Cách đây tròn một năm, 39 người Việt nhập cư đã ra đi đau thương ở hạt Essex (Anh). Một năm trôi qua, nỗi đau của các gia đình nạn nhân vẫn chưa nguôi ngoai, trong khi đường dây buôn người xuyên quốc gia dần lộ sáng.
Tại Việt Nam, những kẻ tham gia đường dây đưa người vượt biên trái phép đã bị xét xử và nhận bản án nghiêm khắc. Trong phiên tòa dài 6 tuần xét xử 4 bị cáo người Anh, Ireland bắt đầu hôm 7-10, các bị cáo đối mặt với nhiều tội danh khác nhau từ buôn người đến ngộ sát.
"Không đổ lỗi cho bất kỳ ai"
"Tôi không đổ lỗi cho bất kỳ ai - ông Lê Văn Tuấn ở Nghệ An nói với phóng viên Hãng thông tấn AFP của Pháp, trong căn nhà đang xuống cấp - Tôi chỉ ước mình có thể sang Anh tham dự phiên tòa và thắp cho con nén nhang ở nơi người ta đã tìm thấy nó".
Con của ông Tuấn, anh Lê Văn Hà, đã ra đi ở tuổi 30 khi chưa kịp nhìn thấy mặt trời xứ Anh. Anh Hà, một nông dân "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", đã trả tiền cho những kẻ tổ chức đường dây vượt biên từ Việt Nam sang châu Âu.
Hành trình của anh, cũng giống với phần lớn những nạn nhân khác, là một đường ngoằn ngoèo từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Hi Lạp, sau đó là Pháp và đích đến cuối cùng là Vương quốc Anh. Nhưng Hà và 38 người Việt khác, trong đó có em chỉ mới 15 tuổi, đã kết thúc giấc mơ đổi đời trong xe container đông lạnh.
Thi thể của các nạn nhân được tìm thấy trong xe container ở Essex, đông nam nước Anh, vào ngày 23-10-2019 sau chuyến đi từ cảng Zeebrugge ở Bỉ. Thùng container sau đó được chở tới Purfleet, nơi người ta phát hiện các thi thể.
Các công tố viên tại phiên tòa ở Anh nhận định 39 người trong xe container có thể đã chết vì sự tham lam của những kẻ tổ chức đường dây khi nhồi nhét hai chuyến xe tải lại thành một.
Nhưng cũng giống như ông Tuấn, cha mẹ của nạn nhân Nguyễn Đình Lượng ở Hà Tĩnh không một lời trách móc các bị cáo.
"Họ không cố tình để con tôi và những người khác chết" - ông Nguyễn Đình Gia, cha của Lượng, nói với AFP. Lượng, một trong tám người con của ông bà Gia, sang Pháp làm việc từ năm 2018 và quyết định sang Anh để tìm cơ hội tốt hơn. "Không ai ép con tôi đi cả, có lẽ do nó kém may mắn" - ông Gia trải lòng.
Vẫn còn nhiều con đường hợp pháp
Bỏ ra hàng chục ngàn đôla và nghe theo những lời hoa mỹ của bọn buôn người, rất nhiều người ở các tỉnh Bắc Trung Bộ đã đi tìm kiếm giấc mơ đổi đời tại nước ngoài mà không biết những hiểm nguy thực sự chực chờ.
Nhiều người cuối cùng phải làm việc bất hợp pháp trong các tiệm nail hoặc các trang trại trồng cần sa ở Anh, bị bóc lột, giam lỏng và phải làm việc không công để trả số tiền đã vay mượn.
Nhưng phần lớn đều không xem mình là nạn nhân của bọn buôn người, bởi họ nghĩ chính họ đã lựa chọn rời đi.
Blue Dragon, một tổ chức thiện nguyện chuyên giúp đỡ các nạn nhân buôn người có văn phòng tại Hà Nội, từ sau thảm kịch ở Anh đã nỗ lực nhiều hơn để ngăn chặn điều tương tự tái diễn.
Bà Luong Le, một điều phối viên địa phương, đã kể về Trà - một cô bé quê ở Hà Tĩnh bị giam lỏng trong một xưởng may mặc ở TP.HCM. Trà được Blue Dragon tìm thấy và đưa về quê năm 2013, khi đó em chỉ mới 15 tuổi.
"Nhà" của Trà là một con thuyền, người anh cả bỏ Hà Tĩnh đi khắp Việt Nam kiếm sống, hai em của Trà được gửi cho ông bà.
"Chúng tôi đã cung cấp cho Trà tất cả sự hỗ trợ để em có thể đi học trở lại. Sau 3 năm, Trà tốt nghiệp nhưng quyết định không học thêm vì sợ gánh nặng cho cha mẹ" - bà Luong viết trên trang web của Blue Dragon.
Gia đình của Trà kể đã đứng trước một quyết định mạo hiểm: đưa người anh cả ra nước ngoài. Nhưng có lẽ may mắn: cha mẹ Trà không có đủ 40.000 USD như yêu cầu của những kẻ tổ chức đường dây.
Được khuyên nên chọn con đường hợp pháp, dù có thể kiếm ít tiền hơn nhưng an toàn, anh của Trà quyết định đi Nhật. Sau 1 năm, anh trả hết khoản nợ 8.000 USD cho chuyến đi Nhật. Hai năm sau, anh giúp đỡ tiếp đứa em gái của Trà, đưa em sang Nhật cùng làm trong một nhà máy chế biến thực phẩm.
"Những người như Trà đã giúp chúng tôi hiểu được vì sao người dân ở một số vùng của Việt Nam lại chọn những chuyến đi đổi đời ở nước ngoài bất chấp rủi ro. Kinh nghiệm của gia đình Trà cho chúng tôi thấy rằng, với một số trợ giúp cơ bản và khả năng tiếp cận thông tin tốt, bi kịch có thể tránh được" - điều phối viên của Blue Dragon kết luận.
Việt - Anh hợp tác chống buôn người
Trong tuyên bố ngày 23-10, Đại sứ Anh tại Việt Nam Gareth Ward cho biết trong năm qua cảnh sát Anh và Việt Nam đã phối hợp để đưa những kẻ buôn người ra công lý. Đã có 8 bản án được tuyên ở Việt Nam, và tại Anh cũng đang diễn ra một phiên tòa.
Bên cạnh đó, Anh và Việt Nam đã hợp tác chặt chẽ trong nâng cao năng lực phòng chống mua bán người. Hai sĩ quan Việt Nam mới đây đã được biệt phái sang Anh để chia sẻ thông tin và tăng cường hợp tác. "Anh và Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ để cùng nhau ngăn chặn nạn mua bán người" - Đại sứ Ward nhấn mạnh.
Hãy đi hợp pháp để tránh rủi ro
Nhân viên Đại sứ quán Anh tại Hà Nội tưởng niệm các nạn nhân khi xảy ra thảm kịch Essex - Ảnh: ĐSQ Anh tại Hà Nội
Tròn 1 năm sau thảm kịch Essex, không ít gia đình ở Việt Nam vẫn còn mang món nợ hàng trăm triệu đồng chưa trả hết.
Chị Trần Thị Tân - vợ nạn nhân Nguyễn Thọ Tuân ở xã Nam Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An - nhớ lại đầu tháng 8-2019, công việc ở nhà bấp bênh nên vợ chồng chị đánh liều "cắm" sổ đỏ vay ngân hàng gần 400 triệu đồng để qua Đức làm việc.
Hai tháng sau, ngày 21-10-2019, chồng gọi về dặn chị chuẩn bị 13.000 bảng Anh để khi nào anh từ Pháp qua Anh thành công sẽ có người tới nhận tiền. Đây cũng là cuộc gọi cuối cùng của vợ chồng anh Tuân.
"Cảm ơn Nhà nước đã có chính sách bảo trợ công dân, hỗ trợ đưa chồng tôi về nước. Căn nhà dột nát ba mẹ con tôi đang ở cũng nhờ dân làng sửa chữa lại tránh mưa gió, giúp tôi vơi bớt buồn đau. Tôi mong rằng những ai có ý định ra nước ngoài làm việc cần chọn con đường hợp pháp để tránh rủi ro" - chị Tân tâm sự.
Trong khi đó, ông Phạm Văn Thìn - cha của nạn nhân Trà My ở Hà Tĩnh - cho hay mọi việc đã xảy ra 1 năm rồi, nhắc lại càng thêm đau xót. "Gia đình bỏ ra 22.000 USD cho con sang Anh song vỡ mộng, giờ mất trắng.
Vừa rồi phiên tòa xét xử các bị cáo trong đường dây đưa con tôi sang Anh, gia đình chỉ có nguyện vọng các bị cáo hỗ trợ phần nào đó để khắc phục vì vợ chồng già yếu không biết lấy đâu ra khoản tiền lớn như vậy để trả nợ" - ông Thìn nói.
Hai bị cáo Gheorghe Nica (trái) và Eamonn Harrison (thứ 3 từ trái sang) trong phiên tòa ngày 7-10 tại Anh. Cả hai thừa nhận tổ chức đường dây vượt biên nhưng phủ nhận 39 tội danh ngộ sát - Ảnh: MIROR
Diễn biến vụ 39 người Việt chết ở Anh
23-10-2019
Tìm thấy thi thể 39 người việt trong xe container đông lạnh ở hạt Essex, Anh.
11-2-2020
Cảnh sát Anh kết luận sơ bộ 39 người việt chết do thiếu oxy và tăng thân nhiệt trong không gian kín.
8-4-2020
Maurice robinson (25 tuổi), nghi phạm đầu tiên bị bắt, nhận 39 tội danh ngộ sát tại tòa Old Bailey ở London.
26-5-2020
Cảnh sát Pháp và Bỉ bắt 26 người, gồm nhiều người việt, nghi liên quan vụ 39 người việt chết trong xe container ở Anh.
28-8-2020
Ronan hughes (40 tuổi), tài xế người ireland cầm đầu đường dây buôn người, nhận 39 tội danh ngộ sát và âm mưu hỗ trợ nhập cư trái phép tại tòa Old Bailey ở London.
14-9-2020
TAND hà Tĩnh tuyên án tù giam với 4 bị cáo và án treo với 3 bị cáo trong đường dây đưa người sang Anh trái pháp luật.
7-10-2020
Phiên tòa xử 4 người khác liên quan đường dây đưa 39 người việt vào Anh bắt đầu tại tòa Old Bailey ở London và dự kiến kéo dài khoảng 6 tuần.
9-10-2020
Tòa án Anh phát lại lời trăng trối của các nạn nhân. Trong đó, nạn nhân nguyễn Thọ Tuân ghi âm lời nhắn gửi vợ: "Anh xin lỗi. Anh không chăm sóc mẹ con em được nữa. Anh không thở được".
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC