Ngày nay, chị Diễm Fuggersberger, 47 tuổi, là một doanh nhân nổi tiếng với hai công ty thực phẩm thành công: Berger Ingredients và Coco&Lucas, chuyên sản xuất các bữa ăn đông lạnh cho trẻ em. Nhưng để tiến tới nấc thang này, người phụ nữ quê Bạc Liêu đã phải vượt qua nhiều trắc trở.
Chị Diễm kể rằng cuộc đời mình là một loạt những sóng gió và điều đó đã rèn cho chị khả năng thích nghi tốt.
Lúc 7 tuổi, Diễm cùng 15 người thân rời Sài Gòn lênh đênh trên biển ra nước ngoài. Trên chuyến tàu chen chúc với hơn 400 người khác, họ đã bị cướp biển tấn công, vơ vét hết tài sản mang theo. Sau đó, họ còn gặp bão và may mắn dạt được vào một hòn đảo rồi được đội cứu hộ đưa đến một trại tị nạn ở Indonesia. Họ sống trong cảnh cơ cực tại đây suốt 15 tháng, trước khi đến Singapore rồi sau đó sang Australia.
"Từ rất nhỏ, tôi nghĩ rằng mình có khả năng thích nghi, hồi phục tốt. Tất cả chỉ là cố gắng làm sao để sống sót", Diễm nói.
Tại Australia, gia đình Diễm đối mặt với nhiều khó khăn. Cả nhà không ai nói được tiếng Anh, chẳng còn chút tiền nào và cũng không hề quen biết ai ở đây. "Kém ngoại ngữ và sống trong điều kiện nghèo khổ, chúng tôi thường xuyên bị bắt nạt và nghe những lời kỳ thị, phân biệt. Đó là quãng thời gian cơ cực", Diễm chia sẻ với Women In Focus.
Vì hoàn cảnh gia đình, Diễm nghỉ học từ lớp 10 để phụ giúp cha mẹ. Sau đó, chị quen biết với anh Werner Fuggersberger rồi kết hôn và sinh 2 con. Cuộc sống sau kết hôn tưởng như chỉ có nhung lụa khi người chồng kinh doanh phát đạt, nhanh chóng giàu có. Thế nhưng, vào năm 2009, công ty trị giá 27 triệu đôla của chồng chị bị phá sản do khủng hoảng tài chính toàn cầu. Cùng năm đó, cả bố đẻ và bố chồng chị đều qua đời. Hai vợ chồng ngập trong số nợ 900.000 đôla, không nhà cửa, công việc.
"Con gái tôi rất hay ốm và tôi nhớ có lần ra hiệu thuốc, tôi chỉ còn 16 đôla trong khi lọ thuốc ho của con giá 18 đôla. Nước mắt tôi cứ thế chảy ra", chị Diễm nhớ lại.
"Nhưng sau đó, tôi nói với chồng, cái chúng ta mất chỉ là của cải vật chất. Hôn nhân của chúng ta vẫn bền chặt, con cái khỏe mạnh. Chúng ta vẫn còn khối óc, đôi tay. Cả hai sẽ cùng nhau làm lại".
Dù vững tin vậy nhưng thời điểm đó, chị Diễm cũng chưa nghĩ mình sẽ trở thành một doanh nhân. Chị nảy ra ý tưởng kinh doanh khi thấy một người cháu bị dị ứng thức ăn và việc ăn uống vất vả của con gái mình. Chị tự lên các công thức nấu ăn với những món không chứa gluten và lactose - các thành phần dễ gây dị ứng, và chỉ sử dụng các nguyên liệu tự nhiên.
Sau khi đưa ra thị trường, các sản phẩm bữa ăn trẻ em đông lạnh của chị được nhiều bà mẹ yêu thích. Tuy nhiên, khi ấy vợ chồng Diễm đã cạn vốn. Chị phải đi gõ cửa nhiều ngân hàng và cuối cùng được một cơ sở duy nhất đồng ý cho vay 50.000 đôla.
Từ số tiền này, chị cùng chồng mở rộng sản xuất, kinh doanh và gặt hái được nhiều thành quả. Ngày nay, công ty của Diễm được định giá hàng chục triệu USD và chị được truyền thông Australia gọi là "bà chủ đế chế thực phẩm" tại nước này. Năm 2016, Diễm được trao giải thưởng Doanh nghiệp sắc tộc tại Australia dành cho khối doanh nghiệp nhỏ.
"Tôi rất biết ơn những khó khăn mình đã trải qua. Nếu được sung sướng ngay từ đầu, có lẽ tôi sẽ chẳng nỗ lực nhiều để đạt được mọi thứ như hôm nay", chị nói.
Với những phụ nữ đang bắt đầu xây dựng sự nghiệp, chị chia sẻ: "Hãy bắt tay làm ngay những gì dự định. Đừng nghĩ ngợi, phân tích quá nhiều. Phải hành động. Khi bạn đã ngồi trên lưng hổ, thì chẳng có cách nào khác là phải gồng mình phi tới".
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC