Cụ bà người Việt duy nhất ở Thủ đô Trung Phi và 70 năm đau đáu nhớ quê

Cụ bà người Việt duy nhất ở Thủ đô Trung Phi và 70 năm đau đáu nhớ quê

Nhận ra người lính mũ nồi xanh mắt đen, da vàng, nói tiếng Việt, cụ Luyến ôm chầm lấy, rưng rưng…

Hoàn thành nhiệm vụ, trở về nước 3 năm nhưng Trung tá Vũ Văn Hiệp, 1 trong ba sĩ quan đầu tiên của Việt Nam được cử đến Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Cộng hòa Trung Phi (MINUSCA) vẫn không quên những kỷ niệm một năm gắn bó với vùng đất đầy bất ổn nhưng cũng đẫm tình người xa xôi ấy.

132 1 Cu Ba Nguoi Viet Duy Nhat O Thu Do Trung Phi Va 70 Nam Dau Dau Nho Que

Cụ Luyến mặc chiếc áo in hai chữ “Việt Nam” để tiếp đón các chiến sĩ mũ nồi xanh.

Đặc biệt là kỷ niệm về cụ bà gần 90 tuổi Nguyễn Thị Luyến, người phụ nữ Việt Nam duy nhất sống tại thủ đô Bangui, nước Cộng hòa Trung Phi và đã 70 năm rồi lăn lộn, tần tảo nuôi con cháu ở vùng đất xa lạ ấy mà chưa một lần trở lại quê nhà.

70 năm đau đáu nỗi nhớ quê nhà

Trung tá Vũ Văn Hiệp đến Cộng hòa Trung Phi thực hiện nhiệm vụ tại MINUSCA nhiệm kỳ 2015-2016. Trong một lần sang ăn cơm trưa tại quán ăn đối diện trụ sở công tác, anh Hiệp tình cờ biết được rằng ở đất nước châu Phi xa xôi này, có một phụ nữ Việt Nam sinh sống đã gần 70 năm.

“Hôm đó, tôi gặp một người phụ nữ Trung Phi đứng tuổi. Nhìn thấy trên quân phục của bọn tôi có in hai chữ ‘Việt Nam’, cô ấy tiến lại hỏi chuyện. Thì ra, bà ngoại cô ấy là người Việt. Lúc đó, tôi ngạc nhiên lắm. Chính hai chữ ‘Việt Nam’ thiêng liêng kết nối chúng tôi” – Trung tá Hiệp nhớ lại buổi đầu biết về cụ Luyến.

Sau nhiều lần lỡ hẹn vì bận công tác, dịp Tết Dương lịch, anh Hiệp mới có điều kiện tìm đến thăm nhà gia đình cụ Nguyễn Thị Luyến. Cụ sống trong con ngõ gập ghềnh đất đá sỏi và bụi mù tại thủ đô Bangui.

Thấy bóng dáng vị khách vừa lạ vừa quen, cụ Luyến ra tận cổng đón, để rồi khi nhận ra vị khách đó là người Việt, cụ ôm chầm lấy anh rung rưng nắn vai như thể muốn chắc chắn rằng mình đang được gặp người đồng bào đầu tiên sau gần 70 năm.

Theo câu chuyện cụ kể, cụ quê gốc ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Năm 1953, cụ theo một người lính lê dương về Trung Phi và sống ở Bangui từ đó đến giờ. Vì một số lý do, cụ chưa một lần trở về Việt Nam.

“Cụ lập cập hỏi tôi đủ thứ chuyện về Hà Nội, về Việt Nam. Không biết do quá xúc động hay vì gần 70 năm không sử dụng tiếng mẹ đẻ mà câu chữ cứ líu díu vào nhau, giọng cụ cũng run run không lưu loát và tròn rõ như thường.

Có lúc bí từ để diễn tả, cụ chêm bằng tiếng Pháp, bởi từ khi sang Trung Phi cụ chưa từng một lần liên lạc về Việt Nam, và theo cụ, ở nơi này, chỉ có cụ là người Việt duy nhất, do đó, cụ không có cơ hội dùng tiếng mẹ đẻ bao nhiêu năm nay. Thậm chí cụ vẫn dùng cách nói của những năm 1950, xưng là ‘tôi’ và gọi tôi là ‘ông’ dù cụ lúc đó đã 86 tuổi” – anh Hiệp nhớ lại.

132 2 Cu Ba Nguoi Viet Duy Nhat O Thu Do Trung Phi Va 70 Nam Dau Dau Nho Que

Cụ Luyến bên các cháu lần đầu được đón tiếp đồng bào sau gần 70 năm. 

Giống như Trung tá Hiệp, Thượng tá Lê Ngọc Sơn cũng không thể quên được những khoảng khắc đầu tiên khi gặp cụ Luyến. Xúc động khi nghe người đồng đội đi trước kể về người phụ nữ Việt duy nhất ở Trung Phi, ngay khi vừa đến nhận nhiệm vụ tại MINUSCA năm 2017, anh Sơn cùng những người đồng đội trong tổ công tác Việt Nam cố gắng sắp xếp thời gian tìm đến nhà thăm hỏi cụ Luyến.

“Vì được cháu cụ báo trước về chuyến đến thăm của những người đồng bào Việt Nam, cụ Luyến nhấp nhổm mong ngóng từ sớm mặc dù chưa đến giờ hẹn. Tôi nhớ như in chiếc áo cụ mặc buổi hôm đó: là chiếc áo phông đỏ, có in dòng chữ Việt Nam màu vàng phía trước ngực. Cụ nói gặp được bọn tôi cụ rất vui vì được nói tiếng Việt, và còn dặn chúng tôi hãy thường xuyên đến chơi với cụ” – anh Sơn nhớ lại.

Kiên cường trong mọi hoàn cảnh!

Chắc có lẽ, chỉ những người lính Việt Nam làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại MINUSCA mới có thể cảm nhận hết và đủ sức vượt qua được sự khắc nghiệt của thời tiết, bệnh dịch cũng như an ninh bất ổn ở Bangui.

“Khó có thể miêu tả được hết cái nắng bỏng rát ‘đặc sản’ của Trung Phi. Đến những chiếc xe của phái bộ Liên hợp quốc qua sử dụng dăm tháng, thường xuyên để ngoài nắng, phần da bọc ở phía trước bên trong xe bị chảy và sùi ra như nhựa đường đun nóng. Vậy mà cũng như phần lớn các gia đình ở Thủ đô Bangui, cụ Luyến sống cùng các cháu của mình ở trong căn nhà cấp 4 mái lợp tôn, điện lưới phập phù, ngày có thì đêm mất. Tôi ngồi dưới mái hiên nhà cụ, đầu đội mũ mà vẫn cảm thấy cái nóng hầm hập xuyên xuống từ lớp mái tôn. Sự bất ổn về an ninh thì lúc nào cũng thường trực trong gần 3 năm nay” – anh Hiệp cho biết.

Theo lời cụ Luyến chia sẻ, mỗi lần bạo lực bùng phát, cụ bắt các cháu mình phải đi lánh nạn, trong khi chỉ còn cụ và một người cháu lớn là quyết tâm ở lại trông nhà và hàng quán, dù nhiều gia đình khác đi sơ tán hết.

“Hồi nhỏ ở Việt Nam, lúc giặc Pháp càn quét, bố tôi đi công tác vắng, mẹ tôi cũng là người duy nhất ở lại trông nhà. Phụ nữ Việt Nam ở đâu cũng vậy thôi, kiên cường trong mọi hoàn cảnh!” – anh Hiệp nhớ lại lời kể của cụ.

“Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”

Khó khăn, nguy hiểm là thế, nhưng người phụ nữ Việt Nam duy nhất sống tại thủ đô Trung Phi này quyết không chịu khuất phục số phận. Dẫn những “vị khách” Việt Nam chúng tôi đi một vòng quanh ngôi nhà, cụ Luyến tự hào giới thiệu về những gì mình gây dựng được sau bao năm tháng.

132 3 Cu Ba Nguoi Viet Duy Nhat O Thu Do Trung Phi Va 70 Nam Dau Dau Nho Que

Cụ Luyến tự hào giới thiệu về những gì mình gây dựng được tại Trung Phi sau bao năm tháng.

Cụ có 3 cái nhà, trong đó có 1 cái cụ đang ở cùng các cháu, còn 2 cái kia cụ cho thuê để thêm thu nhập. Cụ còn nuôi được rất nhiều gà theo mô hình công nghiệp và trồng một vườn rau xanh với nét rất “Việt Nam”.

“Trong góc vườn của cụ có cả gừng và mùi tàu Việt Nam. Đây là điều rất đặc biệt, bởi ở cả Trung Phi này chắc chắn không nơi đâu có được cây mùi tàu, nhưng cụ vẫn có. Cúi xuống bứt một chiếc lá, cụ chậm rãi nói một cách tự hào: ‘Mùi tàu Việt Nam đấy!’” – anh Sơn xúc động nhớ lại.

Do khí hậu khắc nghiệt, thổ nhưỡng không được tốt như ở Việt Nam, người dân Trung Phi có ít khả năng tăng gia. Nhưng với cụ Luyến, ngay từ hồi mới tới đây, cụ đã bắt tay vào canh tác khu vườn nhà mình. Cũng nhờ thế, trong khi nhiều gia đình ở đây phải chịu cảnh đói quanh năm, các con của cụ vẫn có ngô và sắn để cầm cự. Theo lời cụ, “cứ có đất, dù cằn cỗi đến mấy cũng vẫn trồng cấy được, miễn là phải cần cù, chịu khó”. Chắc hẳn cụ đã luôn ghi nhớ câu thành ngữ “Có sức người sỏi đá cũng thành cơm” của người Việt.

Dù xa quê gần 70 năm, nhưng cụ chưa bao giờ quên cách chế biến nhiều món ăn thuần Việt. Ban đầu, cụ chỉ chế biến cho gia đình mình ăn và truyền lại cho các con, rồi đến các cháu, các món như cá kho riềng, cá sốt cà chua, cải xào lòng gà,… và đặc biệt là nem rán.

Sau dần, nhận thấy mọi người, kể cả người nước ngoài hay người Trung Phi, đều rất thích ăn món nem rán, cụ mới nghĩ và chỉ đạo con cháu chế biến để cung cấp cho các nhà hàng xung quanh. Kinh tế gia đình cụ kể từ đó cũng khá hẳn lên.

132 4 Cu Ba Nguoi Viet Duy Nhat O Thu Do Trung Phi Va 70 Nam Dau Dau Nho Que

Nem Việt được bán tại cửa hàng ăn của gia đình cụ Luyến ở gần trụ sở Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn, là món ăn ưa thích của người dân địa phương và nhân viên Liên Hợp Quốc.

Một điều thú vị là cụ vẫn gọi món đặc sản này với tên gọi của người Việt là “nem”, mà không dùng một từ tiếng Anh hay tiếng địa phương tương đương. Giờ đây món nem đã trở thành món ăn ưa thích của nhiều người dân Bangui và phổ biến đến mức vào nhà hàng chỉ cần gọi “Nem!” là người ta cũng có thể hiểu. Chắc hẳn cụ phải tự hào lắm về món đặc sản này lắm mới có thể quyết tâm giới thiệu đến mọi người.

Hy sinh tất cả vì con

Sau hơn 10 năm đưa cụ về chung sống ở Bangui, chồng cụ chết vì bạo bệnh. Cụ ngấn lệ kể về nỗi gian truân khi một mình nơi đất khách tần tảo nuôi 4 đứa con thơ: “Tôi làm tất cả mọi việc có thể, ai thuê làm việc nặng nhọc cũng chẳng quản, miễn là kiếm được miếng ăn cho con. Phụ nữ châu Phi có thể bất lực ngồi nhìn con chết đói. Phụ nữ Việt bao giờ cũng hy sinh tất cả vì con”.

4 người con của cụ vì thế mà vẫn được đến trường và được cụ rèn cho đức tính cần cù, chịu khó, không quản ngại gian khó của người Việt. Kết quả là họ đều đã trưởng thành. Giờ đây, cụ đã có tới 34 người cháu và chắt. Đáng quý hơn, con cháu cụ đều thành đạt cả: người thì luật sư, người làm hải quan, người bác sĩ, người thẩm phán… Ai cũng có cơ ngơi riêng với nhà, xe hơi, cuộc sống sung túc tại Pháp và Trung Phi.

Biết cụ rất trân trọng, yêu quý những gì thuộc về Việt Nam, mỗi lần có dịp về thăm cụ, con cháu từ Pháp đều mang theo những thứ mang hương vị quê hương Việt Nam làm quà. Ngoài nguyên liệu thực phẩm để chế biến các món ăn Việt bán tại Trung Phi, cụ còn nói con cháu mua cho mình những quần áo có nguồn gốc từ Việt Nam. Nhưng rồi cụ chỉ mặc nó vào những dịp thật đặc biệt, còn lúc thường đều gấp ngay ngắn và cất vào tủ vì sợ hỏng mất.

132 5 Cu Ba Nguoi Viet Duy Nhat O Thu Do Trung Phi Va 70 Nam Dau Dau Nho Que

Trên bàn là chiếc túi bột bánh bao còn nguyên vẹn nhưng đã hết hạn sử dụng được cụ Luyến cất giữ cần thận như một vật kỷ niệm về Việt Nam, cùng khay trứng cụ tặng các chiến sĩ mũ nồi xanh.

Có lần anh Sơn đến chơi, cụ Luyến còn mang ra một túi bột bánh bao còn nguyên vẹn nhưng đã hết hạn sử dụng từ rất lâu rồi và nói đó là bột con cháu mua từ Pháp mang về tặng cụ. Khi hỏi cụ tại sao không ăn đi mà để đến giờ, cụ nghẹn ngào nói rằng “muốn giữ lại một gói để làm kỷ niệm”.

Xúc động trước tình cảm và nỗi nhớ quê nhà của cụ, mỗi khi có điều kiện qua thăm cụ, các sĩ quan gìn giữ hòa bình như anh Hiệp, anh Sơn lại mang đến biếu cụ những món đồ mà họ mang được từ Việt Nam sang, như nước mắm, cà phê, mỳ tôm, miến. Mỗi lần như thế, cụ đều rất cảm kích, xúc động không thốt lên lời.

Dịp Tết âm lịch năm 2017, Trung tá Sơn cùng các đồng đội còn chuẩn bị hẳn một cái Tết Việt để mời cụ đến dự. Trong điều kiện còn thiếu thốn, nhưng anh Sơn kể, cái Tết ấy vẫn đầy đủ không khí Tết Việt. Nào là cành đào, câu đối tết, phong bao lì xì, gói bánh chưng, làm nem, bày bàn thờ, mâm ngũ quả và ảnh Bác Hồ.

Trong ký ức của cụ, không khí về cái Tết truyền thống của Việt Nam có lẽ đã bị thời gian làm mờ dần theo năm tháng. Đây là lần đầu tiên sau gần 70 năm, cụ mới lại được cảm nhận cái không khí này.

Thắp nén hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ xúc động nói: “Cảm ơn các cháu đã cho bà cơ hội nhớ lại những ký ức của 70 năm về trước, cho bà được đón một cái tết truyền thống của dân tộc Việt Nam ngay tại Trung Phi, điều mà trước đây bà nghĩ có lẽ đến khi qua đời cũng bao giờ có được”.

 

Nguồn: VTC


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan