Ly hôn, với đàn bà là nỗi đau. Nhưng với phụ nữ lấy chồng Tây, sau khi ly hôn, trở về nước sống thì không chỉ đau mà còn khốn khổ bởi những thị phi.
Người ta đồn thổi đủ điều, nào là tôi ham giàu, sính ngoại thì phải trả giá, nào là tôi đạt mục đích có được quốc tịch châu Âu rồi là bỏ chồng ngay…
Nhưng thực ra, khi chúng tôi đến với nhau hoàn toàn là chuyện cảm xúc. Tôi gặp anh trong một cuộc hội thảo chuyên ngành truyền thông. Khi đó tôi vừa mới chân ướt chân ráo bước vào thử việc tại công ty truyền thông và lần đầu đi dự một hội thảo lớn, còn anh khi đó đến dự hội thảo với tư cách là khách mời chuyên gia người nước ngoài.
Tôi ra đi tay trắng và đi về nước cũng trắng tay kèm theo nỗi ân hận vô kể (Ảnh minh họa)
Không hiểu sao ngay từ lần gặp đầu tiên tại bàn trà trong lúc nghỉ hội thảo, chúng tôi đã nhanh chóng thân thiết và qua tấm card visit mà tôi gửi, ngay tối đó anh đã gọi điện thoại cho tôi. Sau nhiều lần gặp gỡ cả ở ngoài thực lẫn trên mạng, chúng tôi đã có cảm tình thực sự. Chúng tôi chính thức hò hẹn sau 2 tháng gặp gỡ.
Mặc dù anh sinh ra và lớn lên ở Pháp, trong nền giáo dục và văn hóa khác biệt, chúng tôi luôn có sự đồng điệu như thể chúng tôi sinh ra là để dành cho nhau.
Cả hai chúng tôi đều mê nhạc trữ tình, đều yêu văn học Pháp và thích sự lãng mạn, quan tâm đến những chi tiết nhỏ. Và chất hào hoa, thanh nhã đúng chất Pháp của anh đã khiến tôi mê mệt.
Thú thực khi yêu anh và quyết định lấy anh làm chồng, gia đình nhà tôi phản đối ghê gớm. Tôi là con gái duy nhất của ông bà, lấy anh nghĩa là tôi sẽ phải xa bố mẹ lâu dài. Trước sự van nài của mẹ và những đêm trằn trọc của cha khi nghe tôi nói sẽ lấy Tây làm chồng, tôi đã vài lần nung nấu ý định nhưng rồi cứ nghĩ đến chuyện một ngày phải rời xa anh, tôi đã khóc hết nước mắt. Và rồi tôi quyết định làm theo sự mách bảo của con tim.
Ngày tôi tổ chức hôn lễ, tôi biết có nhiều người đến dự đã thì thào rằng tôi lấy chồng Tây vì ham giàu, vì muốn được xuất ngoại hay vì muốn “hy sinh đời mẹ củng cố đời con”. Tuy nhiên, tôi và chồng đều hạnh phúc vì chúng tôi đến với nhau hoàn toàn chỉ là vì tình cảm.
Sau đám cưới, chúng tôi đã có những ngày hạnh phúc, nhưng hạnh phúc đó thật ngắn ngủi. Khi về sống chung với nhau, sự khác biệt trong phong cách sống hay văn hóa đã khiến chúng tôi liên tục cãi vã và căng thẳng, đặc biệt là kể từ khi tôi theo chồng về Pháp.
Ngay từ tuần đầu tiên làm dâu nơi xứ người, khi đi hoàn tất thủ tục đăng ký kết hôn, tôi đã vô cùng choáng váng khi nghe chồng tuyên bố rằng: Chúng tôi sẽ làm hôn nhân hợp đồng (nghĩa là tài sản trước khi kết hôn của chồng tôi cũng như tiền thừa kế gia đình cho anh sẽ chỉ thuộc về riêng anh mà thôi) chứ không phải hôn nhân tự nguyện (nghĩa là tài sản của vợ chồng là chung).
Thú thực khi chân ướt chân ráo sang đây, tôi cũng đâu có để ý đến chuyện này nhưng vì anh cứ nói đi nói lại câu: Trước khi lấy em, anh đã phải nỗ lực bao năm mới có khối tài sản ấy mà tôi thấy đau lòng. Hóa ra yêu tôi mà anh vẫn toan tính vậy sao.
Anh sòng phẳng đến tàn nhẫn trong chuyện tài chính (Ảnh minh họa)
Một mình nơi đất khách quê người, lẽ ra anh phải là người chở che, là chỗ dựa cho tôi thì thường xuyên tôi lại phải gồng lên để trấn an anh vì những việc rất nhỏ nhặt trong nhà. Tôi còn nhớ mãi lần hai vợ chồng đi du lịch, nửa đêm anh bị có mỗi vài nốt muỗi cắn mà anh hoảng hốt kêu gào ầm ĩ và bắt tôi đưa đi khám ngay trong đêm vì sợ bị sốt xuất huyết.
Nhìn khuôn mặt anh lo lắng đến toát mồ hôi vì vài nốt sưng đỏ do muỗi mà tôi vừa thấy thương vừa thấy giận. Khi nghe tôi bảo rằng, hồi nhỏ tôi thường xuyên bị muỗi đốt tím chân mà chẳng làm sao, anh thậm chí còn mắng tôi bằng những ngôn ngữ lóng có ý nghĩa kiểu như man di mọi rợ. Tôi đã khóc hết nước mắt hôm đó.
Thế rồi khi sống chung cùng nhau hàng ngày, mới thực thấy hai con người ở hai nền văn hóa khác nhau quả là khó có tiếng nói chung. Anh sòng phẳng đến tàn nhẫn trong chuyện tài chính.
Hàng tháng, ngoài những khoản tiền quy định anh đưa để tôi trang trải sinh hoạt, nếu tôi có việc riêng cần tiêu tiền gì đó thì tôi phải vay anh tiền và phải trả anh đúng hẹn. Có lần vì tôi quên trả tiền anh mà anh đã buông những lời lẽ cay nghiệt.
Sống nơi đất khách quê người, đã xa gia đình và bố mẹ, chưa có việc làm và phải sống dựa vào tiền của chồng, tôi cần một sự an ủi của chồng lắm. Vậy mà chồng tôi lúc nào cũng thúc giục tôi đi tìm việc và ngầm ý nói rằng anh không muốn là người duy nhất trong nhà kiếm tiền. Anh luôn nói rằng tôi ăn bám anh.
Trời ơi, tôi cũng là cử nhân, có khả năng làm việc và nếu ở nước tôi cũng có đâu đến nỗi. Vậy mà sang đây, cứ như người thừa thãi, là người kém cỏi lắm ấy.
Tôi quyết định ly dị chồng sau chưa đầy nửa năm chung sống. Tôi ra đi tay trắng và đi về nước cũng trắng tay kèm theo nỗi ân hận vô kể.
Vậy nên từ kinh nghiệm bản thân mình tôi khuyên những ai đang đề cao việc lấy chồng Tây thì hãy suy nghĩ kỹ, không phải người chồng nước ngoài nào cũng tốt nhưng những khó khăn do sự khác biệt trong văn hóa thì là điều hiển nhiên.
Nguyễn Thị Vân
Nguồn: Người đưa tin
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC