Chị Huyền Trân (Huế) đang có tổ ấm nhỏ hạnh phúc bên con gái nhỏ Chloe và ông xã Kermarrec Alexis – chuyên gia thẩm định cao cấp mảng bất động sản của một ngân hàng và công ty dịch vụ tài chính Pháp.
Sau hơn 6 năm lấy chồng ở Pháp và sinh sống nơi xứ người, bắt đầu đi lên từ con số 0, bây giờ chị đã hòa nhập với cuộc sống nơi đây. Dù biết vẫn còn cần học hỏi rất nhiều thứ nhưng ít nhất chị không còn bị bỡ ngỡ hay lo sợ như những ngày đầu vừa mới đặt chân sang. Chị cũng đã nguôi nỗi nhớ quê hơn vì biết rằng xung quanh mình giờ đã có người thân, bạn bè, những đồng hương và cả bố mẹ chồng yêu thương.
Bố mẹ chồng Pháp không ngại quê nghèo, ngồi bệt xuống đất ăn cơm
Chị Huyền Trân là con cả trong gia đình có 4 chị em ở Huế, bố mẹ mất từ sớm. Vì vậy 19 tuổi, chị phải rời xa các em ra Hà Nội kiếm việc làm, hỗ trợ nuôi em ăn học. Khi ấy để mưu sinh cuộc sống, ban ngày chị phải làm mẫu cho học viên trang điểm, ban đêm phụ giúp người quen trông coi quán bar.
Năm 2013, chị có mối duyên định mệnh với anh Kermarrec Alexis – một chàng trai đến từ nước Pháp. Tuy nhiên, sau một năm yêu thương và tìm hiểu với nhiều chông gai, thử thách, chị từng không tin vào tình yêu đích thực, từng nhiều lần vì mặc cảm mà nói lời chia tay và từ chối lời cầu hôn của anh Alexis. Cuối cùng năm 2014, chị cũng đã chấp nhận lời cầu hôn của anh Alexis và có một đám cưới hạnh phúc ở Việt Nam, Pháp sau đó. Chị Huyền Trân tâm sự, may mắn lớn nhất của cuộc đời chị là cưới được người chồng yêu thương, thấu hiểu và có bố mẹ chồng hết mực yêu quý, giúp chị cảm nhận được hơi ấm bao lâu thiếu hụt.
Đến bây giờ, chị vẫn còn nhớ mãi lần đầu tiên gặp bố mẹ chồng sau 6 tháng quen anh Alexis trong một lần họ đến Việt Nam du lịch. Chị đã run, lo lắng và áp lực khi anh Alexis mời mình gặp mặt bố mẹ.
Hồi đó, chị đã từ chối khéo vì chị chưa chắc chắn mọi chuyện của cả 2. Hơn nữa, chị tủi thân vì phận mồ côi cả cha lẫn mẹ, không có nhà, em út lại nhiều và đang làm việc tại môi trường phức tạp. Chị nghĩ mình không xứng đáng để gặp mặt nhà chồng.
Tuy nhiên vì sự thấu hiểu và động viên của anh Alexis, sau 2 đêm suy nghĩ chị đã đồng ý. Lần đầu tiên gặp gỡ, chị đã rất ấn tượng về sự lịch lãm, sang trọng, thân thiện, những cái ôm hôn chào hỏi đúng kiểu Âu cùng với nụ cười tươi, ấm áp của bố mẹ chồng. Những điều đó đã khiến mọi lo âu, áp lực của chị tan theo hết. Đặc biệt sự giản dị, hòa đồng, vui vẻ của họ đã để lại rất nhiều ấn tượng trong lòng chị ngày đầu tiên gặp gỡ ấy.
Hình ảnh buổi gặp gỡ đầu tiên của chị và bố mẹ chồng.
Không chỉ yêu thương chị từ những ngày đầu, bố mẹ chồng còn mở rộng cánh cửa chào đón, yêu thương, bao bọc, che chở chị những ngày mới chân ướt chân ráo sang Pháp sinh sống cùng chồng. Hiểu những khó khăn chị sẽ phải trải qua với cuộc sống mới, ông bà đã ngỏ ý muốn 2 vợ chồng chị sống cùng để giúp chị tập làm quen dần.
“Mình cưới 3 tháng là theo chồng về Pháp để sinh sống luôn. Ban đầu mình cũng lo lắng vì qua bên đó sẽ bắt đầu từ đâu? sẽ như thế nào? Có cả trăm câu hỏi mà phần trả lời chắc chẳng có là mấy. Nhưng may mắn mình có được nhà chồng hết sức yêu thương, và đã mở rộng cánh cửa đón chào mình những ngày vừa mới chân ướt chân ráo qua xứ người làm dâu. 2 vợ chồng mình đã sống chung với với bố mẹ vài tháng. Sau đó chúng mình dọn ra một căn hộ nhỏ trong thành phố để 2 vợ chồng bắt đầu một cuộc sống mới từ đây”, chị Huyền Trân chia sẻ.
Đối với chị Huyền Trân, bố mẹ chồng không chỉ tâm lý mà còn vô cùng giản dị, thân thiện. Chị còn nhớ năm 2018, bố mẹ chồng không ngần ngại ngỏ ý muốn đi cùng vợ chồng chị về thăm mọi người ở quê.
Mặc dù ở quê còn khó khăn, thiếu thốn đủ đường nhưng bố mẹ chồng chị vẫn rất thân thiện, không e ngại mọi thứ, đặc biệt cả 2 gật đầu ngay và muốn về quê ngoại luôn khi chị ngỏ lời. Chị biết sự đường đột này sẽ không có sự chuẩn bị nào trước hết cho bố mẹ khi về miền quê nghèo chị sinh ra nhưng chính điều đó lại khiến chị vô cùng xúc động. Khi xe vừa về đến cổng làng, chưa nói hết câu “Bố mẹ đã sẵn sàng chưa? Nhà cậu con sẽ không có đầy đủ tiện nghi đâu nhé! Nếu bố mẹ không chê thì mình sẽ ở lại cho đến chiều tối mới về lại thành phố nhé!”, chị Huyền Trân đã thấy bố mẹ ôm hôn chào cậu ríu rít, ai nấy cũng đều vui vẻ, tay bắt mặt mừng.
“Thật lòng mà nói ở quê ngoại mình còn nghèo lắm. Đặt biệt cậu mợ mình đúng chuẩn nông thôn nhưng mình chưa bao giờ thấy xấu hổ về điều đó. Ngược lại mình còn rất thương cậu mợ và các anh chị ở quê, nghèo tiền, nghèo bạc chứ chưa bao giờ nghèo nhân cách sống”, chị Huyền Trân thổ lộ.
Gia đình chồng chị là gia đình danh giá nhưng mọi người đều thân thiện, gần gũi và bình dị.
Vậy là bữa cơm quê cây nhà lá vườn không báo trước với rau từ trong vườn, cá từ ao và gà trong chuồng, mỗi người một chân một tay chẳng mấy chốc đã có một mâm cơm đầy đủ, tươi ngon được bày biện ở giữa nhà.
Chẳng có bàn có ghế, mọi người cùng nhau quây quần dưới nền nhà mộc mạc và bình dị. Đặc biệt, bố mẹ chồng chị dù không quen ngồi bệt xuống đất nhưng vẫn không một chút ngần ngại, giữ tay nhau cùng ngồi xuống và ăn bát cơm quê.
“Người Việt Nam mình có thể ngồi quen được như vậy chứ nhà chồng mình người nào cũng to con không quen ngồi bệt xuống đất như vậy khiến khi ngồi đúng kiểu khóc cười luôn. Chén bát mỗi cái mỗi kiểu, đũa chiếc ngắm chiếc dài nhưng bố mẹ chồng không lấy làm quan tâm lắm. Họ chỉ biết mọi thứ hoà vào nhau rất ấm áp và xúc động biết bao. Cậu mình bị lãng tai nên nói rất to công với giọng bản địa nên rất khó hiểu được. Bất chấp ngôn ngữ và văn hoá khác nhau dù không hề hiểu nhau và cũng chẳng cần mình phiên dịch nhưng tất cả mọi người đều cười nói rôm rả khiến thời gian cứ trôi đi”, chị Huyền nhớ lại.
Chị Huyền Trân thổ lộ, nhìn thấy khoảnh khắc ấy chị đã khóc vì quá xúc động và thầm cảm ơn trời đã ban cho mình mọi thứ, ban cho mình gia đình chồng đáng yêu đến như vậy. Và đó là một kỷ niệm đẹp của chị về bố mẹ chồng cứ mãi khắc sâu trong tim chị đến tận bây giờ, chưa bao giờ chị thấy vui, hạnh phúc hơn khi ấy.
Làm dâu phương Tây luôn có tiếng nói riêng
Chia sẻ về chuyện làm dâu của mình, chị Huyền Trân bộc bạch, ngày đầu làm dâu nghe lời góp ý của mọi người chị cũng rất sợ và áp lực. Thế nhưng khi về làm dâu rồi, chị không thấy có trở ngại nào trong mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu. 6 năm qua ở Pháp chị chưa hề bị áp lực điều này bởi ở phương Tây trân trọng quyền riêng tư của mỗi cá nhân, chuyện vợ chồng là của vợ chồng, bố mẹ không can thiệp. Thậm chí chuyện dạy bảo con cái bố mẹ cũng không can thiệp hay đến nhà con chơi bố mẹ cũng phải nhắn tin, gọi điện hỏi trước.
Không chỉ vậy, bố mẹ chồng chị còn tôn trọng cả văn hóa, phong tục của quê hương con dâu. Dù ở Pháp nhưng Tết Nguyên Đán Việt năm nào ông bà cũng sang đón Tết với vợ chồng chị.
Chị Huyền Trân chia sẻ, 2 vợ chồng chị ở 2 nền văn hóa khác nhau nên cả 2 đã thống nhất giữ nguyên văn hóa 2 nơi và cùng nhau thực hiện. Việc này không chỉ mang lại ý nghĩa, giúp 2 vợ chồng trân trọng nhau hơn mà còn giúp con cái biết được sự khác nhau của quê cha, quê mẹ. 6 năm qua dù ở Pháp chị vẫn luôn thực hiện phong tục, văn hóa ở Pháp và Việt Nam. Mỗi dịp Giáng sinh, 2 vợ chồng chị về nhà bố mẹ chồng để phụ dọn dẹp, trang trí nhà cửa và cây thông, nấu những món truyền thống, mua những món quà, viết những tấm thiệp. Sau đó cùng cả gia đình ăn uống, trò truyện cho tới nửa đêm cùng nhau mở quà và đợi đón Chúa chào đời.
Dịp Tết Tây, vợ chồng chị thường tụ họp với bạn bè để cùng nhau đón năm mới sang. Còn những dịp lễ Tết của Việt Nam, chị lại mời bố mẹ chồng sang nhà để cùng nhau đón Tết. Chị vẫn nấu các món Việt để cúng đầu năm mới, bày biện mứt, mâm ngũ quả, rồi chuẩn bị lì xì và mặc áo dài truyền thống đi chùa cầu an giống như Việt Nam. Chính vì vậy, dù hằng năm không về được quê nhà đón Tết, chị vẫn cảm thấy đủ, không buồn, cô đơn nơi xứ người vì có gia đình chồng ở bên.
Chị luôn coi bố mẹ chồng như bố mẹ đẻ.
Chị còn cảm may mắn vì nhà chồng giúp đỡ về mọi mặt, cả tinh thần lẫn vật chất. Bố mẹ chồng chị sẵn sàng chăm cháu cả tuần để vợ chồng chị đi du lịch, có thời gian riêng cho nhau. Và mỗi lần gửi con cho ông bà chị đều không hề bận tâm với quan điểm nuôi dạy con khác thế hệ giống như những mẹ Việt Nam.
“Mỗi lần mình gửi con gái về ông bà. Ông bà sẽ có trách nhiệm lắng nghe điều mình bàn giao khi nhờ gửi bé như “đừng cho bé tiếp xúc điện thoại, tivi những đồ liên quan đến điện tử”, “đừng cho bé ăn quá nhiều đồ mặn hoặc quá ngọt”, “Hay cho bé ăn đúng giờ như thế nào? giờ đi ngủ như thế nào?”,… Ông bà sẽ có trách nhiệm báo lại cho vợ chồng mình biết”, chị Huyền Trân cho hay.
Chị và mẹ chồng còn có những khoảng thời gian hẹn hò riêng.
Đối với chị, chỉ cần sống biết điều và biết trên dưới, biết đúng sai thì mọi khuất mắt giữa chuyện mẹ chồng nàng dâu cũng sẽ được hoà giải.
Theo chị Huyền Trân, ở phương Tây rất tôn trọng về điều khoản riêng của từng cha mẹ dạy bảo con cái nên bố mẹ chồng rất tôn trọng và làm theo ý của vợ chồng chị.
Làm dâu ở Pháp, chị có tiếng nói riêng, được là chính mình, cùng nói, góp ý, đưa ra những quan điểm với bố mẹ chồng. Chị có thể nói và cùng bàn bạc với bố mẹ chồng để hiểu nhau hơn. Chính vì vậy, chị bớt áp lực chuyện con dâu phải sợ mẹ chồng, hay mẹ chồng được phép bắt nạt con dâu và ông xã chị cũng không phải đứng giữa để cân bằng chuyện mẹ chồng nàng dâu. “Con gái mình đã hơn 2 tuổi, bé hàng ngày vẫn đến trường mẫu giáo vào thứ 2/4/6 mỗi tuần. Còn lại thứ 3/5 thì bé sẽ về chơi và sẽ ngủ lại ở nhà ông bà. Vợ chồng mình chỉ chăm bé vào dịp cuối tuần thôi. Vậy nên, mình khá thoải mái trong cuộc sống hàng ngày vì không vướng bận vào chuyện con cái quá nhiều. Hơn nữa, chồng mình rất thích chăm sóc con cái nên bé nhà mình cũng theo ba nhiều hơn.
Có những lúc vợ chồng mình đi du lịch 2 người, bố mẹ chồng sẵn sàng chăm cháu cả tuần để vợ chồng mình có thời gian riêng dành cho nhau. Hạnh phúc của mình đơn giản chỉ có vậy thôi. Mình chưa bao giờ mơ ước giàu có hay cao sang vì mình rất bằng lòng với những gì mình đang có”, chị Huyền Trân cười.
Hiện tại, chị cảm thấy hạnh phúc và biết ơn chồng cùng gia đình nhà chồng vì mọi người đã cho chị một cuộc sống tốt đẹp như bây giờ, đủ để bù đắp lại những sự mất mát, không may mắn trong quá khứ của chị.
Chị Huyền Trân đang rèn luyện học tiếng Pháp và làm thêm part-time về nghề bếp.
Nguồn: Eva.vn
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC