Chuyện được kể từ facebook có tên Thị Hĩm, hiện cô đang sinh sống tại Canada. Nhân vật không tiết lộ danh tính và tên thật của mình vì muốn bảo toàn cuộc sống riêng tư, tuy nhiên cô khẳng định đây là chyện có thật 100%. Khi được đăng tải trên một diễn đàn đã có khá nhiều người thích thú với cách kể chuyện dí dỏm, có duyên mà rất thực thà của tác giả.
Bài viết: “Mẹ chồng Canada và đám cưới quê” như sau:
“Băm mấy nhát tôi mới lấy được chồng. Tôi bỏ ngoài tai những câu chúng nó cứ nói, kiểu: “Những đứa xấu gái nhất Việt Nam thì Tây nó mới lấy. Mà càng xấu gái bao nhiêu thì chồng lại trẻ và đẹp trai bấy nhiêu. Điên thế chứ lị. Thế mới tài chứ lị.”… Chậc chậc… Tôi kệ cho lũ bạn bè, làng trên xóm dưới dị nghị hay là Gato. Tôi đi lấy chồng phát đã. Quả bom đã được gỡ chốt.
Đầu tiên phải nói tới mẹ chồng tôi cái. Bà xinh gái lắm. Và trẻ hơn tôi nhiều. Trước ngày cưới, bà vật con dâu ra nhuộm chân tóc cho tôi vì nó bạc trắng hết cả. Có buồn không, trong khi tóc mẹ chồng vàng nõn nà…
Hình ảnh đăng tải từ bài viết.
Nói qua về bà thế đã. Giờ tôi kể chuyện đám cưới quê tôi. Đám cưới nửa Tây nửa ta, lẫn hết cả lộn.
Ngày cưới tôi, cả bà, cả ông, cả mẹ của bà là bà cụ và em gái chồng tôi đều đến Việt Nam, đến cái xóm núi nhà tôi dưới chân núi của một ngôi làng phía Bắc. Mà cái làng này đủ cả người Kinh, người Mường, người Dao chung sống đủ cả.
Hồi cưới ấy, nhà chồng tôi sang trước mấy ngày. Sang sớm chỉ để ra vườn nhặt rác với quét dọn rất tỉ mỉ từng góc vườn. Vườn nhà tôi vườn nhà quê rộng mênh mông mà đâu đấy sạch như ly như lau… Trai gái già trẻ làng tôi rôm hết cả rả, râm hết cả ran, mắt chữ O mồm chữ A cứ là thốt lên: “Ủ ôi ủ ôi ông bà Tây chăm chỉ quá, chả ngại việc gì, làm vườn như người mình”. Rồi háo hức chờ cái đám cưới Tây nó đến ra sao.
Ngày cưới, tôi lỡ tay mua cả xe tải hoa hồng các loại đặt tận làng hoa ở trên Diễn chở về. Thế là được việc ghê, cả nhà chồng tôi sung sướng cứ hớn ha hớn hở cắm cắm với rải rải khắp từ cồng vào mà mãi không hết hoa, mà cổng nhà tôi thì dài cả cây số. Mẹ chồng tôi còn ra vườn hái hết cỏ dại, bẻ cành măng tre non, vặt hoa cứt lợn mang vào tô điểm cho những chum vại hoa hồng từ cổng vào. Bà cứ lẩm bẩm : “Tại sao hoa chừng này mà có 12 đô la hả con? Rẻ thế. Bên mẹ thì có mà mua cả nghìn đô cũng ko được 1 nửa”. Hơ, tôi chả nhẽ lại bảo bà là chính con còn rẻ nữa là. Con trai của mẹ chỉ mất có quả cau với lá trầu thôi mà cưới được con đấy. Ngay cả đến các loại tráp ngày cưới mà 1 mình con cũng phải hùng hục cả tuần tự đi lo lấy để cho nhà zai chở đển nhà mình. Khiếp mệt.
Gớm, chuyện hồi ấy trong làng có cái con ngổ ngáo và xấu xí nhất làng thì Tây nó lấy cứ ầm ĩ hết cả thôn trên bản dưới. Trong làng, già trẻ gái trai ào ào đến ăn cưới chỉ để xem nhà Tây da trắng mắt xanh nó ra làm sao. Cả làng rộn ràng, sung sướng, hớn hở lại còn khoe: “Ối dồi ôi, thế là trong đời cũng được bắt tay, cụng chén với Tây, sướng sướng là”.
Còn tôi thì hồi ấy, giờ nghĩ lại khổ bỏ bố lên được. Mặc áo dài đẹp, phấn son choe choét mà vừa phải xởi lởi cười nói, lại vừa phải làm phiên dịch hết cho nhóm khách này tới nhóm khách kia, toàn long trọng cả, có từ chối được đâu. Mọi người thì ai ai cũng vui vẻ, ăn uống nói cười, còn tôi thì mệt bỏ mẹ ra, cứ đám nọ gọi, đám kia gọi, bảo: “Con Thảo, con Thảo mày sang đây dịch cho bác cho bà cái câu này cái”… Mãi, cuối cùng tôi mệt quá, bất chấp hết gào lên: “Thôi thôi, mệt lắm, gọi gì mà gọi lắm thế. Đừng có goi nữa, dịch với xê gì? Sắp ngất rồi đấy. Khách đến thì cứ người nào có ngôn ngữ người ấy mà nói, ai có tiếng Việt nói tiếng Việt, ai có tiếng Anh nói tiếng Anh, ai có tiếng Muờng nói tiếng Mường. Sao cứ phải xê với dịch? Mà không nói được nữa thì cứ ôm hôn nhau 1 cái. Hôn vào mồm ý, Tây nói thế..”.
Nghe tưởng thật, thế là khổ thân mẹ chồng tôi được mấy ông trong xóm uống rượu vào mồm toàn mùi bia rượu với thịt cứ thi nhau đứng xếp hàng chờ tới luợt hôn cho chíu chít tới tấp. Vụ này nghe đâu bà phải ngậm listerin mất cả tuần. Còn bố chống tôi đâu cũng có thua, ông được mấy bà dân tộc quê Mường tôi ôm eo bá cổ cũng hôn chúi chít, nhưng ông may hơn vì ông cao nên mấy bà mế kia chỉ hôn được… cái cổ đầy lông của ông…
Đám cưới tôi, tôi vẫn nhớ nhất hình ảnh bố mẹ chồng tôi, bà ngoại chồng tôi, và em gái chồng mặc áo dài đỏ choét cứ đi đến từng bàn cỗ nâng chén cạch hết người này tới người kia. Cả nhà cứ cười nói hớn hở suốt mấy ngày cưới liền với làng. Mà ngôn ngữ thì 2 bên chả hiểu nhau nói cái gì cả. Nhưng liên quan gì đâu, cứ cười cứ nói thôi thế là vui, ngôn ngữ lúc này cần gì, vì cái loa đám cưới mở nhạc xập xình át hết cả rồi. Túm lại, cưới quê ăn những tận 3 ngày, mà mỗi ngày cả trăm bàn, mà cứ thế nhà chồng tôi lần lượt di nâng chén hết bấy nhiêu khách. Cuối cùng cả nhà say chổng vó, nằm thở hắt ra…
Nhưng có lẽ ấn tượng nhất vẫn là việc bố chồng tôi và ông bác họ tôi là bác Điền, 2 ông cả buổi cứ nói chuyện với nhau, nâng lên cụng xuống cành cạch suốt rất say xưa ra chiều rất tâm đắc, hể hả. Nhưng tôi đến giờ vẫn không hiểu 2 ông nói với nhau kiểu gì, ngôn ngữ gì mà cứ gật gù tâm đầu ý hợp thế, uống hết chai này tới chai khác như mặt đỏ tía tai như 2 anh gà chọi. Nói chung là chả hiểu, chỉ thấy bác Điền bác í răng gãy sạch sẽ 1 lượt từ trong ra ngoài mà cứ phều phào: “Vui quá, vui quá cơ”…
Ảnh minh họa
Mọi người ai cũng hớn hở, quan khách rượu vào lời ra, ai cũng được ôm và sờ Tây, còn tôi thì cay cú nhớ mãi là cái con trang điểm tận Hà Nôi về nó vẽ vời chát chít son phấn vào mặt tôi xong nó lấy cắp mất cái lọ nước hoa La-Côm mới mua còn nguyên tem mua ở Sing 500$ của tôi.
Rồi đám cưới cũng qua. Sau đám cưới, quan khách vừa về hết tôi ngồi khóc tu tu vì mệt quá và xì choét với đám cưới cả tuần. Nhưng tôi cũng rất mừng cho bố mẹ tôi, thế là ông bà không phải mất công lo quả bom nổ chậm trong nhà nữa.
Mà đêm tân hôn, nghĩ cũng chả hiểu tôi kiểu gì mà vô tư tự tìm chỗ đi ngủ quên mất cả chồng đang ở đâu. Tất cả cũng do tôi mệt quá lăn ra 1 cái giường nào đấy ngủ từ 8h tối 1 mạch đến sáng, quên mất đêm qua chồng ngủ ở đâu. Chỉ biết là 6h sáng tôi dậy đi qua cái phòng trang trí cô dâu thì thấy 4,5 bà mế Mường váy tốc cao đang nằm ngủ say sưa”.
Nguồn: Trí Thức Trẻ
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC