Cuộc sống của người phụ nữ Việt nấu ăn cho giới nhà giàu ở Senegal

Cuộc sống của người phụ nữ Việt nấu ăn cho giới nhà giàu ở Senegal

Theo chồng sang châu Phi sinh sống, chị Lê Thị Hải Yến chỉ mất vài ngày để làm quen môi trường mới. Tại đây, chị trổ tài nấu các món Việt, phục vụ cho giới nhà giàu ở Senegal.

1 Cuoc Song Cua Nguoi Phu Nu Viet Nau An Cho Gioi Nha Giau O Senegal

Xê dịch theo công việc của chồng

Mở đầu câu chuyện người Việt ở châu Phi, chị Lê Thị Hải Yến (42 tuổi, Senegal) hào hứng kể về ngôi nhà màu trắng của mình trên bãi biển thơ mộng. 

Lúc còn ở Pháp, chị Yến luôn nghĩ về căn nhà nhỏ nằm nghe sóng vỗ nhưng ước mơ đó quá xa xỉ. Chỉ đến khi đặt chân đến Senegal, khát khao ngày nào của chị mới trở thành hiện thực.

2 Cuoc Song Cua Nguoi Phu Nu Viet Nau An Cho Gioi Nha Giau O Senegal

Ngôi nhà trên bãi biển của gia đình chị Hải Yến.

Biển ở đất nước phía tây lục địa châu Phi ngập tràn nắng ấm, vỗ bờ bằng những con sóng êm đềm. Nhà của chị Yến nằm trên bờ đá, có thể ngắm được toàn cảnh vùng biển bao quanh. Ở đó, mỗi chiều, chị thường đưa con trai nhỏ ra bờ biển dạo chơi. 

3 Cuoc Song Cua Nguoi Phu Nu Viet Nau An Cho Gioi Nha Giau O Senegal

Từ ngôi nhà, chị Yến có thể ngắm được một vùng biển rộng.

Hơn 1 năm trước, khi chồng đề nghị chuyển đến Senegal, chị Yến gật đầu: “Anh đi đâu, mẹ con em theo đó”. 

Chị không ngờ quyết định quyết đoán ngày ấy giúp bản thân khám phá thêm nhiều điều thú vị.

Chị Yến kể: “Chồng tôi là người Pháp, làm việc trong ngành nước sạch, khách hàng chủ yếu ở các nước châu Phi. Mùa dịch Covid-19, khi anh rời Pháp đi công tác, không thể trở về bên gia đình. Thế nên, anh đề nghị vợ con cùng sang Senegal”.

Gần 20 năm kết hôn, chị Yến chỉ làm nội trợ và chăm sóc con cái. Tuy nhiên, khi chồng đề nghị chuyển đến một đất nước khác, chị chẳng chút e ngại, mang theo 2 cậu con trai nhỏ rời Pháp.

4 Cuoc Song Cua Nguoi Phu Nu Viet Nau An Cho Gioi Nha Giau O Senegal

20 năm ở nhà làm nội trợ, chị Hải Yến vẫn nhanh chóng thích nghi với môi trường mới.

Hành trình đến Senegal của gia đình chị Yến gặp nhiều khó khăn. Cả nhà bị kẹt lại 1 tháng tại khách sạn ở Bồ Đào Nha do nhiễm Covid-19.

Đến khi bay được sang Senegal, chị Yến thiếu visa nên cả nhà bị chặn lại. Máy bay hạ cánh lúc 2h sáng và họ phải trải qua 16 tiếng đồng hồ ở sân bay.

“Lúc đó, con trai nhỏ của tôi chưa được 1 tuổi, phải nằm vật vạ trên băng ghế bằng gỗ. Vợ chồng tôi và cậu con trai lớn cố gắng chợp mắt dù bụng đang đói meo. Mấy cô lao công thấy thương quá nên đem bánh mì đến cho 2 con tôi ăn tạm”, chị Yến kể.

Nhờ mối quan hệ với chính quyền sở tại, chồng của chị Yến được bảo lãnh để nhập cảnh vào Senegal.

Tại đây, cả nhà chị chuyển vào sống tại căn chung cư rộng hơn 100m, đầy đủ tiện nghi, được người quen thuê sẵn. Sau vài tháng sống cảnh nhà thuê, vợ chồng chị Yến bàn nhau mua nhà.

Tìm kiếm mãi, cả hai cũng tìm được căn nhà trên bờ biển, đúng sở thích. Từ chỗ cứ đi rồi tính tiếp, cả nhà chị Yến dần yêu thích và chọn gắn bó lâu dài trên đất nước Senegal.

Nấu ăn phục vụ giới nhà giàu

Chị Hải Yến chỉ mất vài ngày để hòa nhập với cuộc sống ở châu Phi. Qua tìm hiểu, chị biết được người dân bản địa đa phần làm nghề đánh cá, kinh tế không mấy ổn định. 

5 Cuoc Song Cua Nguoi Phu Nu Viet Nau An Cho Gioi Nha Giau O Senegal

Người phụ nữ Việt Nam kết giao với nhiều bạn bè trên đất nước Senegal.

Khu vực chị sinh sống ít núi, có sa mạc, đất đai không màu mỡ, pha nhiều cát nên khó trồng trọt, rau củ không phong phú.

Thời tiết ở Senegal khá đặc biệt khi chỉ có 2 tháng mưa, 10 tháng nắng. Tháng mưa thì ngày nào cũng mưa dầm dề, tháng nắng thì gần như không có lấy một ngày mưa.

Điều kiện tự nhiên tương đối khắc nghiệt nhưng cư dân nơi đây lại sống rất đơn giản, thậm chí hồn nhiên.

“Họ sống cho hôm nay, không tính đến ngày mai. Ban đầu, cách sống của họ khiến tôi có chút bỡ ngỡ. Khi đã quen dần, tôi thấy họ rất đáng yêu”, chị Yến chia sẻ.

Chị Hải Yến tập thích nghi với cuộc sống mới thông qua các món ăn. Thấy người bản địa thường ăn lá dâm bụt, chị cũng lấy lá nấu canh, lấy hoa ngâm nước uống. 

“Lúc đầu ăn lá dâm bụt, chúng tôi thấy hơi lạ miệng nhưng ăn quen thì thấy hay hay”, chị Yến nói.

Bên cạnh những món ăn mới, chị Yến thường nấu món thuần Việt như: thịt kho trứng, cơm gà Hội An, nem rán… trong các bữa cơm gia đình. 

Ngoài người bản địa, Senegal có nhiều người nước ngoài và nhiều nhất là người Pháp đến sống và làm việc. Nhờ vậy, chị Yến cũng thuận lợi trong việc kết giao bạn bè.

6 Cuoc Song Cua Nguoi Phu Nu Viet Nau An Cho Gioi Nha Giau O Senegal7 Cuoc Song Cua Nguoi Phu Nu Viet Nau An Cho Gioi Nha Giau O Senegal

Những món ăn Việt được chị Yến biến tấu phù hợp với điều kiện thực tế ở Senegal.

Để tăng thêm sự kết nối, chị Yến thường nấu món Việt và mời bạn bè đến nhà dùng bữa. Trong một lần như thế, người bạn Pháp tán dương tài nấu ăn của người phụ nữ Việt và ngỏ ý giới thiệu chị đến nấu món Việt cho một nhà hàng trong vùng. 

Chị Yến ngạc nhiên nhưng cũng tự tin nói: “Tôi chỉ nấu món ăn Việt Nam, nếu khách hàng chấp nhận thưởng thức thì tôi rất sẵn lòng phục vụ”.

Từ đó, chị Yến nhận lời mỗi tháng đến nhà hàng nấu món Việt phục vụ thực khách một lần. Trước mỗi lần phục vụ, chị thường lên thực đơn và đưa cho khách hàng chọn món.

Nem rán, cơm gà Hội An, chè khoai lang… là những món Việt được thực khách ở Senegal chọn lựa nhiều nhất. 80% khách hàng đều hài lòng sau khi thưởng thức món Việt do chị Yến nấu.

Do nguyên liệu ở Senegal có phần thiếu thốn nên chị Yến cố gắng biến tấu một số món Việt phù hợp điều kiện thực tế.

Trong bữa tiệc gần nhất, chị Yến đã nấu các món nem tôm gà, cà ri bò, mousse xoài phục vụ cho hơn 20 thực khách. 

“Cách đây khoảng 1 tháng, tôi nấu món cơm gà Hội An, chè khoai lang cho bữa tiệc có hơn 50 người tham gia. Để hoàn thiện các món ăn, tôi phải làm thâu đêm suốt sáng. Thỉnh thoảng, nhân viên của nhà hàng mới hỗ trợ, bởi họ không biết cách nấu món Việt”, chị Yến nói.

Chị Yến cũng tiết lộ giá của một phần ăn mà chị thực hiện, bao gồm thức ăn, nước uống… lên đến 20.000f, tương đương 30 Euro. Một mức giá rất cao so với thu nhập trung bình 80 Euro/tháng ở Senegal.

8 Cuoc Song Cua Nguoi Phu Nu Viet Nau An Cho Gioi Nha Giau O Senegal

Các nhân viên nhà hàng hỗ trợ chị Yến hoàn thành bữa tiệc cho giới nhà giàu Senegal.

Vì vậy, người làm công ăn lương bình thường ở đây sẽ không đủ khả năng tài chính để đặt phần ăn. Đa số người giàu, người nước ngoài ở Senegal mới có thể thưởng thức bữa ăn đặc biệt do chị Yến chuẩn bị.

Giá trị của ẩm thực Việt ở Senegal cho chị Yến niềm tự hào và mong muốn giới thiệu đến nhiều nước hơn nữa. 

“Sống xa quê hương, tôi càng cảm nhận được giá trị của người Việt ở nước ngoài. Tôi có rất nhiều hoài bão muốn thực hiện và được ông xã rất ủng hộ. Anh thường kể về tôi với bạn bè một cách rất tự hào”, chị Yến hạnh phúc nói.

Theo Vietnamnet


© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan