Đón tết nơi xứ người

Đón tết nơi xứ người

Đối với em, có lẽ không bao giờ, không ở nơi đâu, không một sự kiện văn hóa nào lại có thể so sánh với Tết Nguyên đán của người Việt'. Đó là chia sẻ của Ninh Hải Nam - một bạn trẻ người Thanh Hóa đang du học tại Hoa Kỳ.

Trong hàng ngàn người trẻ xứ Thanh sinh sống, học tập trên khắp thế giới, hẳn nhiều người có cùng suy nghĩ với Hải Nam. Đặt chân đến một vùng đất mới, không chỉ nỗ lực giao lưu, học hỏi, những bạn trẻ ấy còn mang theo khát vọng gìn giữ và lan tỏa văn hóa của đất nước, quê hương mình trong hành trình hội nhập với năm châu.

1 Don Tet Noi Xu Nguoi

Các bạn trẻ Việt Nam tụ họp đón tết tại Hungary.

Một mình đi từ Thanh Hóa bay nửa vòng trái đất để tới nước Mỹ mà không có người thân đưa đón; cách đây 6 tháng, hành trình du học của Ninh Hải Nam đã bắt đầu một cách tự lập như vậy.

Nhưng từ trước đó vài năm, khi còn là học sinh Trường THPT Chuyên Lam Sơn, Hải Nam đã tự định hướng về con đường du học. Đầu năm lớp 11, Nam đã thành lập dự án hỗ trợ học chứng chỉ IELTS cho các học sinh có điều kiện khó khăn tại Thanh Hóa. Cuối năm lớp 11, em thực hiện xong dự án, đồng thời cũng hoàn thành một số chứng chỉ cần thiết cho việc du học tại nước ngoài. Đầu năm lớp 12, em đã gửi nhiều hồ sơ đến các trường đại học trên khắp nước Mỹ. Cuối cùng, Hải Nam đã xin được học bổng tại Trường Đại học Colorado (Colorado College).

Chỉ sau nửa năm sống tại đất nước này, chàng sinh viên xứ Thanh đã hòa nhập rất nhanh với các sinh viên bản xứ.

“Các bạn da trắng, da màu đều thân thiện, hòa đồng. Ngoài học tập, em còn có thêm nhiều trải nghiệm từ các hoạt động: đi leo núi, chơi quần vợt, tham dự các buổi tiệc... Thứ mà em không thích duy nhất có lẽ là đồ ăn. Em tự nấu các món Việt, hoặc ăn tại các nhà hàng của người Việt” - Hải Nam chia sẻ.

Tết Nhâm Dần là cái tết đầu tiên mà Hải Nam không được ở bên cạnh gia đình, người thân.

Trường Đại học Colorado, nơi Hải Nam theo học chỉ có khoảng 4 - 5 bạn học sinh đến từ Việt Nam. Vì vậy, trong dịp Tết Nguyên đán, các em tụ tập cùng nhau, nấu một số món ăn truyền thống như: nem, chả, phở; xem các chương trình đón xuân trên vô tuyến để bớt nhớ không khí tết quê nhà. Khi làm bài luận xin học bổng du học, Hải Nam chia sẻ rất nhiều về văn hóa Việt Nam. Vì vậy, đón tết nơi xứ lạ cũng là cách để những sinh viên như em gìn giữ văn hóa của dân tộc, cả trong thực tế đời sống lẫn trong tâm khảm.

Tết Nhâm Dần này cũng là cái tết đầu tiên của Phạm Hương Giang trên đất Mỹ. Hiện em đang theo học năm đầu tại Trường Đại học Mount Holyoke.

“Giấc mơ Mỹ” của Giang ban đầu gặp phải rào cản tâm lý khá lớn của chính bản thân. Tuy nhiên, vào lớp 11, sau khi thi chứng chỉ IELTS đạt 8.0, Giang mới thật sự có dũng khí để chuẩn bị hồ sơ xin học bổng du học và sau đó, em đã thành công khi được Đại học Mount Holyoke chấp nhận với mức học bổng 220.000 USD cho 4 năm học (tương đương 5,1 tỷ đồng). Giang cho biết: “Cuộc sống ở Mỹ của em khá thoải mái và vui vẻ. Về học tập, các giáo sư ở trường đều rất tận tình và thân thiện. Các thầy cô luôn tạo điều kiện cho học sinh tham gia các hoạt động ngoại khóa và thực tập. Bên cạnh đó, vì Mount Holyoke là một trường đại học giáo dục khai phóng nên mỗi lớp đều rất ít học sinh. Vì vậy nên em có thể dễ dàng tương tác với thầy cô và các bạn”.

2 Don Tet Noi Xu Nguoi

3 Don Tet Noi Xu Nguoi

Những món ăn ngày tết do Lê Vinh Sang và các bạn chuẩn bị. Ảnh: L.G

Trường Đại học Mount Holyoke có hội sinh viên Việt Nam, vì vậy, Giang đã được giúp đỡ rất nhiều trong những ngày đầu đến Mỹ. Trong dịp Tết Nguyên đán, hội sinh viên Việt Nam đã tổ chức một số hoạt động đón tết quy mô nhỏ, nhưng ấm cúng. Có lẽ bởi vậy, cái tết đầu tiên xa nhà của Phạm Hương Giang vẫn ấm áp tình thân.

Tại châu Âu hiện cũng có nhiều sinh viên Thanh Hóa đang du học.

Lê Vinh Sang, cựu học sinh của Trường THPT Chuyên Lam Sơn hiện đang học tập tại Trường Đại học Tổng hợp Szeged, Hungary. Khi tới đất nước Trung Âu này vào 3 năm trước, ấn tượng đầu tiên của Sang là không gian cổ kính và thơ mộng. Không có những tòa nhà cao chọc trời hay những công trình bằng kính hiện đại bóng loáng, đặc trưng của Hungary là những dãy phố, những tòa nhà có tuổi đời hàng thế kỷ. Cùng với đó là hệ thống giao thông công cộng có lịch sử lâu đời và chất lượng tốt nhất châu Âu.

Năm nay cũng là năm thứ ba, Lê Vinh Sang đón tết nơi xứ người. Tuy vậy, theo chia sẻ của Sang thì: “Em chưa bao giờ cảm thấy buồn, vì dịp tết âm luôn trùng vào thời gian... thi kết thúc học kỳ tại trường. Cường độ học tập cao và gấp rút khiến em không có thời gian để nhớ nhà. Tuy bận rộn như vậy, nhưng hàng năm, hội sinh viên Việt Nam tại Đại học Szeged luôn tổ chức đến nhà các cô chú Việt kiều đã sinh sống và làm việc lâu năm tại Hungary, để nấu các món ăn truyền thống và làm tiệc tất niên đêm 30”.

Trong những buổi gặp gỡ đón tết ấy, bánh chưng, chả giò, mứt tết, thịt kho,... là những món ăn không bao giờ thiếu. Thành phố nơi Sang đang sống có số lượng người Việt không nhiều, chỉ hơn 30 người. Nhưng bởi là thành phố nhỏ, nên người Việt sống gần nhau, thường xuyên gặp mặt và giúp đỡ nhau khi cần. Những cái tết chung vui đầm ấm là cách để Lê Vinh Sang và bà con người Việt tại đây tưởng nhớ không khí thiêng liêng, dư vị ngọt ngào của cái tết nơi quê nhà xa xôi.

Cũng là cựu học sinh Trường THPT Chuyên Lam Sơn, Trịnh Quỳnh Châu hiện đang theo học tại Trường Budapest Business School-University of Applied Sciences, ở thủ đô Budapest, Hungary. Lúc mới sang, mọi thứ với Châu đều hoàn toàn xa lạ. Khó khăn nhất là những tuần đầu tiên: “Ngày nào em cũng bị lạc vài lần, không lên nhầm bus thì cũng là xuống nhầm bến, dù em có dùng Google map nhưng vẫn không biết xác định phương hướng”. Nhưng chỉ sau nửa năm, hiện giờ cô sinh viên năm nhất đã hòa nhập rất tốt với cuộc sống tại Hungary. Vì tình hình dịch bệnh COVID-19, Châu sẽ ở lại thủ đô Budapest, đón cái tết xa nhà đầu tiên. Tụ tập với bạn bè làm các món Việt Nam, rồi gọi điện về cho gia đình đón... tết online với bố mẹ là cách mà Châu tận hưởng những ngày đầu năm mới theo cách của riêng mình.

Thay vì chọn châu Mỹ hay châu Âu, nhiều bạn trẻ tài năng của Thanh Hóa chọn du học tại các trường đại học ở châu Á. Nguyễn Đắc Hiếu từng là một trong những học sinh tiêu biểu của Trường THPT Chuyên Lam Sơn. Do đạt giải quốc gia và quốc tế môn Sinh học nên Hiếu nộp đơn vào Khoa Sinh của Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông, và được cấp học bổng toàn phần cho 4 năm học. Tính đến nay, Đắc Hiếu đã theo học ở trường gần 4 năm. Tuy nhiên, do điều kiện dịch bệnh nên 2 năm gần đây, Hiếu học online tại Việt Nam. Năm 2021, em mới quay trở lại Hồng Kông tiếp tục việc học tại trường.

Theo Hiếu chia sẻ, cuộc sống tại Hồng Kông không quá khác so với ở Việt Nam.

Tết Nguyên đán tại Hồng Kông không kéo dài như nước ta; người dân chỉ được nghỉ 3 ngày, từ mùng 1 đến mùng 3. Thông thường, người Hồng Kông sẽ chọn đi du lịch vào dịp tết. Dịp năm mới, người dân nơi đây vẫn duy trì một số phong tục tương đối giống ở Việt Nam, như mừng tuổi, thăm họ hàng, thắp hương tưởng nhớ ông bà tổ tiên.

Vào dịp tết, các du học sinh người Việt Nam như Hiếu thường tập trung nấu một số món ăn truyền thống như: xôi, thịt đông, thịt kho Tàu. Ngoài ra, theo phong tục tốt lành của người Việt, các em còn tổ chức cùng nhau đi tới một số ngôi chùa bản xứ để cầu bình an, sức khỏe cho năm mới.

Đón tết nơi xứ người, nơi cách xa quê nhà hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn cây số, với các bạn trẻ, chắc hẳn là một trải nghiệm đặc biệt. Nhưng, dù ở nơi nào trên thế giới, trong dịp đầu năm mới âm lịch, những người Việt đều sẽ tìm thấy nhau, tìm đến nhau, để cùng đón một cái tết đầm ấm, cùng san sẻ với nhau những khó khăn, vất vả, cùng động viên nhau nỗ lực trong hành trình hội nhập, và cùng nhớ về người thân, về quê nhà, về cội rễ với biết bao tình cảm ấm áp, thân thương.

Lam Giang

Nguồn: Báo Thanh Hoá


© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan