Cuộc gặp gỡ với sĩ quan tàu biển người Pháp khiến cô gái Lâm Thanh Vy (SN 1994) có ngã rẽ bất ngờ.
Cô gái nhỏ và giấc mơ đổi đời
Sinh ra trong gia đình bình dân ở TP.HCM, tuổi thơ của Vy là những tháng ngày theo mẹ ra chợ bán hàng, cha làm tài xế. Ngay từ nhỏ Vy rất ham học môn tiếng Anh.
Năm lớp 3, Thanh Vy được mẹ cho theo một lớp tiếng Anh ở nhà hát Bến Thành. Cô giáo kiểm tra trình độ, thấy Vy tiếp thu tốt nên cô cho ‘nhảy cóc’, học chung lớp với anh chị lớn.
Thanh Vy bên bố mẹ ruột
‘Mẹ miệt mài đưa tôi đến lớp. Mưa tầm tã, hai mẹ con vẫn đi, chẳng nghỉ buổi nào’, cô gái sinh năm 1994 chia sẻ.
Tuy nhiên, học đến nửa chừng, mẹ Vy không còn thu nhập như trước nên bà ngậm ngùi để con nghỉ học. Từ đó, ngoài bài trên lớp, Thanh Vy mày mò học tiếng Anh. Khả năng tiếng Anh tốt, nói lưu loát của cô hiện nay phần lớn nhờ việc tự học ở nhà.
‘Không có điều kiện học lên cao nhưng tôi luôn nung nấu ý định vươn lên, tự kiếm tiền, làm giàu bằng sức lao động của mình’, Vy tâm sự.
18 tuổi, Vy chủ động xin việc đi làm. Nhờ vốn liếng ngoại ngữ, cô được nhận vào làm thu ngân kiêm bán kim cương trên tàu du lịch 5 sao với mức thu nhập khá. Tàu này thường xuyên đến các nước châu Á.
Hợp đồng làm việc kết thúc từ giữa năm 2013, đến tháng 1 năm 2014 cô về nước. Dự kiến, tháng 3 cùng năm, Thanh Vy sẽ ký hợp đồng mới và quay lại tàu. Nhưng lúc này, cô cũng có ý định ra Hà Nội, phỏng vấn ở một công ty khác, có tàu đi các nước châu Âu cho thỏa ước mơ khám phá của mình.
Ít ai biết, cô gái dễ thương này từng có tuổi thơ thực sự khốn khó
Sau khi đặt lịch hẹn phỏng vấn với công ty, cô thảnh thơi vào một quán bar ở quận 1 (TP.HCM) nghe nhạc. Thấy vóc dáng nhỏ bé, khuôn mặt non choẹt của Vy, bảo vệ tưởng cô chưa đủ 18 tuổi nên đòi kiểm tra chứng minh nhân dân.
‘Bình thường, gặp thái độ như vậy, tôi bỏ về luôn nhưng không hiểu trời xui đất khiến thế nào, tôi bắt xe về quận 7 lấy CMND và quay lại’, Vy nhớ lại.
Mối tình sét đánh giữa thành phố hoa lệ
Tại quán bar, cô đã gặp nhân duyên của cuộc đời mình. Thời điểm này đang là Tết Nguyên đán, phố xá vắng tênh, tâm trạng Vy có phần lắng lại.
Cô cầm ly rượu trên tay, đôi mắt thả vào xa xăm. Chẳng ngờ, hành động đó đã lọt vào tầm ngắm của người đàn ông ngoại quốc (SN 1993). Cả hai bắt đầu làm quen, trò chuyện qua điện thoại, vì tiếng nhạc trong quán khá ầm ĩ.
Chàng trai ngoại quốc giới thiệu mình tên Antoine người Pháp, làm cho công ty tàu biển du lịch quốc tế. Lòng Vy có chút nghi ngờ, vì giữa chốn phức tạp như vậy, không ít kẻ bịp bợm.
Cô gái Việt nhỏ nhắn, có nụ cười tỏa nắng đã khiến chàng trai người Pháp đổ gục
Chẳng ngần ngại, anh cho Vy xem thẻ ID và chìa khóa cabin (phòng ở trên tàu). Anh cho biết, tàu đang đỗ ở bến cảng Nhà Rồng. Đi cùng anh đến câu lạc bộ có thuyền phó, kỹ sư boong và một số đồng nghiệp khác.
‘Cảm xúc lúc đó vui vì mình gặp những người bạn làm trong ngành du lịch mà mình đang theo đuổi. Anh cho biết, từng thấy tôi đứng ở trên boong tàu ở cảng Malaysia qua ống nhòm. Tất cả những gì anh miêu tả từ quần áo, đầu tóc, ngày giờ… đều chuẩn xác. Tôi bắt đầu tin vào hai chữ ‘duyên phận’', Vy kể.
Rời quán bar, hai người đi dạo, đến cầu Khánh Hội gần bến cảng, Antoine bất ngờ hôn Thanh Vy. Trái tim cô xao xuyến lạ thường.
Những cuộc hẹn hò ngắn ngủi nhanh chóng đưa họ xích lại gần nhau. Trước khi theo tàu đi dọc Việt Nam, chàng sĩ quan Pháp bất ngờ nhắn Vy đừng đi làm trên tàu, anh sẽ về gặp cô.
'Tôi đưa ra quyết định liều lĩnh là hủy lịch phỏng vấn ngoài Bắc, hoãn thời gian ký hợp đồng với công ty đang làm, chỉ với mục đích là chờ đợi người đàn ông xa lạ. Vì nếu anh không quay lại, tôi sẽ mất những cơ hội làm việc tốt. Nghĩ lại thấy thật buồn cười nhưng không hiểu sao, có điều gì đó thôi thúc tôi rằng, phải có niềm tin với Antoine', Thanh Vy vui vẻ kể tiếp.
18 ngày sau, chàng trai trở lại TP.HCM tìm Vy, anh chính thức thổ lộ tình cảm của mình với cô gái Việt nhỏ nhắn, muốn tìm hiểu cô nghiêm túc. Có lẽ anh yêu cô ngay từ lần đầu chạm mặt ở Malaysia. Lời tỏ tình vừa dứt, anh lại nhận hợp đồng sang các nước khác làm việc. Chuyến đi kéo dài 5 tháng.
Thời gian này, Vy ở nhà kiếm sống bằng công việc dạy ngoại ngữ, buôn bán đồ ăn. Bao nỗi nhớ dồn nén được cả hai gửi qua từng tin nhắn, dòng thư điện tử.
Bạn trai đi biền biệt, cũng có lúc Vy thấy mệt mỏi, định buông tay. Thế nhưng, Antoine đã khóc, nói muốn gặp lại Vy, thuyết phục cô nhất định phải đợi anh. Nhờ đó, Vy tiếp tục vững tin vào sự lựa chọn của mình.
'Phần lớn hai vợ chồng chỉ yêu xa nhưng tình cảm dành cho nhau rất sâu sắc, Antoine thuộc mẫu đàn ông lãng mạn, ngọt ngào. Từng lời nói của anh luôn đong đầy nỗi nhớ', Thanh Vy nói.
Trước khi đi học lấy bằng thuyền trưởng, Antoine quyết định cầu hôn bạn gái
Tháng 1/2015, Antoine trở lại Việt Nam đón Tết với gia đình Vy. Anh cùng cô tìm hiểu, khám phá thêm những nét văn hóa đặc sắc của đất nước bản địa. Nơi có cô gái mà anh yêu thương.
‘Cảm giác lúc đó hạnh phúc lắm. Hai đứa cùng đi chợ hoa, nấu đồ ăn, cúng Giao thừa, đi chùa… Dù tình yêu là sét đánh nhưng thực sự những gì chúng tôi dành cho nhau là khắc cốt ghi tâm.
Cũng dịp đó, đúng ngày kỷ niệm một năm quen nhau, Antoine đưa tôi đến nhà hàng ăn tối, anh bất ngờ quỳ gối, cầu hôn tôi. Thoáng giây phút bỡ ngỡ, tôi gật đầu đồng ý. Antoine bật khóc, mọi thứ như vỡ òa vì hạnh phúc.
Ngay lúc đó, anh rút điện thoại, mở facetime (cuộc gọi hình ảnh) thông báo với gia đình bên Pháp là sẽ kết hôn với tôi. Antoine nói với người thân, không cưới tôi là không được vì muốn ở bên cạnh tôi thôi, không muốn yêu ai khác.
Lần đó, anh sắp học thi lấy bằng thuyền trưởng nên muốn cưới sớm để được ở bên tôi nhiều hơn’, Thanh Vy nghẹn ngào kể.
Antoine tự đứng ra làm thủ tục kết hôn. Mọi thứ diễn ra rất suôn sẻ, không gặp trở ngại nào. Vy bộc bạch: 'Quãng thời gian đó thật đẹp, chúng tôi chở nhau trên chiếc xe máy, tất bật lo giấy tờ, trời Sài Gòn nóng hừng hực, da tôi thì đen bóng còn da anh thì cháy đỏ. Mặc dù mệt nhưng lúc nào cả hai cũng nở nụ cười.
Sau đó, một đám cưới ấm cúng nhanh chóng được cặp đôi lên kế hoạch chuẩn bị tỉ mỉ. Tất cả ý tưởng, Antoine đều làm theo sở thích của vợ'.
Đám cưới như mơ
Một năm sau ngày gặp gỡ, cô gái Thanh Vy nhận lời cầu hôn của bạn trai người Pháp.
‘Gia đình anh sang Việt Nam tổ chức đám hỏi cho chúng tôi theo nghi lễ truyền thống. Ngoài bố mẹ còn có chị gái, em gái ruột, bạn thân và người bố đỡ đầu của Antoine.
Bố mẹ chồng sống ở môi trường khác, phong tục tập quán khác biệt nên tất cả các thủ tục ăn hỏi, cưới xin của Việt Nam, tôi trao đổi trước để ông bà nắm bắt được. Gia đình anh rất thích thú với văn hóa cưới hỏi của Việt Nam’, Thanh Vy hồi tưởng lại.
Hai vợ chồng Vy trong ngày cưới ở Việt Nam
Tháng 8/2015, bố mẹ tất bật chuẩn bị cho đám cưới của Thanh Vy. Gia đình chồng Vy và bạn bè tiếp tục về Việt Nam một lần nữa.
Cô chia sẻ, bố chồng cô làm phi công của hãng hàng không quốc gia Pháp - AirFrance. Trong dịp cưới cô, tất cả mọi người đã đặt vé đúng chuyến ông lái.
‘Buổi sáng 17/08/2015 hai vợ chồng tôi lên Sở Tư pháp ký giấy đăng ký kết hôn trước sự chứng kiến của gia đình anh. Đến trưa thì rước dâu. Thời điểm đó đang mùa mưa, tôi chỉ lo mưa xuống thì vất vả cho cả đoàn. May mắn, trời quang mây tạnh.
Hai vợ chồng tôi ngồi trên chiếc xe mui trần màu trắng, nở cụ cười viên mãn. Buổi chiều, tại nhà hàng, có hơn 500 quan khách chứng kiến giây phút thiêng liêng của hai vợ chồng' Thanh Vy nhớ lại.
Mẹ chồng trao quà cưới cho Vy theo phong tục truyền thống
Vẫn lời Thanh Vy, sau đám cưới như mơ, cô cùng đại gia đình chồng du lịch Phú Quốc, thăm thú miền Tây khoảng 2 tuần, mọi người mới bay về Pháp. Cô ở lại chờ giấy tờ, làm visa đoàn tụ với chồng.
Màn rước dâu đáng nhớ của cô gái Việt Nam
Một tháng sau ngày cưới, Vy lên đường sang xứ người làm dâu, đánh dấu sự thay đổi lớn lao trong cuộc đời.
Gia đình chồng cô sống ở thành phố Sanary Toulon (thuộc miền Nam nước Pháp). Tại đây, ba mẹ chồng đứng ra tổ chức cho Thanh Vy đám cưới mang đậm dấu ấn Pháp.
‘Mẹ chồng đưa tôi đi chọn hoa, bánh và đèn theo ý thích. Cả dòng họ nhà anh xúm vào căng bạt, dọn nhà, bày biện bàn ghế suốt 2 ngày. Tôi không phải động tay vào bất cứ việc gì. Đám cưới phong cách Pháp rất vui, buổi tối có món thịt cừu nướng, ánh nến lung linh, sắc hoa ngập tràn’, cô gái sinh năm 1994 kể.
Đám cưới bố mẹ chồng Vy chuẩn bị cho cô con dâu Việt Nam
Kết thúc hôn lễ, hai vợ chồng Thanh Vy sống riêng ở Aix Em Provence (Pháp), cách nhà ba mẹ chồng 45 phút đi xe.
Mẹ chồng chiều như bà hoàng
Cuộc sống vợ chồng son mang đến cho Thanh Vy những trải nghiệm ngọt ngào. Lúc nào rảnh rỗi, hai vợ chồng lại đi phượt, du lịch… Người đàn ông Pháp điềm đạm, lịch thiệp đã làm Vy thay đổi.
Vy lên thăm chồng khi tàu anh cập cảng Pháp
‘Đến nay sau 4 năm kết hôn, tình cảm của chúng tôi vẫn nồng nàn như thuở ban đầu. Mỗi ngày anh đều nói: ‘Anh yêu em’ không biết chán. Rảnh rỗi anh chở vợ sang thành phố khác chơi bằng mô tô, ô tô hoặc máy bay.
Chúng tôi chưa có ý định sinh con ngay mà đợi vài năm nữa, Antoine vẫn còn muốn phát triển sự nghiệp. Anh vừa thi đậu bằng lái máy bay mini.
Tương lai, anh muốn học chuyên sâu hơn. Đây là lĩnh vực khó, chi phí đào tạo cao nên Antoine đi tàu vài tháng kiếm tiền về mới học tiếp.
Làm phi công là mơ ước của anh, anh muốn tự mình thực hiện, không nhờ vả đến sự giúp đỡ của gia đình. Nói chung anh là người đàn ông chín chắn, tự lập.
Bản thân ba mẹ chồng cũng khuyên tôi đừng sinh con vội, giờ chơi cho thỏa thích, bao giờ cảm thấy chơi chán hãy đẻ’, Thanh Vy nói.
Chồng Vy vừa thi đậu bằng lái máy bay
Tâm sự về cuộc sống hôn nhân, Thanh Vy cho biết thêm, chồng cô thuộc mẫu đàn ông lãng mạn, chăm sóc vợ chu đáo.
‘Tôi mắc bệnh, ngày nào anh cũng mang thuốc đến, nhắc nhở uống đúng giờ. 3 giờ sáng, tôi khát nước, anh đang ngủ cũng bật dậy đi lấy cho vợ uống’, giọng chậm rãi Vy nói tiếp.
Do tính chất công việc hay xa nhà, đôi khi kỷ niệm ngày cưới Antoine không thể về kịp với vợ. Anh chỉ gửi quà hoặc đợi dịp khác bù đắp cho Vy. Cô bày tỏ: 'Tôi không buồn vì điều đó. Ngày nào với tôi cũng là ngày cưới, đầy hương vị ngọt ngào. Bởi Antoine luôn mang đến cho tôi hạnh phúc'.
Đặc biệt, chàng rể ngoại quốc rất thích về thăm bố mẹ vợ. ‘Anh sống tự trọng, không bao giờ muốn phiền người khác. Bên mình ăn tối sớm, bên Pháp phải 8 - 9 giờ mới ăn tối nên anh hay bị đói nhanh. 2 giờ đêm ở Việt Nam, nhỡ đói bụng, anh tự nấu mì gói hoặc cơm trộn nước tương ăn ngon lành, không để vợ hay bố mẹ vợ phải nấu.
Kinh tế tôi tự làm ra được nhờ cửa hàng bán nước hoa và công việc pha chế đồ uống trong quán bar. Tuy vậy, tất cả sinh hoạt, cuộc sống, anh lo hết cho vợ. Tiền tôi kiếm được, tôi phụ giúp cho ba mẹ và tiết kiệm cho tương lai hai đứa. Anh rất ủng hộ điều đó.
Anh còn tâm lý đến mức, biết Tết có ý nghĩa quan trọng với người Việt Nam nên cứ đến Tết là anh đặt vé cho tôi về với bố mẹ’.
Antoine thích về Việt Nam thăm bố mẹ vợ
Thanh Vy thổ lộ, bên cạnh người chồng ‘vàng mười’, cô còn có mẹ chồng tuyệt vời. Hai con ở riêng nhưng bà thường xuyên gọi điện nhắc nhở các con chăm sóc bản thân thật tốt.
‘Ba mẹ chồng thương tôi nhiều, về chơi với ba mẹ, kiểu gì mẹ cũng xuống bếp làm những món tôi thích ăn như ốc, hải sản, chim...
Mẹ tâm sự với tôi chuyện ngày nhỏ Antoine hiếu động ra sao? thích chơi trò gì… Lần nào về hai mẹ con cũng ríu rít trò chuyện, cùng nhau đi siêu thị sắm đồ. Làm dâu xa xứ nhưng tôi được mẹ chồng chiều như bà hoàng. Chị gái và em gái chồng cũng dễ mến. Tôi chưa bao giờ thấy hối tiếc khi đến với Antoine’, giọng vui vẻ, Thanh Vy nói.
Cô gái Việt có cuộc sống đầm ấm bên nhà chồng ở Pháp
Nguồn: vnexpress.net
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC