Chia sẻ của mẹ Việt về chuyện  sinh con và nuôi con ở Úc

Chia sẻ của mẹ Việt về chuyện sinh con và nuôi con ở Úc

Sau 3 năm cùng chồng và 2 con sinh sống, định cư tại xứ sở chuột túi (Úc), chị Trang Lưu hoàn toàn hài lòng về chính sách sinh đẻ, giáo dục nơi đây.

132 1 Chia Se Cua Me Viet Ve Chuyen  Sinh Con Va Nuoi Con O Uc

Chào các mom, mình là Lưu Trang - Vừa hoàn thành khoá học Thạc sỹ xây dựng tại Trường Đại học công nghệ Sydney (Úc). Mình hiện có 2 bé: bé nhỏ là Phạm Đăng Khoa, 6 tháng tuổi - tên thường gọi ở nhà là Bean và bé lớn là Phạm Hà Chi, 7 tuổi - tên thường gọi là Rùa. Chồng mình hiện đang làm Tiến sỹ tại Trường Đại học Sydney.

132 2 Chia Se Cua Me Viet Ve Chuyen  Sinh Con Va Nuoi Con O Uc

Gia đình mình đã có cơ hội trải nghiệm cuộc sống ở xứ sở chuột túi được tròn 3 năm với rất nhiều sự khác biệt, thậm chí từng làm mình bị "shock" trong vài tháng mới sang. May mắn là đến thời điểm này mình rất hài lòng với môi trường sống tại Úc, đặc biệt tốt cho các bé nhà mình.

12 y tá, bác sĩ hỗ trợ sinh, miễn phí toàn bộ chi phí

Đầu tiên là bé Bean. Bean được sinh ra tại Úc với đội ngũ bác sĩ chăm sóc tới 12 người và chi phí sinh là miễn phí toàn bộ. Mình sinh mổ có phòng riêng sau sinh với đồ ăn 3 bữa chính, 2 bữa phụ một ngày. Đồ ăn chủ yếu là các loại rau và hạt như ngô hay đậu Hà Lan giúp cho các mẹ tránh táo bón và một khẩu phần gồm ít thịt. Điều đặc biệt là bệnh viện được thiết kế cho ngay cả single mom cũng thoải mái đi sinh, nghĩa là không cần gia đình hỗ trợ.

Bean sau sinh nằm nôi cạnh mẹ. Khi Bean khóc mẹ ấn nút có y tá đến dỗ và đưa Bean vào nằm cạnh mẹ để hướng dẫn mẹ cách cho bú.

132 3 Chia Se Cua Me Viet Ve Chuyen  Sinh Con Va Nuoi Con O Uc

Khoảnh khắc bé Bean được da tiếp da với mẹ.

Lại nói về việc cho bú. Mặc dù Úc là nước dẫn đầu về các loại sữa công thức cho trẻ, nhưng các bác sĩ và y tá luôn nhấn mạnh việc con nên bú mẹ hoàn toàn. Mình được dặn là không mang sữa công thức khi đi sinh Bean. Bean sẽ phải mút liên tục trong vòng 1 đến 2 ngày để kích thích sữa mẹ. Bác sĩ nói lúc này dạ dày Bean chỉ bằng quả cherry nên lượng sữa non dự trữ ti mẹ sẽ vừa đủ. Mình rất yên tâm hy vọng và quả thật đến ngày thứ 3 y tá mang máy vắt sữa đến và hút ra khá nhiều sữa, dù mình sinh mổ. Hiện Bean vẫn tiếp tục bú mẹ và mình dự kiến sau 2 tuổi mới cho Bean uống sữa tươi.

Bean ngoài 1 tháng tuổi mình bắt đầu đưa Bean đến thư viện gần nhà. Văn hoá Úc rất khuyến khích đọc sách nên mỗi vùng tương đương với 1 phường xã sẽ có 1 thư viện rất đẹp, hoành tráng. Tại đây ngoài rất nhiều sách truyện hay đủ mọi lứa tuổi còn có các hoạt động học tập như lớp học hát của Bean. Tuần 3 buổi, có giáo viên đến dạy mẹ và các bé hát những bài thiếu nhi để kích thích trí não cho bé và các mẹ có cơ hội giao lưu làm quen. Khác với Việt Nam, mẹ Úc không được ông bà hỗ trợ, giúp việc thì rất đắt nên có mẹ chăm 1 lúc vài bé một mình. Ai cũng bận rộn nên mẹ dễ trầm cảm vì không được chia sẻ.

 

Thư viện của Úc

Về vui chơi công cộng thì công viên cũng là điểm cộng mạnh của Úc. Bán kính cách nhà mình 500m có 3 khuôn viên với nhiều cây thảm cỏ và khu vui chơi cho mọi người. Cả thư viện và công viên đều miễn phí.

Phí đi nhà trẻ chiếm 1/2 lương bố mẹ

Bé lớn - Rùa - sang Úc khi con được 3,5 tuổi. Hệ thống giáo dục ở Úc khác nhau theo từng bang. Nhà mình ở Sydney thuộc bang New South Wales. Bé sẽ học nhà trẻ (childcare) từ 6 tháng đến 4 tuổi; 4-5 tuổi là mẫu giáo (preschool); sau 5 tuổi (sinh trước ngày 31/07) các bé sẽ được vào tiểu học (primary school) học lớp vỡ lòng (Kindy) sau đó mới chính thức vào lớp 1 (year 1).

132 4 Chia Se Cua Me Viet Ve Chuyen  Sinh Con Va Nuoi Con O Uc

Rùa đi học childcare

Ở Childcare, học phí cực kỳ đắt, là thách thức với cả dân Úc gốc. Đơn giản để so sánh là mức lương bình quân của dân Úc là 5000 AUD/tháng (gần 85 triệu đồng). Trong khi học phí nhà trẻ trung bình từ 90-130 AUD/ngày (1,5 - 2,2 triệu đồng). Đi học đủ cả tháng - 20 buổi là ngốn hết nguyên 1/2 lương của bố mẹ. Mà bên Úc lương là lương, không có lương của nghề tay trái như bên Việt mình. Ngoài giờ hành chính và cuối tuần là không làm việc, không mail, không laptop. Toàn thời gian cho gia đình bạn bè và bản thân.

Chi phí đắt đỏ đó dẫn đến tình trạng mẹ Úc thường đẻ rất dày và nghỉ khoảng vài năm để tự chăm con đến khi tụi trẻ vào tiểu học là miễn học phí toàn bộ thì mới quay lại đi làm. Có thực tế thú vị là trong gia đình ai làm lương thấp hơn thì sẽ nghỉ ở nhà trông con. Trên đường phố rất dễ gặp cảnh một bố chăm luôn 3 đứa con. Hoặc có giải pháp khác là họ không đẻ mà nuôi thú cưng như chó mèo.

Không phải ngẫu nhiên mà thứ tự ưu tiên ở Úc là "Trẻ con- phụ nữ - chó - cuối là đàn ông". Rùa may mắn có bố được học bổng chính phủ Úc cấp (AAS) nên được giảm 75% học phí. Chỉ phải nộp khoảng 500 VNĐ/ngày. Học từ 8h sáng đến 6h tối kèm cả ăn.

132 5 Chia Se Cua Me Viet Ve Chuyen  Sinh Con Va Nuoi Con O Uc

Thời gian đầu rất khó khăn với con. Con không hiểu cô và các bạn nói gì mặc dù cô giáo rất thân thiện có hỏi vài từ tiếng Việt để nói với Rùa. Trong 2 tháng đầu con hoàn toàn không nói gì ở lớp. Về nhà có lần mẹ bảo Rùa đi tiêm phòng, Rùa hỏi mẹ là "Tiêm xong con sẽ biết nói tiếng Anh phải không mẹ?". Nghe thương lắm mà mẹ không giúp gì được.

Thế mà chỉ sang tháng thứ 3 con bắn một tràng toàn tiếng Anh cả câu dài không lẫn tiếng Việt. "Stop it, I don't like it" Đó là câu đầu tiên mẹ nhớ Rùa nói khi không muốn mẹ làm gì đó cho Rùa. Hoá ra tụi trẻ con có khả năng bắt chước và ghi nhớ rất siêu. Chúng học theo hoàn cảnh câu nên dùng rất chính xác. Các bố mẹ đừng lo lắng hoặc cho bé đi học tiếng Anh trước khi sang làm gì nhé. Sang đây đều giỏi hết vì các bé được tiếp xúc với toàn người bản ngữ với thời gian nhiều. Các bé sẽ có giọng Úc rất chuyên nghiệp.

132 6 Chia Se Cua Me Viet Ve Chuyen  Sinh Con Va Nuoi Con O Uc

Học mầm non ở Úc cơ bản giống mẫu giáo ở Việt. Vài điểm cộng cơ bản là các con rất nhiều hoạt động ngoài trời. Có bãi cát nhân tạo ngoài sân các con sẽ chuẩn bị mang đồ bơi đi học, thay đồ bôi kem chống nắng ra nghịch cát rồi cô lấy vòi phun nước giả làm mưa cho các con nghịch.

Ăn uống và ngủ thì theo nhu cầu, cô tuyệt đối không xúc cho bạn nào từ 2 tuổi trở lên. Bạn nào ngủ cô cho vào một vùng giảm điện và bật nhạc nhẹ. Bạn nào không muốn thì sang một khu gọi lại "quite place" chơi các trò như xếp lego hay về tranh tô màu. Lịch học rất nhiều hoạt động đa dạng theo chủ đề. Nếu là học màu sắc thì sau buổi học cô sẽ mang 1 đĩa kem cứng (Ice block) nhiều màu sắc. Các con được gọi tên lên chọn màu sắc kem mình thích. Vậy là luyện tập nhớ màu.

Rùa học ở mầm non một mạch từ 3,5 tuổi - gần 6 tuổi thì chuyển sang trường tiểu học mà các bạn vẫn gọi là big school. Rùa bỏ qua một cấp học là preschool vì trường đó học từ 9h sáng đến 4h chiều nên không tiện bố mẹ đưa đón, giá thì rẻ hơn childcare khá nhiều (40-50 AUD/buổi - khoảng trên 680 nghìn đồng/ buổi).

Ở Tiểu học, mọi việc tốt của trẻ đều được nhận giấy khen từ hiệu trưởng

Khác với tiểu học ở Việt Nam, tiểu học ở Úc kéo dài 7 năm từ lớp Kindy (vỡ lòng) đến hết lớp 6. Hoàn toàn miễn phí, các con tự mang đồ ăn đến lớp. Phí đồng phục và sách vở cả năm chắc khoảng 200AUD (3,3 triệu đồng), còn rẻ hơn ở nhà nhỉ?

Đầu tiên là lớp Kindy hay gọi là lớp vỡ lòng. Tại đây các con chủ yếu làm quen với môi trường mới. Cách tự phục vụ bữa trưa mà không có ai giúp đỡ. Bố mẹ phải chuẩn bị hộp cơm trưa cho con mang đi học. Chương trình học nhẹ nhàng chủ yếu làm quen bảng chữ cái. Mục tiêu chính là các con rèn luyện các đức tính như kiên trì, chăm chỉ, sáng tạo giúp đỡ mọi người.

132 7 Chia Se Cua Me Viet Ve Chuyen  Sinh Con Va Nuoi Con O Uc

Rùa được giấy khen vì biết tổ chức sắp xếp và biết giúp bạn bè. Rất nhiều bạn nhận giấy khen này từ hiệu trưởng với những nội dung khác nhau. Đơn giản có bạn nhặt được tiền rơi sân trường (tiền nhỏ xíu) cũng được khen ngợi vì trung thực. Có bạn nhặt rác bỏ vào thùng cô hiệu trưởng nhìn thấy cũng được tuyên dương luôn. Cô hiệu trưởng như bạn của các con. Cô "vi hành" suốt nhớ hết tên các con, khoảng 200 bạn. Siêu thật!

132 8 Chia Se Cua Me Viet Ve Chuyen  Sinh Con Va Nuoi Con O Uc

Đây là lớp học của Rùa

Học sinh đi bộ đi học, học không điểm số, không phân loại

Điều mình tâm đắc nhất đó là các con luôn được khuyến khích cố gắng làm hết sức của bản thân chứ không so sánh với bạn khác. Luôn tự tin vì mình đã làm tốt hơn hôm qua, học được nhiều điều mới hơn hôm qua. Lớp chia thành 5 nhóm với 5 tên con vật khác nhau. Các bạn trong lớp không hề biết đó là 5 cấp bậc trong lớp và học theo chương trình riêng. Nghĩa là không có sách giáo khoa chung cho cả lớp. Cứ mỗi kì cô lại thay đổi nhóm theo sự cố gắng của các bạn. Nói chung đi học là phải vui. Không có điểm chác, không có xếp thứ tự, không có bạn nào học giỏi nhất lớp cả. Mỗi bạn mạnh về một thứ. Có bạn giỏi thuyết trình, bạn giỏi hát, giỏi về các con vật... Cô luôn cô gắng tìm các điểm mạnh của các con để khen để tuyên duyên và trao ngôi sao.

Hiện Rùa đang học lớp 1. Kiến thức có nhiều hơn nhưng mỗi tối chỉ cần 10 phút để làm bài về nhà. Và lớp vẫn chia nhóm, có nhóm học cộng trừ phạm vi 10, nhóm 100, lại có nhóm học phép chia. Mỗi tuần các bạn chuẩn bị bài thuyết trình về chủ đề nào đó, đứng lên nói trước lớp với ngôn ngữ cơ thể, giao tiếp bằng mắt (eye contact).

Năm học được chia làm 4 kì với 3 kì nghỉ ngắn (2 tuần) và 1 kì dài (1.5 tháng). Trong thời gian nghỉ các bạn thường đi du lịch hoặc về nhà ông bà. Bố mẹ ở Úc đi làm ngoài ngày nghỉ lễ còn được thêm khoảng 1.5 tháng nghỉ phép và nghỉ ốm thậm chí có ngày nghỉ chăm con ốm. Nên phụ huynh thường dồn vào nghỉ cùng các con vào kì nghỉ để cả nhà đi du lịch trong và ngoài nước.

132 9 Chia Se Cua Me Viet Ve Chuyen  Sinh Con Va Nuoi Con O Uc

Một điều nữa là các bạn nhỏ ở Úc thường đi bộ đi học. Và kiến thức toán học của Úc luôn kém hơn Việt Nam khoảng 2 lớp. Ví dụ lớp 6 ở Úc mới bằng lớp 4 ở Việt. Tuy học chậm nhưng các bạn nắm chắc nên sau này vẫn ổn lắm.

Tất cả những điều về giáo dục, y tế và xã hội của Úc dành cho các bé nhỏ đều khiến gia đình mình hài lòng và càng thêm yêu xứ sở, con người nơi đây.

Nguồn: eva

 


© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan