Thấp thỏm chờ quyết định cuối cùng
Gần 4h sáng (giờ Mỹ), Hoàng Ngọc Bích vẫn chưa ngủ. Nữ sinh liên tục theo dõi thông tin bàn luận trên các nhóm du học sinh về nguy cơ có thể bị trục xuất khỏi Mỹ. Cụ thể, từ ngày 6/6, khi Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) thông báo nhóm sinh viên quốc tế đang giữ visa F-1 và M-1 có thể sẽ bị trục xuất nếu hình thức dạy của trường là 100% online.
Kể từ khi có thông tin trên, nữ sinh luôn trong tình trạng lo lắng và căng thẳng. Đây là năm thứ 2 Bích xa gia đình, một mình tự lập du học Mỹ. Cô sống cùng 2 người bạn Việt Nam tại bang Tennesse.
Những ngày qua, nữ sinh liên tục gửi email cho giáo viên phụ trách hướng dẫn ở trường để hỏi về các hỗ trợ và giải pháp có thể giảm tác động tiêu cực từ chính sách của ICE mới đưa ra. Cô cũng liên tục gọi điện trao đổi tình hình với Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ để nắm được tình hình. “Hy vọng nước ta có thể thương lượng và hướng giải quyết tốt hơn cho du học sinh”, Bích nói.
Điều tệ nhất với cô lúc này đó là bị trục xuất khỏi Mỹ. Bởi nữ sinh vừa nộp số tiền học phí cho nhà trường hồi tháng trước. Nếu Bích phải trở về Việt Nam để học online 100% thì việc học không thể hiệu quả và lãng phí những khoản phí đã đóng góp.
“Nếu chính sách mới của ICE được áp dụng, em chỉ có hai lựa chọn, tiếp tục ở lại Mỹ và đối mặt với dịch bệnh cùng nguy cơ trục xuất, hoặc là trở về Việt Nam và tham gia các lớp học trực tuyến”, nữ sinh nói.
Vì không có người quen, họ hàng tại Mỹ nên nếu bị trục xuất, Ngọc Bích chỉ có thể về Việt Nam trên các chuyến bay cứu trợ. Tuy nhiên, số lượng du học sinh rất lớn, nữ sinh lo không đến lượt mình trong thời gian ngắn như vậy.
"Nếu trường dạy online 100%, trong khi chúng em không thể về nước, thì có thể sẽ bị coi là cư trú bất hợp pháp và nguy cơ phải rời khỏi nước Mỹ như những kẻ “tội đồ”, nữ sinh buồn bã.
Lê Quân Mai, du học sinh Việt tại California (Mỹ) cũng luôn trong tâm lý thấp thỏm những ngày qua. Gia đình Mai liên tục gọi điện mỗi ngày để hỏi về tình hình chính sách cấp thị thực ICE và hỗ trợ từ nhà trường. Tuy nhiên đến nay tình hình vẫn chưa có gì thay đổi.
Quân Mai cùng một số bạn du học sinh các nước đã 3 lần gửi đơn lên nhà trường để xin được hỗ trợ. Nữ sinh hy vọng trường sẽ dạy trực tiếp kết hợp dạy online để không bị trực xuất về nước ngay lúc này.
Mai dự tính trong trường hợp xấu nhất, cô sẽ lựa chọn hình thức gap year (nghỉ một năm hay một học kì) trước chính sách visa mới này. Tuy nhiên, gap year có nguy cơ bị cắt giảm học bổng cho năm học sau, hoặc ảnh hưởng đến tiến độ, hay quá trình sắp xếp lịch học của những năm tiếp theo.
Du học sinh Việt Nam. (Ảnh minh hoạ)
Trước lo lắng của du học sinh, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 7/7 trấn an du học sinh bằng việc khẳng định sinh viên quốc tế luôn được chào đón đến học tập tại Mỹ. Theo Forbes, đại diện của Đại học Harvard và Pennsylvania cho biết sẽ làm việc với các tổ chức khác để vạch ra con đường đảm bảo sinh viên có thể tiếp tục học mà không sợ bị rời khỏi Mỹ vào giữa năm nay.
Ngày 8/8, Bộ GD&ĐT trấn an, nếu trong trường hợp phải về nước khi trường học yêu cầu 100% dạy online, thì du học sinh cần đăng ký với Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ.
Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp Bộ Ngoại giao báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19, Chính phủ và đề xuất tổ chức các chuyến bay đến Mỹ đưa lưu học sinh về nước. Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục làm việc với các cơ quan liên quan, đặc biệt là Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, cập nhật tình hình và có giải pháp hỗ trợ phù hợp, kịp thời cho các lưu học sinh.
“Các du học sinh bình tĩnh, chủ động tìm hiểu về những hướng xử lý của nhà trường để có giải pháp phù hợp cho riêng mình", Bộ GD&ĐT khuyên.
Các trường cân nhắc điều chỉnh kế hoạch
Đại học Stanford, ngôi trường dự định chuyển hầu hết lớp học sang hình thức trực tuyến, cho biết sẽ hỗ trợ tất cả sinh viên hoàn thành chương trình học đồng thời thúc giục chính quyền suy nghĩ lại về quyết định của mình.
Đại diện Đại học Harvard và Pennsylvania cho biết sẽ làm việc với các tổ chức khác để vạch ra con đường đảm bảo sinh viên có thể tiếp tục học mà không sợ bị rời khỏi Mỹ vào giữa năm nay.
Đại học New York- nơi có số lượng sinh viên quốc tế cao nhất nước Mỹ, Đại học Brown, Đại học Columbia... ra thông báo sẽ kết hợp học trực tiếp và trực tuyến trong mùa thu này.
Ngoài ra Đại học Princeton, Đại học MIT, Đại học Duke và Dartmouth đang xem xét các tác động tiềm năng của chính sách và nhấn mạnh tầm quan trọng của sinh viên quốc tế.
Hai trường đại học Mỹ khởi kiện
Hôm 8/7, hai trường đại học hàng đầu ở Mỹ là Harvard và Viện công nghệ Massachusetts (MIT) khởi kiện chính quyền Tổng thống Donald Trump lên Tòa án Liên bang về quy định mới đối với sinh viên quốc tế.
Đơn khởi kiện của trường Đại học Harvard và MIT chỉ rõ, chính sách mới được ban hành bởi Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) làm đảo ngược các chỉ dẫn cho các trường đại học trong mùa Xuân, đã không được báo trước và là một quyết định "tùy tiện và thất thường".
Hai trường đại học hàng đầu của Mỹ cũng cho rằng, quyết định này không có cơ sở và không cho công chúng cơ hội được đóng góp ý kiến trong quá trình làm luật.
Các trường đại học lập luận rằng, chính sách này có động cơ chính trị và sẽ khiến giáo dục đại học rơi vào hỗn loạn. Đồng thời, họ cũng cáo buộc đây là nỗ lực của Nhà Trắng nhằm gây áp lực cho các trường đại học và cao đẳng mở cửa trở lại và từ bỏ các phương pháp thận trọng mà nhiều bang đã áp dụng để giảm lây nhiễm virus SARS-CoV-2.
“Đây rõ ràng là ý định chính trị. Họ muốn buộc các trường vào hoàn cảnh phải tuyên bố mở cửa”, ông Miriam Feldblum, Giám đốc điều hành của Liên minh về Giáo dục đại học và Nhập cư tại Mỹ cho hay.
|
Hà Cường
Nguồn: vtc.vn
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC