đó.
Tú Uyên và Anthony trong chuyến cô qua thăm tháng 4/2017. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Hai tuần sau hôn lễ, Anthony chính thức bay qua Mỹ làm nhân viên phục vụ quầy bar trên tàu du lịch Disney Cruise. Công việc kỷ luật cao như quân đội, bắt đầu từ 5h sáng và kết lúc lúc nửa đêm, không có ngày nghỉ cuối tuần để thư giãn hay hồi phục sức khỏe. Phòng ngủ bé xíu, không hề có không gian riêng và liên tục thay đổi bạn cùng phòng.
"Nhiều hôm mắt tôi thâm như gấu trúc. Muốn ngủ thêm nhưng chuông reo phải cố dậy. Cứ phải tự nhủ sắp được về gặp vợ con, không được bỏ cuộc", anh nói. Cùng đợt làm của anh đã có vài người bỏ cuộc trước bởi cường độ công việc quá căng thẳng.
Anthony tâm sự, những khó khăn vất vả khi làm việc trên tàu không "thấm vào đâu" với sự dằn vặt vì không thể ở bên vợ trong giai đoạn mang bầu. Mỗi ngày anh đều phải tranh thủ nói chuyện với vợ vào giờ giải lao và tan ca. Qua video, anh thấy bụng vợ ngày một lớn. "Bao lần tôi hình dung ra cảnh chạm tay vào bụng vợ, cảm nhận được những cái đạp của con", anh nói.
Kết thúc một năm đi làm để trả nợ mẹ vợ, Anthony bay về Việt Nam và bước vào thời kỳ ở rể. Ngày 3 bữa vợ chồng Anthony ăn cùng bố mẹ. Với 5 năm kinh nghiệm làm khách sạn nên chàng rể nhận hết việc rửa bát, lau dọn và hay cùng bố vợ xem tennis, đi câu.
Hai tuần sau khi anh về thì vợ sinh. Từ lúc đó, mọi việc trong nhà một tay anh làm hết. Qua ba tháng, khi con cứng cáp, anh đi xin việc làm. Thi thoảng Anthony trổ tài nấu vài món Pháp cho gia đình. Vốn tiếng Việt của Anthony khá tốt nên lũ trẻ trong họ ai cũng thích.
Ông Kiên chia sẻ: "Tôi sợ con gái qua đó bị người ta gạt, sống khổ sở nên ra điều kiện ở rể để xem cách cậu ấy đối xử với con và cháu mình thế nào". Sau một thời gian, thấy chàng rể hiền và ngoan. Nhìn cách con rể chăm con gái và cháu ngoại mình, ông yên tâm hẳn.
Vợ chồng Tú Uyên và anh Anthony thích cuộc sống giản dị, làm vừa đủ, sống hạnh phúc bên nhau. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Khi em bé tròn 16 tháng tuổi, vợ chồng ông Kiên gọi hai con lại cho phép về Pháp. Trước lúc về, ông cho cặp vợ chồng trẻ một khoản tiền lớn. Tuy nhiên, Anthony không mang về Pháp mà để lại ở Việt Nam như một khoản riêng cho vợ con. Về nước, với sự giúp đỡ của bố mẹ vợ, hai vợ chồng Tú Uyên cũng mua được một ngôi nhà nhỏ vùng ngoại ô. Hiện Anthony làm quản lý trong một nhà hàng và dự định mở một cửa hàng ăn nhanh.
Hơn một năm qua Pháp, Tú Uyên có cuộc sống êm đềm bên chồng con. Gia đình nội sống quần tụ xung quanh. Uyên ấn tượng nhất thời điểm mới qua sống ở vùng Bretagne, con đến trường, cô cũng đi học. Trên những chuyến xe bus mỗi ngày, cô có dịp trải nghiệm toàn cảnh khu mình sinh sống với đường bờ biển trải dài, những cánh đồng cải vàng rực rỡ, đàn bò dê thẩn tha gặm cỏ... Ở đây, cô thường gặp một cô bé hay một anh chàng cầm ổ bánh mỳ đi bộ trên đường, các đôi tình nhân thể hiện tình yêu với nhau không chút e dè, các ông bà lão tay trong tay xách giỏ đi chợ... Tất cả đều bình yên và lãng mạn.
"Ở Việt Nam mình không thiếu gì, chỉ thiếu người hiểu mình. Bên này dù được xem là kinh đô ánh sáng, mình lại sống giản dị, mà vẫn thấy thoải mái. Chỉ cần có chồng, có con bên cạnh, ngày nào cũng ôm hôn vui vẻ là đủ rồi", Tú Uyên bộc bạch.
Phan Dương
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC