Mai hạnh phúc khi được mẹ chồng và chồng luôn ở bên ủng hộ và yêu thương cô.
Hoàng Mai, 27 tuổi, đang sống cùng chồng và con gái ở ngoại ô Melbourne, Australia. Đầu năm 2013, cô gái quê Đắk Lắk sang đây du học tại trường Childcare. Cô yêu một kỹ sư nước này và kết hôn. Sau đó, Mai bảo lưu việc học để tạm thời lo cho cuộc sống gia đình. Dưới đây là chia sẻ của Mai về hành trình tìm việc gian truân của cô sau kết hôn.
Suốt 2 tháng đầu tiên sau khi cưới, tôi chỉ ở nhà, ăn và nấu ăn chờ chồng đi làm về. Thời gian này, tôi bắt đầu lên cân, từ 43 kg lên 53 kg lúc nào không hay. Lương anh đủ nuôi cả 2 đứa, anh nói sẽ lo cho tôi đầy đủ. Nhưng ở nhà, tôi vẫn lên mạng tìm việc, tôi ghét cảm giác bị phụ thuộc vào ai đó.
Không tìm được việc, hàng ngày tôi lấy xe đạp, chạy quanh các cánh đồng nho, hy vọng có người cho làm, nhưng chẳng ai nhận tôi, lý do là đủ người, hoặc phải đi theo nhóm.
Mai đi làm nhiều việc dù ông xã nói tiền lương của anh có thể lo tốt cho cô.
Vài ngày sau đó, tôi chuyển hướng, thay vì đi các trang trại nho, tôi can đảm đi gõ cửa các nhà nghỉ gần nhà để xin làm dọn phòng. May thay lúc nhỏ tôi được mẹ dạy cách dọn dẹp nhà cửa, và được mẹ nuôi người Australia dạy cho cách trải giường chiếu kiểu Tây. Thế là cùng với việc tự học, tôi nhanh chóng xin được chân dọn phòng cho nhà nghỉ 6 phòng gần nhà với mức lương 25 đô Australia mỗi giờ vào ngày thứ bảy và chủ nhật.
Nhưng niềm vui cũng không lâu khi khoảng một tháng sau đó, người chủ bán nhà nghỉ và tôi lại thất nghiệp. Không nản chí, tôi xin chân rửa chén cho nhà hàng. Họ đồng ý nhận nhưng sẽ chỉ gọi khi nào họ cần. Nhà hàng nhỏ mà chén đĩa nhiều khủng khiếp. Cứ khoảng 8h tối là chén dĩa bắt đầu dồn về. Bếp trưởng rất khó tính, trong khi tôi những ngày đầu chưa làm được nhanh, thường xuyên bị nghe chửi.
Nhìn chồng chén đĩa nồi niêu phải bằng đám cưới 20 mâm, tôi bật khóc. Ở nhà được ba mẹ chiều, sang đây được chồng nâng niu, nhưng đi làm bị người ta mắng như tát vào mặt khiến tôi tủi thân vô cùng.
Tôi chạy ra ngoài, hít thở một tí lại chạy vào trong bắt đầu công việc. Tôi đã tự chọn công việc này, không thể bỏ ngưng, tôi không cho phép bản thân làm thế. Đêm nào cũng 11h tôi mới về đến nhà. Tay tôi thời điểm đó, vì không đeo bao tay nên da cứ toét ra. Làm mệt nhưng được trả xứng đáng nên tôi ra sức làm. Cho đến một ngày em gái của ông phụ bếp đi du lịch về, nhảy vào thế chân của tôi. Thế là tôi lại thất nghiệp.
Một ngày nọ, tôi buồn và nói chồng chở qua nhà em chồng chơi. Cô ấy là nhà thiết kế nội thất nhưng rất đam mê việc sơn nhà. Những lúc rảnh, cô đi sơn nhà cửa. Tôi ngỏ ý xin đi theo để coi. Và từ đó, tôi bén duyên với nghề sơn lúc nào không hay.
Ngày đầu, em chồng cho tôi đi xem em sơn cửa cho một gia đình, 2 tiếng mà được những 500 đô. Em trả tôi 50 đô vì lý do tôi phụ em trong lúc làm. Những ngày sau đó, em giới thiệu tôi cho một người bạn của em. Chính ông ấy là người đã dạy tôi từ cách cầm chổi, di chuyển tay, phối màu và sơn thế nào. Cứ như thế, ngày làm cùng ông, ngày làm cùng em chồng, lương của tôi tăng dần từ học nghề 50 đô, lên 100 đô rồi 150, có lúc được 200 đô một ngày.
Công việc nghe có vẻ dễ dàng, chỉ cần cầm chổi lên và quét quét, nhưng thực sự không đơn giản như vậy. Tôi phải đứng cả ngày dưới cái nắng mùa hè, khiến nhiều hôm xây xẩm mặt mày, rồi run run đứng trên cái thang, sơn mái nhà cao khoảng 6 mét giữa mùa đông lạnh giá... Bàn tay, cánh tay những ngày đầu như tê cứng, nhức mỏi cả tháng... Sáng sáng thay vì ngủ đến 6h, 4h30 tôi đã bật dậy, đón xe buýt đi ra trạm xe lửa để kịp 6h30 đến chỗ làm. Tôi đã thành thợ sơn như thế. Bây giờ nếu có mua nhà, tôi có thể tự tin đứng ra sửa lại nhà của mình mà không cần thợ. Và thế là tôi có việc 5 ngày mỗi tuần.
Tin vui bỗng đến khi một ngày mẹ chồng nói ông chủ chỗ siêu thị nhận tôi vào làm, trước mắt là 5 tiếng mỗi tuần. Vậy là tôi bắt đầu đi làm ở siêu thị một ngày và đi sơn 4 ngày.
Lại một thử thách mới, khi tên sản phẩm tôi cũng không đọc nổi, đằng này người ta còn ghi tắt. Công việc của tôi là giúp mẹ chồng tôi làm vé sale off và special vào mỗi sáng thứ tư hàng tuần, trên khoảng 3.000 sản phẩm. Tôi hỏi mẹ thông thường thì một nhân viên mất bao lâu để làm xong từng đó, mẹ bảo khoảng 5 tiếng cho 2 người.
Ngày đầu, mẹ giao cho tôi 300 vé, và tôi mất 5 tiếng để làm được một nửa số đó. Cuối ngày tôi không dám nhìn mẹ và bảo, con không làm được mẹ ạ. Mẹ tôi cười, bà bảo có ai mà làm được ngay đâu, cái gì cũng cần thời gian.
Hàng ngày có thời gian rảnh, tôi lại chạy xuống siêu thị và đi xem tên các sản phẩm. Trời không phụ lòng, tôi tiến bộ hàng ngày. 5 tiếng đồng hồ với khoảng 1.500 đến 2.000 sản phẩm không thể làm khó tôi. Được vài tháng, ông quản lý nói tăng cho tôi thêm 4 giờ làm buổi chiều ở quầy tính tiền.
Cho đến một ngày mẹ chồng đọc báo, mẹ nói khách sạn 5 sao đang tuyển người, con có muốn thử đi không. Tôi không bỏ lỡ cơ hội, nộp hồ sơ ngay. Qua 3 vòng phỏng vấn, vượt qua 17 người, cuối cùng tôi được nhận. Sau 3 tháng thử việc, tôi được nhận làm nhân viên chính thức vào tháng 9/2015, với chế độ ưu đãi bảo hiểm xã hội, nghỉ phép có lương, đóng thuế đàng hoàng. Tôi được hưởng nhiều chế độ tốt như xe hư giữa đường sẽ có người ở công ty đến sửa, không mất tiền, trợ cấp tiền mua kính cận hàng năm, tiền thưởng cuối năm...
Mai mới sinh con gái đầu lòng được gần 3 tháng.
Tôi nghỉ nghề sơn và làm ở siêu thị một ngày, 4 hoặc 5 ngày còn lại ở khách sạn. Tôi hài lòng về thời gian biểu làm việc vào ban ngày do tôi có thể dành thời gian ban đêm cho gia đình. Sau thời gian nghỉ sinh tôi sẽ quay trở lại làm việc ở khách sạn và siêu thị như trước.
4 năm sống nơi xứ người, tôi đã tự tin, trưởng thành và học được nhiều điều. Tôi không học đại học, đồng nghĩa với việc cơ hội xin việc sẽ bị khép lại nhiều hơn. Nhưng tôi hiểu, tôi vẫn có thể làm nhiều việc khác dù không có bằng trong tay. Trước khi sinh, tôi đã cố gắng học một bằng về làm đẹp, để sau này sinh xong có thể mở một cửa hàng nhỏ chuyên về chăm sóc da của riêng mình..
Tôi đã chọn cuộc sống như vậy và vẫn đang nỗ lực hàng ngày để làm chủ cuộc sống của mình. Tôi vui vì được làm việc, được tiêu những đồng tiền do chính mình kiếm ra dù mọi thứ chẳng hề dễ dàng...
PV
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC