Trước khi đi du học, ai cũng khao khát được đến một chân trời mới, học tập ở một quốc gia mới với mục đích không lại định cư cũng sẽ có một công việc ưng ý, lương cao, được trải thảm đón khi về nước. Tuy nhiên, tình không như là thơ và đời chẳng phải là mơ... Sự thật đắng lòng mà du học sinh về nước phải chấp nhận đó là cạnh tranh không mệt mỏi với sinh viên trong nước - những người hiểu thị trường, có kinh nghiệm. Nhiều người dù tốt nghiệp trường top ở Anh, Úc, Singapore, Mỹ... vẫn phải chịu cảnh về nước không có việc làm, đi xin việc lên xuống khắp nơi chẳng ai nhận.
Câu chuyện dưới đây của một anh chàng du học sinh Việt tại Anh cũng không ngoại lệ.
Anh trai mình đi du học ở Anh 4 năm (3 năm cử nhân + 1 năm Thạc sĩ) liên quan đến Tài chính kế toán. Anh ấy về nước mùa hè năm ngoái nhưng... tới bây giờ vẫn thất nghiệp.
Anh ấy đã kiếm việc miệt mài, về Việt Nam thậm chí còn đi học thêm tiếng Nhật nhưng vẫn không xin được việc, kể cả thực tập. Cứ được gọi phỏng vấn xong là rớt. Càng ngày thấy ông ấy càng chán nản, thất vọng và gầy đi rất nhiều so với hồi còn ở Anh.
Đỉnh điểm là anh ấy lại vừa chia tay người yêu. Chị người yêu xin được việc ở công ty lớn nên vô cùng bận, cuối tuần thì chỉ muốn ở nhà nghỉ ngơi cùng gia đình, 2 người ngày càng xa nhau và cuối cùng thì chia tay.
Mình thấy anh ấy dạo này bắt đầu có dấu hiệu trầm cảm, thường nói nhảm, nói một mình. Tuần trước đi phỏng vấn với một công ty, người ta bảo anh ấy còn non kém và hơi hiền. Bị từ chối liên tiếp, anh ấy về nhà lăn đùng ra giường khóc hu hu như đứa con nít. Ba mẹ mình rất lo và buồn vì anh là con trai duy nhất trong nhà.
Mình cũng không hiểu tại sao anh không xin được việc. Anh ấy apply mấy job liên quan tới Tài chính, và còn cả mấy job không liên quan ví dụ như nhân sự nhưng cũng không có kết quả. Người ta nhìn CV thấy đẹp gọi tới phỏng vấn rồi sau đó trượt, cứ vậy lặp lại hoài. Nộp CV đủ các công ty từ lớn, trung bình tới nhỏ vẫn rớt.
Trước đây, anh là người vui vẻ, hài hước và lạc quan, nhưng có lẽ do thất nghiệp quá lâu nên bây giờ bắt đầu trầm cảm...
Cớ sao có bằng Thạc sĩ ở Anh, thạo 2 ngoại ngữ mà về nước vẫn thất nghiệp?
Không chịu bỏ cái tôi xuống, du học sinh về nước sẽ còn thất nghiệp dài dài
Chuyện du học sinh về nước thất nghiệp chắc chắn không phải là chuyện mới, nó diễn ra suốt bao năm nay và sẽ vẫn tiếp tục trở thành chủ đề được bàn tán. Nguyên nhân người ta cũng đã phân tích trong hàng loạt bài báo, bài viết như việc chủ quan có bằng cấp cao, không nắm chắc tình hình thực tiễn tại Việt Nam, không chịu đầu tư học hỏi kỹ năng mềm, nâng cao trình độ bản thân...
Về nước ắt hẳn du học sinh sẽ gặp nhiều điều shock trong cả văn hóa và đời sống hằng ngày, tuy nhiên cái shock lớn nhất gặp phải là: "Tại sao tốt nghiệp cử nhân xuất sắc, có bằng thạc sĩ nước ngoài mà các công ty ở Việt Nam vẫn không chịu nhận?"
Có một sự xấu hổ không hề nhẹ khi bạn bè trong nước ra trường có luôn việc làm, thăng tiến ầm ầm nhưng bản thân vẫn ì ạch một chỗ, trốn tránh không dám gặp ai vì cứ gặp là bị hỏi đang làm ở đâu, làm việc gì, lương bao nhiêu?
Nhiều bạn không được nhận vào làm ở bất cứ đâu còn có thêm tư tưởng: "Tôi học ở Tây về, tôi có kho kiến thức hàng đầu về lĩnh vực tôi đang theo đuổi, tôi có kinh nghiệm thực tập ở các công ty lớn bên kia... vì thế lương của tôi phải gấp 2, gấp 3 lần nhân viên bình thường ở đây."
Nghiêm Đức Mạnh, cựu sinh viên trường Đại học tổng hợp Cassino, Lazio, Italy, người từng nhận học bổng Master của trường Saitama, Nhật Bản và học bổng Master trường Cassino, Italy, hiện là chủ một nhãn hiệu thời trang lớn ở Hà Nội cho biết: "Du học sinh hay bị "ảo tưởng sức mạnh", nghĩ mình về nước phải làm này làm nọ và phải ứng dụng cái mình học vào luôn. Nhưng lý thuyết và thực tết tại Việt Nam rất khác, nên cần phải điều chỉnh sao cho phù hợp. Những cái bạn học được từ nước ngoài, có thể trong một thời điểm nào đó nó đã lỗi thời ở Việt Nam. Quá kỳ vọng và khả năng thích ứng kém nên khi về nước nhiều bạn sẽ rất nhanh bị nản và tiếp tục tìm đường quay lại."
Kinh phí bỏ ra du học quá lớn, mức lương nhận được khi về nước quá thấp, du học sinh dễ rơi vào tình trạng chán nản, muốn buông xuôi
Với mức lương cơ bản nhận được khi về nước chỉ rơi vào khoảng 8-10 triệu đồng/tháng, không thấm vào đâu so với số tiền bỏ ra đóng học phí, ăn ở suốt 4, 5 năm trời ở xứ người. Thực trạng ấy đưa du học sinh vào 2 con đường để lựa chọn: Một là đứng ra mở công ty, doanh nghiệp riêng, tự làm chủ; Hai là tiếp tục lên Facebook ca thán về cuộc đời. Nhưng thử nghĩ mà xem, một năm có bao nhiêu công ty ra đời, số lượng ấy quá nhỏ nhoi so với số lượng du học sinh Việt. Còn tệp người thi nhau lên mạng bày tỏ quan điểm, chán nản về thực trạng tuyển dụng ngày một nhiều lên.
Mức lương mà nhiều du học sinh nhận được cho những tháng đầu tiên đi làm "không bằng nửa tháng làm thêm" ở bên kia nên dễ nản lắm. Phải nhìn nhận vào thực tế rằng, so với sinh viên tốt nghiệp ở Việt Nam, du học sinh kém lợi thế hơn hẳn trên sân nhà. Kinh nghiệm không bằng, mức độ hiểu thị trường ít ỏi... nhưng cứ đòi lương cao gấp 2, gấp 3 sinh viên trong nước thì ai nhận các bạn vào làm!
Tôi từng nghe được câu chuyện một du học sinh ngành dầu khí ở châu Âu về nước xin việc thất bại dù CV đẹp chỉ vì: Không nêu được những hiểu biết cơ bản về cảng Vũng Tàu. Đấy, đâu phải du học về, mang CV với bằng cấp được ký bởi hiệu trưởng những trường top quốc tế là người ta trải thảm đỏ mời bạn vào làm đâu.
Chắc chắn trong bạn sẽ xuất hiện sự ghen tỵ với thành công của những người bạn ở lại, không chọn đi du học. Ngày bạn lên đường du học, các bạn ở nhà nhìn bằng ánh mắt ngưỡng mộ; ngày bạn trở về nước, nhìn bạn bè xung quanh mà có chút tủi hổ.
Thêm một vấn đề nữa cũng phải nói rõ, nhiều môi trường làm việc ở Việt Nam coi trọng tuổi tác và thâm niên hơn khả năng làm việc khiến du học sinh cảm thấy không thể hòa nhập.
Cái "mác du học" đang tự làm hại chính du học sinh! Có một sự xấu hổ không hề nhỏ mang tên du học về nước mà vẫn thất nghiệp.
Tổng hợp
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC