Khi kết nối với người tham gia hội TLKBG tại Việt Nam, tôi được biết chỉ còn vài tuần nữa “đứa con lai Mỹ” Trần Quang Hùng sẽ lên đường đến Mỹ đoàn tụ với cha và gia đình của ông. Tôi lập tức liên hệ với Hùng, ông phân trần: “Em sắp đi sang Mỹ rồi. Anh nên gặp những người chưa gặp may mắn tìm được cha để có thể giúp gì cho họ sẽ tốt hơn”.
Song tôi nghĩ, câu chuyện cuộc đời và cuộc hội ngộ bất ngờ với người cha của Hùng rất đặc biệt nên cố thuyết phục để gặp.
Chuyện tình cô gái Việt và người lính Mỹ
Trần Quang Hùng đón tôi lên căn hộ chung cư tại quận 12 (TP.HCM), trông ông rất vui. Chắc chắn đó là tâm trạng của người con vừa tìm được cha sau 47 năm không còn một tia hy vọng. Nhưng khi tôi hỏi về cuộc đời, ông buồn bã: “Đó là một quãng đời bơ vơ, sương gió, khổ đau, nghèo khó”.
Ông Hùng chưa hết xúc động khi kể lại chuyện đời mình
Theo ông Hùng, mẹ kể lại bà gặp ba ông vào khoảng năm 1971. Lúc đó, bà giặt áo quần cho quân nhân ở căn cứ quân sự Mỹ đóng tại chi khu Minh Long, Quảng Ngãi. Ba ông thích mẹ ông vì tính tình chân chất, thật thà. Bà còn có tài nấu ăn rất ngon. Cuối tuần, ông hay về nhà bà ngoại ông cùng với bạn bè để được ăn những món ăn do chính mẹ ông nấu. Rồi họ yêu nhau.
“Mẹ nói cấn thai tôi vào mùa hè đỏ lửa (1972 – PV). Khi đó, ba tôi vừa hết thời hạn đi lính nên về nước. Trước khi về Mỹ, ông muốn đưa mẹ tôi đi cùng, nhưng vì thương bà ngoại nên mẹ tôi không đi. Ba cũng không biết ngay thời điểm đó mẹ tôi đã có thai với ông”, ông Hùng chia sẻ.
Từ khi sinh ra cho đến năm 17 tuổi, ông Hùng sống với mẹ. Đó là quãng đời sống trong nghèo khó, cơ cực. “Tôi phải cùng mẹ xin ở nhà người khác. Hai mẹ con phải đi làm cho họ để kiếm miếng cơm. Tôi theo mẹ đi cắt lúa, trồng khoai, chăn bò, chăn vịt… Thời đó, những người con lai luôn bị kỳ thị, dè bỉu”, ông kể.
Sau 17 tuổi, nghe theo lời một người hàng xóm, ông vào Bình Thuận để tìm kiếm một cơ hội đổi đời. Nhưng, người hàng xóm đem bán ông cho một gia đình làm con nuôi. Thời gian ở Bình Thuận, ông làm đủ việc vất vả như cuốc mướn, đốt than… để kiếm cơm.
Ba ông Hùng và mẹ kế
Một thời gian sau, Hùng bị bán thêm lần nữa cho một gia đình ở TP.HCM. Những người mua ông đều hy vọng có thể làm hồ sơ cho cả gia đình “ăn theo” diện con lai Mỹ được sang Mỹ.
Vào thời điểm chính phủ Mỹ siết lại các yêu cầu xác định con lai thì những giấy tờ, bằng chứng của gia đình mua ông chưa đủ thuyết phục. Từ đó, ông bị đẩy ra ngoài. Ông lang bạt kiếm sống tại Sài Gòn với đủ thứ nghề.
“Thất học từ nhỏ nên chẳng ai nhận mình làm việc gì lương kha khá. Tôi phải đi bán cơm cho người ta, chạy bàn phục vụ quán nhậu, chăm sóc vườn… Miễn sao có miếng cơm sống qua ngày”, ông tâm sự.
Ông Hùng quyết chí làm việc để kiếm sống và mong gom góp được chút ít tiền về thăm mẹ. Nghiệt ngã, chưa kịp về thăm mẹ, năm 1997 mẹ ông mất. “Tôi nghĩ cuộc đời mình đã chấm hết”, anh ứa nước mắt.
Cuộc đoàn tụ đẫm nước mắt
Hùng lập gia đình năm 2000 với người vợ làm việc ở tại một trung tâm y tế quận. Nhưng cái kết có hậu trọn vẹn hơn, sau 47 năm, Trần Quang Hùng tìm lại được cha thông qua phương pháp thử DNA do hội TLKBG giúp đỡ.
Năm 2018, mẫu thử DNA được gửi đi. Một thời gian ngắn, hội TLKBG thông báo đã tìm được ông nội, bà nội mang dòng họ Hibdon.
Sau đó, hội còn tìm ra được người em ruột, thử DNA hai anh em đều trùng khớp. Người em của ông Hùng từ Colorado tức tốc báo cho bố ở Arizona và cuộc có gặp gỡ đẫm nước mắt giữa cha con ông Hùng.
“Ba liền gọi cho tôi bằng video messenger. Ông nghẹn ngào gọi “Con trai! Con trai! Sorry, sorry!”. Tôi và ba nhìn nhau nói không được nhiều mà khóc rất nhiều. Ông về Mỹ lấy vợ năm 1979, bây giờ 70 tuổi rồi”, ông Hùng hạnh phúc tâm sự.
Cha ông Hùng và mẹ kế chụp cùng vợ chồng ông Hùng tại Việt Nam
Anh em cùng cha của ông Hùng hội ngộ anh
Tháng 5.2019, cả gia đình gồm ba, mẹ kế, em trai, em gái đời sau của ba ông Hùng cùng về Việt Nam. Đón cả gia đình ba tại sân bay Tân Sơn Nhất, hai cha con cứ ôm nhau khóc.
Hơn 10 ngày ở Việt Nam, cha con ông nói chuyện rất nhiều. Ông Hùng có con trai giỏi tiếng Anh nên dịch lại cho ba và ông nội. “Ba tâm sự, ngoài chiến tranh thì ba rất thương yêu người Việt Nam. Nhất là những người dân ở quê, dù nghèo nhưng rất hiếu khách. Ba còn nói yêu mẹ tôi bởi tính cách mộc mạc của bà và những món ăn dân dã của vùng đất Quảng Ngãi bà nấu rất ngon. Còn mẹ kế thì tốt bụng vô cùng. Bà cứ luôn miệng nói “Con trai quý của tôi. Con trai quý của tôi…”, ông Hùng bộc bạch.
Bức hình chụp mẹ ông Hùng được cha ông Hùng lưu giữ đến nay
Sau 47 năm, người lính Mỹ mang tên William Martin Hibdon gặp được đứa con. Ông và vợ đã đích thân đến Lãnh sự quán xin được đưa Trần Quang Hùng cùng vợ con về Mỹ ngay trong chuyến bay ngày 4.6.2019. Tuy nhiên, Lãnh sự quán Mỹ tại Việt Nam không thể phá vỡ nguyên tắc. Cũng chẳng phải đợi chờ lâu, ngày 30.10.2019, sau khi hoàn tất cả thủ tục cần thiết, cả gia đình ông Hùng đã lên đường để hội ngộ với gia đình cha ông, định cư ở Mỹ.
Trước ngày lên đường tôi gặp ông Hùng lần nữa. Ông rơm rớm nước mắt: “Chuyện đoàn tụ với ba và gia đình ba đến bây giờ tôi vẫn cứ nghĩ đó như giấc mơ. Nhưng Việt Nam vẫn mãi mãi là quê hương trong trái tim tôi. Dù có cay đắng, ngọt bùi… thì đó là nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Hơn nữa, tôi còn người mẹ mãi mãi nằm xuống nơi này….”.
Theo giáo lý nhà Phật, mọi thứ đều có nhân duyên. Tôi tin “đứa con lai Mỹ” Trần Quang Hùng đã tạo nhân duyên tốt để có cái kết có hậu như ngày hôm nay.
Nguồn: Báo Thanh niên
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC